Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng và dân tộc Mông cũng vậy. Nói về đời sống văn hóa tinh thần của người Mông không thể không nhắc tới loại hình nghệ thuật múa Khèn. Tiếng khèn ngân vang khắp cánh rừng Tây bắc, núi đồi trùng điệp, ngấm vào đất và cả tâm hồn người Mông từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khèn được dùng hầu hết trong tất cả các ngày lễ, hội, lớn, nhỏ của người Mông; dùng trong cưới hỏi và trong cả những việc tâm linh.
Từ trung tâm huyện Nậm Pồ sau hơn 2 giờ đi xe máy vượt qua những khúc cua tay áo với những đoạn đường mòn dốc ngược chúng tôi đã có mặt tại bản Huổi Hâu, xã Nà Khoa. Theo chỉ dẫn của người dân trong bản, chúng tôi để xe máy ở đầu bản và mất thêm 30 phút đi bộ men theo những con đường mòn dưới chân núi chìm lút dưới tán cây rừng mới tìm được nhà nghệ nhân ưu tú Hảng A Sàng, người đã có trên 24 năm thực hành và truyền dạy cách làm, múa Khèn Mông.
Hẹn trước nên ông Sàng chờ sẵn chúng tôi ở nhà từ sớm. Rót chén trà mời khách, ông Sàng chia sẻ: “Với niềm yêu thích âm nhạc, nhạc cụ dân tộc Mông, ngay từ khi còn bé, lúc rảnh rỗi tôi thường sang nhà các bác, các ông cao tuổi trong bản biết múa Khèn Mông để học thổi, học múa và theo bố mẹ, ông bà, anh chị tham gia các buổi văn nghệ do bản, do xã tổ chức.
Tôi đã học thổi Khèn và múa Khèn Mông từ rất nhiều người trong bản. Nhưng người truyền dạy cho tôi nhiều nhất là thầy Hảng A Diêu (đã mất) ở Sín Chéng, Si Ma Cai, Lào Cai.
Sau nhiều năm học hỏi và chăm chỉ tập luyện cùng ông Hảng A Pàng, tôi đã biết thổi và múa được thuần thục các điệu múa Khèn Mông như: Điệu múa Xuân về bản, Tiếng Khèn gọi bạn, Sắc xuân quê tôi, Tiếng Khèn xuống chợ, Xuân vùng cao. Song song với quá trình học múa Khèn, tôi còn học cách chế tác Khèn, hiện nay tôi đã chế tác thành thạo Khèn Mông.
Từ năm 2013 đến nay, tôi thường xuyên tham gia diễn các buổi văn nghệ do bản, xã, huyện, tỉnh tổ chức, như trong dịp lễ hội, tết truyền thống của dân tộc Mông; ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên; ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Hà Giang và tham gia nhiều Hội diễn Nghệ thuật quần chúng khác do các cấp, các ngành và Trung ương tổ chức. Góp phần đưa tiếng Khèn của dân tộc Mông đến gần hơn với công chúng, với người dân cả nước”.
Cũng theo ông Sàng thì cây Khèn truyền thống của người Mông có sáu ống trúc, đó là con số biểu trưng cho tình anh em đoàn tụ, tính gắn kết cộng đồng, làng bản. Và nó cũng là một trong những vật dụng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tôc Mông. Tùy vào từng hoàn cảnh mà người ta thổi, múa các bài Khèn khác nhau. Cụ thể, đối với các bài Khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa, nhảy ngồi xổm, tay nọ vỗ vào chân kia, tay kia vỗ vào chân nọ, tiếng vỗ phải kêu, mà tiếng Khèn vẫn không dứt. Tiêu biểu như (Điệu múa Xuân về bản, Tiếng Khèn gọi bạn, Tiếng Khèn xuống chợ, Xuân vùng cao…) thường thổi vào dịp tết, đám cưới. Đối với các bài khèn trong việc lễ, việc tang giai điệu phải trầm bổng, bi ai…
Với mong muốn con cháu, thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa và giá trị sâu sắc của tiếng Khèn trong đời sống tinh thần của người Mông, ông Sàng đang ngày ngày vẫn đang nỗ lực truyền dạy cách làm và sử dụng khèn Mông cho con cháu, cho những người yêu thích đam mê với loại hình nghệ thuật này.
