Những “cư dân cổ” trên đỉnh Trường Sơn

20/07/2022 00:00

(DTTG) Sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vỹ, người Tà Ôi hình thành, lưu giữ một nền văn hoá đặc sắc, thể hiện trong hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục lâu đời. Trong thời kỳ đất nước đổi mới, những giá trị tốt đẹp của dân tộc này vẫn tiếp tục lan toả, hoà quyện, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của các dân tộc Việt Nam.

Đặc sắc về văn hóa

Người Tà Ôi, gồm có 3 nhóm địa phương còn gọi là Kan Tua, Pa Cô, Ba Hi hay Pa Hi, cư trú lâu đời và được xem như là một trong những “cư dân cổ” ở dọc dãy Trường Sơn, thuộc địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Theo điều tra dân số năm 2019, tổng số người Tà Ôi sinh sống ở Việt Nam có 52.356 người. Tuy số lượng dân ít ỏi là vậy, song dân tộc này có rất nhiều phong tục, tập quán hết sức đặc sắc.

Nguồn sống chủ yếu của người Tà Ôi là làm rẫy (đa canh và du canh theo lối cổ truyền: phát - cốt - đốt - trỉa). Riêng người Pa Hi vì sống ở các ngã ba sông vùng chân núi nên có làm ruộng. Người Tà Ôi là cư dân sớm có thu nhập hoa lợi trên vườn, tuy vườn chưa có khuôn viên, nhưng đã có cây ăn quả như mít, cam, bưởi, muỗm... Ngoài ra, người Tà Ôi còn có truyền thống chăn nuôi đại gia súc (trâu, lợn, dê, bò…) để làm vật hiến sinh và bán cho miền xuôi, bán sang Lào...

Tương tự các dân tộc thiểu số sống trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên, làng người Tà Ôi theo kiểu làng tròn, làng phòng thủ, làng hình móng ngựa… Các công trình công cộng đều xây dựng giữa làng, nhà dân vây quanh nhưng đảm bảo nguyên tắc các cây đòn nóc nhà không có hướng đâm vào nhau.

Nhà ở của người Tà Ôi là loại nhà sàn tổng hợp, riêng người Pa Hi ở nhà đất (có nhà ở riêng và nhà chứa lương thực riêng). Nhưng dù là nhà sàn hay nhà đất thì đều có mái tròn ở hai đầu hồi nhà và đều có “khau cút” được làm bằng gỗ có hai hình đầu chim cu chéo nhau, tượng trưng cho tình yêu quê hương và tâm tính hiền hoà của dân tộc trên phần mái hồi tiếp giáp với đầu nóc. Đây cũng là đặc điểm để phân biệt ngôi nhà của người Tà Ôi với các dân tộc khác cùng ngữ hệ ở vùng này.

Ông Hồ Văn Sống: “Người Tà Ôi có nền văn hóa hết sức đặc sắc”
Ông Hồ Văn Sống: “Người Tà Ôi có nền văn hóa hết sức đặc sắc”

Theo ông Hồ Văn Sống (thôn A Đên, xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế), trong gia đình Tà Ôi thời xưa, quyền thừa kế tài sản thuộc về con trai, song sự ưu tiên cho con trai cả chưa rõ, dù anh ta có vai trò chủ trì các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và luôn được ở gian đầu của ngôi nhà. Người Tà ôi ăn mặc đơn giản và dùng một số loại trang sức đeo tại cổ, cổ tay, cổ chân hoặc trang điểm trên cơ thể (để mái tóc, cà răng cửa, xăm hình…). Ngày nay, lớp người trẻ đã từ chối không sử dụng cách trang sức theo kiểu cà răng và xăm mình.

