Đời sống xã hội

Những người “giữ hồn” cho bản sắc vùng cao

Hằng Nguyễn 05/03/2024 - 17:11

A Lưới là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu …Tuy nhiên trước sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào bị mai một. Để tiếp nối và “khơi thông” dòng chảy văn hóa đó, đã có những lớp người âm thầm, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc – họ chính là các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, được coi là “báu vật sống”, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế.

398-202403051424571.jpg
Già làng, trưởng bản, nghệ nhân trong bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân tộc

Vai trò của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân trong bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân tộc

Bên dãy Trường Sơn đại ngàn, đây là địa bàn tụ cư lâu đời của cộng đồng các dân tộc ở A Lưới, cùng với quá trình phát triển, họ đã không ngừng sáng tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng biệt, phong phú về văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó chính là bảo tàng sống về kiến trúc, nghệ thuật, phong tục tập quán, nét sinh hoạt hằng ngày của đồng bào qua nhiều thế hệ cùng với các lễ hội đặc sắc, các làng nghề, món ăn truyền thống…. đã tạo cho vùng đất A Lưới nét riêng có trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Xác định được tầm quan trọng của văn hóa trong việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng an ninh ở khu vực biên giới cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Trong nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện A Lưới đã ban hành nhiều chính sách phù hơp, chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức thực hiện nhiều giải pháp về bảo tồn và phát triển các loại hình, giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào, trong đó, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân những người có uy tín trong cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn, phát huy và truyền dạy các giá trị văn hóa. Bởi họ là người nắm giữ các di sản văn hoá trực tiếp trong cộng đồng dân tộc, họ giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, là lực lượng nòng cốt trong việc cùng với cộng đồng sáng tạo những giá trị mới trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc văn hoá truyền thống của dân tộc mình và văn hoá các dân tộc khác phù hợp để làm giàu cho văn hoá từng dân tộc. Trong những năm qua, Đề án Bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đã được triển khai một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Trong giai đoạn này, đề án đã mở được 9 lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ, 3 lớp truyền dạy nghề điêu khắc, 3 lớp truyền dạy nghề đan lát thủ công truyền thống tại các xã trên địa bàn huyện, thu hút trên 90 nghệ nhân truyền dạy và 500 học viên học tập. Nhờ vậy, mà thế hệ trẻ càng biết trân trọng, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của từng dân tộc đã được bảo tồn khai thác và mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thông qua các hình thức hội diễn, tổ chức lễ hội, triễn lãm, ngày hội văn hóa, thể thao. Nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu thường xuyên duy trì khôi phục theo phong tục, tập quán của từng dân tộc như Ariêu A Da, Ariêu Piing, Ariêu Car, cưới hỏi, mừng nhà mới...

Với tình yêu quê hương, dân tộc, niềm đam mê với nghề, các già làng, trưởng bản và các nghệ nhân dân tộc thiểu số với vai trò, trách nhiệm của mình đã nỗ lực không ngừng, sáng tạo nhiều giá trị văn hóa mới, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, kiến trúc.. có chất lượng nhằm bảo tồn, phát huy và trao truyền các giá trị văn hóa của cộng đồng.

Những người “giữ hồn” và trao truyền di sản văn hóa trong cộng đồng dân tộc

Cùng với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp về chính sách, thì việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân trong nhiệm vụ trao truyền và thực hành các giá trị văn hóa trong đời sống của cộng đồng có ý nghĩa quan trọng. Đó chính là cơ sở để các giá trị văn hóa “được sống”, thấm sâu vào đời sống văn hóa cộng đồng, được cộng đồng thực hành, duy trì và phát triển.