Đến nay, ông Sàng đang truyền dạy cho 8 học trò, trong số đó tiêu biểu nhất phải kể đến các học trò Hảng A Quẩy, Hảng A Phử đã thực hành thành thạo các điệu múa Khèn Mông trong các đám tang, đám giỗ và trong lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trên địa bàn
Cũng giống như ông Sàng, từ nhiều năm nay, nghệ nhân Hậu Phái Sếnh, bản Pú Súa (xã Ảng Cang, huyện Mường Ảng) đã và đang dốc sức gìn giữ văn hóa dân tộc. Được sự cho phép của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch; cấp ủy chính quyền địa phương, ông Sếnh vẫn miệt mài mở lớp truyền dạy chế tác khèn Mông cho những người đam mê với nhạc cụ dân tộc.
Lớp học của ông Sếnh là một lớp học đặc biệt. Bởi lớp học diễn ra ngay trên một bãi đất trống, học viên học viên không phân biệt tuổi tác, có đủ mọi lứa tuổi, từ những cậu bé tuổi 15 cho đến các bậc trung niên tuổi ngoài 50. Lớp học đông vui, nhộn nhịp tràn đầy tiếng nói cười, xen lẫn tiếng đe, tiếng búa – âm thanh phát ra từ việc tán lá đồng (một trong những bộ phận quan trọng trong việc tạo nên âm thanh cho cây khèn).
Ngay từ khi còn nhỏ cậu thanh niên, Hậu Phái Sếnh thường được nghe cha mình thổi những điệu khèn Mông. Có lẽ vì thế mà tình yêu âm nhạc cứ lớn dần trong ông theo năm tháng.
“Với niềm đam mê, yêu thích nhạc cụ của dân tộc mình tôi đã hăng say tập luyện và thành thục các điệu múa khèn từ khi mới đôi mươi, đến nay đã ngoài 70 tuổi. Nhà nước, rất quan tâm đến bản sắc dân tộc của người Mông, hỗ trợ mở lớp tại bản Pú Súa để tôi truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.
Tôi sẽ cố gắng hết sức để truyền dạy kỹ thuật thổi khèn, múa khèn và chế tác khèn Mông cho thế hệ trẻ, đặc biệt là 18 học viên của lớp học. Để không bị mai một văn hóa dân tộc người Mông”, nghệ nhân Hậu Phái Sếnh tâm sự.
Theo ông Sếnh, thổi khèn, múa khèn đã khó, học chế tác khèn còn khó gấp trăm lần. Để chế tác ra một cây khèn cần rất nhiều công đoạn. Từ chọn vật liệu để làm ống khèn, bầu khèn, lá lam đồng (lưỡi gà).
Công đoạn đầu tiên là nấu đồng, rèn lưỡi lam có độ mỏng vừa đủ để phát ra độ rung ngân tốt; bầu khèn thường được làm bằng gỗ pơ mu; 6 ống khèn được làm từ cây trúc, sau khi lấy về các đoạn trúc được lựa chọn cẩn thận sau đó được luộc, uốn, phơi, khoan lỗ đúng âm, đúng khoảng cách. 6 ống khèn có độ dài, ngắn khác nhau, trên mỗi ống đều có một lỗ nhỏ được gắn lưỡi gà. 6 ống khèn được cắm xuyên qua bầu khèn và được cố định lại bằng các đai khèn, khi thổi âm thanh trầm hay bổng tùy thuộc vào độ dài ngắn của ống trúc. Âm thanh cây khèn có hay, có chuẩn hay không đều phụ thuộc vào kinh nghiệm thẩm âm của người tạo ra nó.
Anh Hậu A Sở, bản Pú Súa, xã Ảng Cang, một trong những học viên trẻ của lớp chia sẻ: “Được các cấp chính quyền quan tâm mở lớp học chế tác khèn Mông tại bản, nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc của người Mông tôi rất vui mừng. Tôi sẽ cố gắng, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, nghề chế tác khèn để làm được cây khèn hoàn chỉnh.
Sau khi học tích lũy được kinh nghiệm, tôi sẽ làm ra những cây khèn đẹp, chất lượng quảng bá ra xã hội, để nhiều người biết đến. Qua đó, góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc”.
Hy vọng với những nỗ lực cố gắng truyền dạy của các nghệ nhân Hậu Phái Sếnh, Hảng A Sàng, tiếng khèn Mông không chỉ tiếp tục trầm bổng, réo rắt không chỉ vang lên dưới bầu trời cực Tây của Tổ quốc mà còn vang xa hơn nữa.