Xã hội cổ truyền của người Tà Ôi là xã hội chưa có giai cấp, xã hội nguyên thuỷ ở thời kỳ tan rã. Tuy vậy, đã có sự phân hoá giàu nghèo. Đơn vị xã hội cơ bản của dân tộc này là Vel hay Vil giống như ở người Cơ Tu và Bru-Vân Kiều, tương ứng với làng của người Việt. Cư dân mỗi làng thường gồm nhiều dòng họ khác nhau, mỗi dòng họ sống trong một hay nhiều ngôi nhà, mỗi ngôi nhà có một người đứng đầu. Những người đứng đầu nhà dài đó họp thành bộ máy tự quản cổ truyền quản lý mọi công việc chung của làng.

Thiếu nữ Tà Ôi học dệt zèng
Thiếu nữ Tà Ôi học dệt zèng

Nổi tiếng về nghề dệt

Do sống theo kiểu du canh du cư, săn bắt hái lượm, tách biệt, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên thời xa xưa người Tà Ôi đã rất giỏi trong việc dựng nhà và đặc biệt là thêu thùa, dệt vải. Nếu như người Thái có khăn Piêu, dân tộc Dao đỏ tự hào về những đường thêu, đồng bào Mông với họa tiết vẽ bằng sáp ong thì người Tà Ôi tự hào về tấm thổ cẩm, hay còn gọi tấm Zèng của mình.

Không chỉ đơn thuần là tạo nên quần áo, tấm zèng còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần, phong tục tập quán của đồng bào Tà Ôi. Zèng là một vật phẩm không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng, là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, với những người có công với buôn làng. Chính vì thế, lễ dâng tấm Zèng là một nghi thức quan trọng của đồng bào dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trên mâm cúng dâng Zèng của người Tà Ôi, ngoài vật phẩm không thể thiếu là một tấm Zèng gập vuông vắn thì còn có một con gà luộc chín, 4 con cá để trên một bát xôi, 2 chén rượu, một chén nước và hai con chuột, một nải chuối, một bát gạo, và một số bánh truyền thống của đồng bào Tà Ôi. Đặc biệt phải có 2 khúc mía, một ngọn mía còn nguyên lá. Trên cùng là cây nêu treo 8 tua rua sợi thổ cẩm. Thầy cúng thỉnh mời Yàng, thần linh, tổ tiên chứng giám cho nghi thức dâng Zèng để cầu mong dệt được những tấm zèng đẹp, cũng như bán được nhiều sản phẩm từ nghề này. Sau nghi thức cúng đồng bào Tà Ôi thực hiện điệu múa dâng trời.

Để có một tấm Zèng đẹp, người phụ nữ Tà Ôi phải bỏ rất nhiều thời gian để phân loại từng sợi vải có kích thước màu sắc đồng đều, phù hợp với mục đích sử dụng. Thí dụ như tấm Zèng để may trang phục, cần chọn những sợi vải mỏng mịn, loại sợi to và thô thì dùng để dệt thảm hay chăn. Nhưng điều kỳ diệu là những sản phẩm tinh xảo ấy lại được làm từ khung dệt khá giản dị và gọn nhẹ.

“Khung dệt của Tà Ôi là 6 cây tre nhỏ, 2 cây tre mình đạp chân, 2 cây cặp sau lưng, hai cây cột lại để ngồi dệt. Nếu mình di chuyển dễ dàng hơn, đi đâu mình trải một tấm chiếu là có thể ngồi đó dệt dễ dàng hơn”, ông Hồ Văn Sống cho biết.

Sản phẩm dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017. Từ đó đến nay, sản phẩm thủ công truyền thống này của bà con ngày càng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Nghề dệt Zèng của dân tộc Tà Ôi được giữ gìn như báu vật quý giá của bản làng Tà Ôi từ xưa mà không nơi nào có được. Và họ đang bảo tồn phát huy những giá trị nghề dệt truyền thống như những gì quý nhất, cần được lưu truyền mãi mãi cho mai sau.

Cúng lễ trong Tết Aza
Cúng lễ trong Tết Aza

Đa dạng về lễ hội

Cũng giống như nhiều dân tộc sinh sống dọc dãy Trường Sơn, kho tàng sáng tác nghệ thuật dân gian và hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng của người Tà Ôi rất đa dạng, phong phú, chỉ khác nhau ở một vài chi tiết của sự thờ cúng và cách tiến hành nghi lễ. Người Tà Ôi quan niệm có các thần linh tự nhiên (Yang), thần linh của đất làng (Yang sự) và các yang này đều có vật ký thác là những hòn đá có hình thù người hay con vật nào đó, được thờ trong nhà rông (nếu có) hoặc trong ngôi miếu (Parong) trong rừng.

Trong một năm, người Tà Ôi có rất nhiều lễ hội, như lễ mừng nhà mới, lễ A Tan – Pa Nuôn (lễ tạ thần linh)... Nhưng nổi bật hơn cả là lễ hội Ariêu Aza – hay còn gọi là lễ mừng lúa mới, là Tết Aza.

So với Tết Nguyên Đán của đồng bào Kinh thì Tết Aza của đồng bào Tà Ôi cũng có những nét tương đồng lẫn khác biệt. Tương đồng đó là: mừng cho sự chuyển giao của đất trời năm cũ và năm mới; mừng một năm làm việc với bao lo toan nay đã kết thúc và mở ra một năm làm việc mới; cũng có một loại bánh nếp gói bằng lá dong… Khác biệt lại là ở thời điểm tổ chức và một số nghi thức.

Thay vì đầu mùa xuân như Tết Nguyên đán, Tết Aza của đồng bào Tà Ôi lại tổ chức vào giữa mùa Đông và giữa các làng có sự khác nhau về ngày tiến hành. Trong Tết Aza, người ta không cúng giữa đêm chuyển giao giống như giao thừa của Tết Nguyên Đán mà người dân trong làng tụ tập nhau lại ở nhà trưởng làng hoặc nhà cộng đồng để cúng Giàng chung của làng, sau đó ăn uống và nhảy múa.

Tết Aza thường được bắt đầu từ mồng 6/11 âm lịch và kéo dài cho đến hết ngày 24/12 âm lịch hàng năm. Mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian đó để tổ chức lễ Aza. Ở vùng cao hai huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Đakrông (tỉnh Quảng Trị), đồng bào thường quan niệm, hai ngày tốt nhất để đón Tết Aza đó là ngày mồng 6/11 và ngày 24/12 âm lịch, vì đó là thời điểm đẹp nhất của mặt trăng.

Đồng thời, Tết Aza đánh dấu thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới với những lo toan trong cuộc sống. Điều đặc biệt là thời gian tiến hành lễ Aza của mỗi làng có khác nhau vì ngày tổ chức do làng quyết định, tuy nhiên, Aza của tất cả các làng đều được tổ chức trong tháng 10 âm lịch. Nếu ngày đã chọn vẫn chưa tổ chức được thì làng sẽ tổ chức lễ Aza sau đó 18 ngày.

Theo ông Hồ Văn Sống, cho biết, Tết Aza có vai trò quan trọng trong đời sống của người Tà Ôi nói riêng và một số tộc người khác sống dọc dãy Trường Sơn nói chung. Bởi đây là dịp đồng bào tạ ơn trời đất, tổ tiên và thần thánh phù hộ cho mùa màng bội thu, lúa trĩu bông, người dân có cái ăn không bị chết đói, cầu mùa sau được tốt hơn.

Do vậy, mỗi khi làng tổ chức, con em trong làng dù làm ăn xa cũng quay về nhà để cùng đón lễ Aza với gia đình, làng xóm để tỏ lòng thành của mình với tổ tiên. Không giống như Ariêu Ping là tổ chức cúng tập thể, Aza chú trọng đến từng gia đình, dòng họ riêng rẽ trong nghi lễ. Tuỳ vào điều kiện và truyền thống gia đình, dòng họ là gì mà gia đình, dòng họ ấy cúng Aza như vậy.

Có thể nói, Tết Aza là một trong những nét văn hóa tốt đẹp, độc đáo của người Tà Ôi. Và nó cần được gìn giữ, bảo tồn. Bởi đây không chỉ là một lễ hội đơn thuần mà còn thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến “Mẹ” của các giống cây trồng, đặc biệt là “Mẹ lúa” đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO