(DTTG) Giẻ Triêng là dân tộc ít người ở vùng phía bắc Tây Nguyên, có bản sắc văn hóa khá đa dạng và còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa giá trị, trong đó nổi bật về âm nhạc dân gian. Có được điều đó là nhờ dân tộc này vẫn còn có rất nhiều nghệ nhân, nghệ sỹ miệt mài gìn giữ.
Già A Vẻ có thể chế tác được nhiều loại nhạc cụ dân tộc |
Đam mê và trách nhiệm
Trong số các dân tộc ở Tây Nguyên, người Giẻ Triêng có một đời sống âm nhạc vô cùng phong phú, với rất nhiều các loại nhạc cụ khác nhau. Hát múa cồng chiêng và nghệ thuật diễn xướng dân gian đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây.
Sinh ra và lớn lên ở làng Đăk Wâk, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, từ nhỏ được cha dẫn đi xem biễu diễn cồng chiêng trong các dịp lễ hội, cậu bé A Thơng dần nảy sinh niềm đam mê âm thanh của cồng chiêng. Năm 15 tuổi, A Thơng bắt đầu theo cha và các ông, các chú trong làng tập đánh cồng chiêng.
“Lúc đó, nghe ở đâu có đánh cồng chiêng là tôi đều đến xem để học hỏi. Không biết thì hỏi mấy ông, mấy chú chỉ cho, dần dần rồi cũng biết đánh. Cùng với sự kèm cặp, chỉ dạy của cha, năm 16 tuổi tôi đã đánh cồng chiêng thành thạo. Mỗi khi đi làm trong rừng về mệt mỏi, nghe được âm thanh cồng chiêng vang vọng là mình cảm thấy rất vui vẻ, mệt mỏi như tan biến”, già A Thơng chia sẻ.
Giờ đây ở làng Đăk Wâk, già A Thơng được xem như cây đại thụ của làng, bởi già là người duy nhất còn biết cách đánh nhiều bài chiêng, hát những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng. Nay đã 75 tuổi, sức khỏe cũng đã suy yếu, nhưng bằng niềm đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc, già A Thơng luôn dành thời gian tập cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng ở khoảng sân trước nhà.
“Tôi nói với bà con rằng, thanh thiếu niên làng mình ai cũng phải biết đánh cồng chiêng, có như vậy mới giữ gìn được văn hóa truyền thống của người Giẻ Triêng. Mỗi tháng 2 lần, tôi tổ chức dạy tại nhà, hoặc ở sân nhà rông. Không chỉ mình tôi, những người biết cũng dạy lại cho người chưa biết. Thấy con cháu biết đánh cồng chiêng, tôi mừng lắm”, già A Thơng bày tỏ.
Nhờ những đóng góp của già A Thơng, hiện thôn Đăk Wâk đã thành lập được 2 đội cồng chiêng, múa xoang với 40 người. Anh A Tia, người được già A Thơng dạy đánh cồng chiêng và hiện đang tham gia đội cồng chiêng, múa xoang làng Đăk Wâk, cho biết: “Già A Thơng rất tâm huyết với văn hóa của dân tộc, nhờ già chỉ dạy kỹ càng, giờ đây tôi đã biết đánh thành thạo. Đặc biệt, khi đã biết đánh rồi, tôi cảm nhận được giá trị của cồng chiêng, cảm thấy yêu quý hơn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, từ đó có trách nhiệm gìn giữ, phát huy”.
Ngoài cồng chiêng, già A Thơng còn giữ được nghề đan lát truyền thống. Bằng đôi bàn tay khéo léo, già đã làm ra những chiếc gùi, rổ, đơm cá để phục vụ cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, hiện già là người duy nhất ở làng Đăk Wâk đan được chiếc klec (gùi đeo vai của đàn ông). Klec được đan rất cầu kỳ và chỉ dùng nan làm từ sợi mây. Gùi được đàn ông dùng khi đi rừng, đi rẫy rất tiện lợi vì có 3 ngăn và để được rất nhiều vật dụng phục vụ cho sản xuất.