Già làng Quỳnh Hoàng ở thôn A Diên, xã A Ngo, là người đã thổi hồn cho những nhạc cụ của đồng bào Tà Ôi. Không những sử dụng điêu luyện các loại nhạc cụ dân tộc, cụ Quỳnh Hoàng còn là người chế tác, sửa chữa và thẩm âm cho tất cả các loại nhạc cụ, ông được coi là “báu vật sống”, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng miền Tây Thừa Thiên – Huế. Với việc sử dụng hơn 20 loại nhạc cụ cơ bản của những dân tộc thiểu số là Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu... và có nhiều đóng góp xuất sắc trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, cụ Quỳnh Hoàng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (tháng 12/2015). Già làng Quỳnh Hoàng đã truyền lửa đam mê văn hóa truyền thống cho các thế hệ. Nay tuổi cao, sức yếu nhưng cụ luôn trăn trở cùng với địa phương tổ chức các hoạt động để thu hút thế hệ trẻ hiện nay yêu quý, trân trọng và có trách nhiệm với các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trước nguy cơ thất truyền.

Già làng Hồ Văn Hạnh, dân tộc Pa Cô, xã Hồng Trung luôn tích cực đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, xây dựng quê hương no ấm. Ông luôn quan niệm như lời Bác đã dạy: Cán bộ, đảng viên phải đi trước, thấy cái lợi thì phải giúp dân, cái hại thì tránh, tận tâm, tận lực làm hết trách nhiệm của mình với mọi công việc, già Hạnh luôn được dân làng cảm phục, tin yêu. Bên cạnh đó, già Hạnh còn được biết đến như một nghệ nhân văn hóa dân gian thực thụ khi ông có công sưu tầm, lưu giữ các điệu múa cổ như: Cha chấp, Boi bói, Ca lơi... Ông cũng là một trong số ít người biết cách chế tác nhạc cụ của người Pa Cô như Câr dóc Adoll, A bel, khèn, sáo. Già Hạnh cũng có nhiều đóng góp lớn trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Pa Cô với việc tổ chức dạy 2 đội văn nghệ (14 người) học các điệu múa cổ, làn điệu dân gian để phục vụ các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, lễ hội đâm trâu...

Từ năm 2016, già Hạnh là Trưởng nhóm nghệ nhân có uy tín trong cộng đồng và là Trưởng ban đoàn kết cộng đồng của Làng dân tộc Tà Ôi – Pa Cô tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Già Hạnh luôn chủ động, trách nhiệm với các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc địa phương, quan tâm tới đời sống văn hoá vật chất và tinh thần của bà con tại làng, nỗ lực gắn kết các cộng đồng dân tộc bằng nhiều hình thức như: Tái hiện các lễ hội văn hoá dân tộc gắn với không gian sống của đồng bào, tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, từ đó, tạo được niềm tin, sự gắn bó của cộng đồng các dân tộc Pa Cô. Qua đó, du khách khi đến với A Lưới sẽ được tiếp cận và trải nghiệm văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú và độc đáo của đồng bào các dân tộc.

Đồng hành cùng sứ mệnh đó, ông Viên Đăng Minh, dân tộc Tà Ôi, là người có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ông đã vận động người thân và gia đình tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, giới thiệu không gian văn hóa truyền thống dân tộc, biểu diễn dân ca dân nhạc dân vũ truyền thống, giới thiệu sản vật và ẩm thực truyền thống, giới thiệu về con người mảnh đất và quê hương A Lưới… Ông cũng đã khôi phục 2 nhà Rông truyền thống để phục vụ nhu cầu du lịch homestay của du khách, góp phần thúc đẩy du lịch của huyện nhà, tạo thêm thu nhập cho người dân khi tham gia tái hiện, trình diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các làng nghề thủ công truyền thống.

Bằng tài năng, kinh nghiệm và hiểu biết của mình, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, họ là nhân tố quan trọng, giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tích cực vận động bà con trong bản, làng thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước. Đẩy lùi và tiến tới xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, tiến bộ ở vùng dân tộc thiểu số, đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho con cháu cộng đồng các dân tộc cùng nhau đoàn kết, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Theo http://vanhoanghethuat.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO