(DTTG) Những năm qua, các giá trị văn hóa dân tộc tại Quảng Ninh tưởng chừng bị mai một đã được làm sống lại trong cộng đồng và truyền bá rộng rãi. Những kết quả có được ngày hôm nay, là thành quả trong suốt hành trình dài tìm kiếm, sưu tầm của những Nghệ nhân già vùng Đông Bắc.
Ông Chíu Thanh Xuân và ông Triệu Xuân Hồng (cùng có địa chỉ tại xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) khi đã ngoài 60 tuổi lại lặn lội đi từ Quảng Ninh lên Hà Giang để tìm và học lại nghi lễ nhảy lửa. Ông Xuân cho biết: “Lễ nhảy lửa của người Dao đã mất từ lâu, nên năm 2018 tôi cùng với ông Hồng đã tìm lên Hoàng Su Phì, Hà Giang để học lại. Mất gần 1 năm để chúng tôi nắm vững các nghi lễ, bài cúng và thực hành thuần thục”.
Để thực sự học được nghi lễ nhảy lửa, bản thân người học phải là những người được cấp sắc trong dân tộc Dao và là người đã làm thầy, có thể đứng ra làm các nghi lễ trong dân tộc. Bởi vì thế, dù tuổi đã cao ông Xuân và ông Hồng cũng không ngần ngại đi xa để tìm cách phục dựng lại nghi lễ nhảy lửa cho địa phương mình.
Ngay khi trở về, cuối năm 2019 nghi lễ nhảy lửa của người Dao chính thức được phục dựng tại xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ. Đồng thời cũng thành lập CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao gồm có 14 thành viên. Với nhiệm vụ chính là giữ gìn những nghi lễ truyền thống và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Nghệ nhân Hà Xuân Tiến còn được gọi là kho tàng văn hóa sống của người Dao tại Quảng Ninh. |
Còn đối với Nghệ nhân Hà Xuân Tiến, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, năm nay đã 77 tuổi, thì tài sản lớn nhất đối với ông là 574 quyển sách lớn, nhỏ với gần 16.000 trang ghi chép về văn hóa người Dao ở khắp các vùng miền. Nhờ có những cuốn sách được ông chuyền lại, mà cộng đồng người Dao ở huyện Ba Chẽ và các xã Yên Than, Hải Lạng (huyệnTiên Yên), xã Bằng Cả (TP. Hạ Long)... được hiểu thêm về văn hóa Dao ở các vùng miền khác, từ đó phục dựng và phát triển văn hóa dân tộc Dao đúng với nguyên gốc tại địa phương mình.
Ông Hà Xuân Tiến chia sẻ: “Từ năm 2004 tôi đã tham gia giảng dạy các lớp tiếng Dao, qua đó giúp bảo tồn ngôn ngữ, phát triển cả kênh phát thanh tiếng Dao trên sóng Radio của tỉnh, giúp cho công tác bảo tồn văn hoá được tốt và thuận lợi hơn. Ngoài ra tôi còn sáng tác nhiều bài hát tiếng Dao để thế hệ trẻ dễ tìm hiểu văn hóa Dao thông qua các giai điệu”.
Nghệ nhân Lỷ A Sáng (người đứng thứ 2 từ trái qua) đã dành 30 năm cuộc đời để tìm cách truyền dạy các nghi lễ dân tộc Sán Chỉ cho thế hệ trẻ. |
Cùng ở độ tuổi xưa nay hiếm như Nghệ nhân dân gian Hà Xuân Tiến, Nghệ nhân Lỷ A Sáng (dân tộc Sán Chỉ, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) đã truyền dạy thành công nghi lễ cầu mùa, cầu an dân tộc Sán Chỉ.
“Năm 1986, tôi tìm đến nhà già làng Nình A Hồ (ở thôn Khe Lục, xã Đại Dực) xin để được theo già học hát múa các nghi lễ dân tộc mình. Phải mất đến 3 năm, tôi mới thành thạo và bắt đầu tham gia thực hành các nghi lễ cho dân làng. Từ đó, tôi được Nhân dân, các cụ trong làng tin tưởng và phong làm thầy cả của làng”, ông Sáng nhớ lại.
Được phong thầy Cả ở tuổi tứ tuần, nhưng đến mãi khi đã ngoài 70 tuổi, ông mới thành công truyền dạy được nghi lễ dân tộc cho thế hệ trẻ. Để truyền dạy các nghi lễ cầu mùa, cầu an, ông Sáng đã mở lớp học miễn phí tại nhà. Đồng thời đưa các học viên đi làm lễ các dịp đầu năm miễn phí cho bà con trong vùng mỗi khi có dịp. Các nghi lễ của ông đã trở thành một trong những tiết mục văn nghệ thể hiện văn hóa đặc sắc của dân tộc Sán Chỉ trong Lễ hội Canavan Quảng Ninh hằng năm.
Với những nét văn hóa độc đáo được “sống lại” từ những Nghệ nhân già, đã góp phần vào công cuộc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, trong giai đoạn xây dựng toàn diện vùng DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025 tới đây. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh hướng tới đưa văn hóa dân tộc trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa”, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.