Giờ dù tuổi cao sức yếu, song bằng niềm đam mê và trách nhiệm với văn hóa dân tộc, già A Thơng vẫn đang miệt mài truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong làng. Với già, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi thanh thiếu niên trong làng biết yêu quý và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Già A Vẻ đàn và hát cho du khách thưởng thức các điệu nhạc dân tộc Giẻ Triêng |
Truyền lửa cho giới trẻ
Cũng là một trong những nghệ nhân đam mê với âm nhạc truyền thống dân tộc mình, già A Vẻ đã tự mày mò, tìm hiểu và cần mẫn chế tác được 12 nhạc cụ, với vật liệu chủ yếu từ cây tre, cây nứa.
“Hồi xưa có ai dạy mình làm đâu. Hàng ngày nhìn mẹ cầm cây sáo thổi cho con cho vui. Một lần mẹ đi vắng, mình cũng bắt chước thử thấy thích luôn. Rồi cái mình suy nghĩ tự làm bắt chước. Bỏ bẵng 20 năm do đi chiến đấu rồi lấy vợ nuôi con. Năm 2003, Đảng và Chính phủ khuyến khích khôi phuc văn hóa truyền thống, mình mới bắt đầu lại việc chế tác”, già A Vẻ kể.
Khi được hỏi làm thế nào để mỗi nhạc cụ đều có âm thanh đạt chuẩn, già A Vẻ bảo, chủ yếu phải dựa vào kinh nghiệm và trình độ thẩm âm của mỗi người. Cứ làm rồi thổi thử, đánh thử, rồi làm lại đến khi nghe chuẩn là được. Chính vì thế mà nếu không có một đôi tay khéo léo và một đôi tai tinh tế thì rất khó để làm được.
Nhanh nhẹn như con chim rừng, nụ cười đôn hậu thường trực, nghệ nhân A Vẻ hào hứng giới thiệu những nhạc cụ do mình chế tác: “Đây là Talin, Talun, Đinhtút này, Ongengọt này, đàn m'bin, đơlđô, Khèn chế tác lâu và khó lắm, phải tháng mới xong. Cái này là mình mới làm tên là Gor được chơi khi phụ nữ, trai gái cùng đan lát, dệt thổ cẩm, thổi cho vui, vừa chơi, vừa tình yêu với nhau”.
Để “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ tình yêu với âm nhạc truyền thống, già A Vẻ cùng với một số nghệ nhân lớn tuổi liên tục mở lớp để truyền dạy kỹ thuật chơi nhạc, thổi khèn, sáo, đánh cồng chiêng và đặc biệt là cách chế tác nhạc cụ cho các thanh niên trong làng. Nhờ vậy mà giờ rất nhiều người dân ở đây biết chơi 1 hay vài ba nhạc cụ, hoặc biết múa, biết hát. Đội văn nghệ của làng ĐắckRăng cũng dần được biết tiếng và thường được mời tham gia biểu diễn ở nhiều chương trình lớn của huyện, của tỉnh và Trung ương.
Giờ dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, đáng ra được nghỉ ngơi nhưng Già làng A Vẻ vẫn miệt mài cùng đoàn nghệ nhân làng ĐắckRăng biểu diễn khắp nơi. Có lẽ với ông, âm nhạc đã trở thành hơi thở, đã ngấm vào máu thịt rồi... Và, điều Già A Vẻ mong muốn nhất chính là ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa cho người Giẻ Triêng.
Với những cống hiến trong công tác truyền dạy văn hóa nói riêng và bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, Già A Vẻ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian - Nghệ nhân ưu tú và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen.
Từ thời xa xưa, các thiếu nữ Giẻ Triêng đã rất giỏi thêu thùa, dệt vải |
Cố gắng bảo tồn
Ngoài gìn giữ âm nhạc hay các làn điệu dân ca dân vũ, một số nghệ nhân người Giẻ Triêng còn cố gắng bảo tồn bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Bà Y Dằn, ở làng Đăk Ba, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum bảo, ngày xưa, người con gái Giẻ Triêng nào cũng biết dệt thổ cẩm. Việc dệt thổ cẩm để làm ra những tấm chăn, tấm choàng, váy, khố... đẹp là bổn phận của người phụ nữ. Tấm dệt đẹp nói lên phẩm hạnh của người phụ nữ, người nào chăm chỉ dệt, dệt đẹp sẽ được trai làng để ý, thương nhớ; người con gái nào không biết dệt thổ cẩm là thua kém, chưa làm tròn bổn phận của mình...
Không chỉ biết dệt thổ cẩm, người con gái Giẻ Triêng ngày trước còn phải học các mẹ, các bà trồng bông, hái bông và xe sợi. “Hồi trẻ theo mẹ, theo bà trồng bông, hái bông, xe sợi thích lắm. Rồi phải biết hái lá cây rừng, cắt dây, đào củ làm màu, nhuộm sợi thổ cẩm trước khi dệt. Muốn sợi màu gì thì phải tìm lá cây, dây, hay củ để làm ra màu nhuộm cho phù hợp. Ví như màu đen thì tìm lá trùm, màu vàng tìm củ nghệ, màu trắng tìm dây khe ruộng”, bà Y Dằn kể.
Cũng theo bà Y Dằn thì xã hội ngày càng phát triển, lớp trẻ bị cuốn theo dòng chảy cuộc sống, không mấy người chú ý đến các giá trị truyền thống. Số người trẻ biết thêu thùa, dệt vải ngày càng ít, người làng bây giờ cũng không ai trồng bông nữa, nên cây bông từ lâu đã vắng bóng. Thổ cẩm giờ dệt bằng sợi chỉ, sợi len mua ở ngoài chợ, ngoài siêu thị.
So sánh về chất lượng, bà Y Dằn cho rằng thổ cẩm của người Giẻ Triêng làm bằng sợi bông mềm, bền, ấm và đẹp hơn thổ cẩm bằng sợi chỉ, sợi len. Hơn nữa, thổ cẩm truyền thống còn vượt trội ở độ bền, sự mịn màng và màu sắc.
“Dệt thổ cẩm là giữ lại cái nghề, là lưu giữ bản sắc dân tộc. Nếu dệt thổ cẩm vì mục đích kiếm tiền, vì mục đích lợi nhuận chắc không ai dệt. Bởi hiện dệt một tấm đắp đôi mất hơn 10 ngày, tấm đắp đơn mất 5 ngày, váy mất 4 ngày... trong khi tấm đắp đôi dài 3,5 mét, rộng 1 mét giá bán chỉ 1,2 triệu đồng, tấm đắp đơn giá 500 nghìn đồng và tấm váy 600 nghìn đồng. Nếu trừ tiền chỉ, len có khi huề vốn hoặc lãi không đáng kể. Muốn kiếm tiền, đi cạo mủ cao su, làm cỏ mì còn cao hơn công dệt thổ cẩm nhiều lần”, bà Y Dằn tâm sự.
Chính vì vậy, các chị ở làng Đăk Ba thường dệt thổ cẩm trong lúc nông nhàn. Phần đông các chị dệt thổ cẩm là để dùng trong dịp lễ hội và làm vật trao đổi với người dân trong làng, trong xã. Cũng có khi khách đến làng tham quan hỏi mua, nhưng thường là rất hiếm.
Bà Y Chảy, một người cũng đau đáu, trăn trở với nghề dệt truyền thống ở làng Đăk Ba, tâm sự, mấy năm trở lại đây, chị em trong làng đã và đang cố gắng bằng nhiều cách để khôi phục nghề dệt thổ cẩm như thành lập tổ dệt thổ cẩm, với mong muốn “giữ lại hồn người Giẻ Triêng”.
Mấy năm gần đây, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cũng hỗ trợ khung dệt thổ cẩm cho các chị em Đăk Dục, nhờ vậy mà giờ có thêm nhiều người Giẻ Triêng trong xã biết dệt. Hy vọng rằng, khi người dân, cộng đồng và các ngành, các cấp chính quyền cùng chung tay vào cuộc khôi phục lại nghề truyền thống, những giá trị văn hoá đích thực của người Giẻ Triêng sẽ được giữ gìn và phát huy.