Phát triển - Hội nhập

Nhiều sản phẩm OCOP góp phần phát triển làng nghề

Phú An 11/05/2024 - 15:06

Các làng nghề ở TP. Hà Nội đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng các sản phẩm OCOP thông qua các hợp tác xã và lấy đó là điểm tựa để phát triển du lịch. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng như hỗ trợ các làng nghề trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.

10-5-gom-su-bat-trang.png
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: T.T

Phát triển kinh tế làng nghề từ du lịch và sản phẩm OCOP

Hà Nội là địa bàn tập trung nguồn tài nguyên du lịch của vùng Bắc Bộ, với 1.205 lễ hội, 1.350 làng nghề và làng có nghề, nhiều di tích và lễ hội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Bên cạnh đó, Hà Nội có trên 1.000 hợp tác xã, hơn 100 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Đây chính là tiềm năng thúc đẩy du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố.

Để tận dụng được những tiềm năng, thế mạnh này, Hà Nội đã lên kế hoạch nhằm phát triển tổng thể các làng nghề. Các làng nghề ở Hà Nội đẩy mạnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng các sản phẩm OCOP thông qua các hợp tác xã và lấy đó là điểm tựa để phát triển du lịch. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế mẫu mã sản phẩm cũng như hỗ trợ các làng nghề trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.

Ngoài việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, triển khai Chương trình OCOP, Hà Nội còn xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố cũng như các địa phương, góp phần tạo thành một hệ sinh thái OCOP, từ đó khai thác, phát triển hoạt động du lịch làng nghề. Hiện tại, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao).

Hà Nội hiện có rất nhiều làng nghề truyền thống. Mỗi điểm đến hàm chứa trong mình những nét văn hóa độc đáo, cùng nhiều sản phẩm đặc trưng. Có thể kể tới những điểm đến giàu tiềm năng, như Làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) với sản phẩm dệt lụa; làng Bát Tràng (huyện Gia Lâm) với các sản phẩm đồ gốm; làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) với những nếp nhà cổ được lưu giữ qua nhiều thế hệ, cùng đặc sản gà Mía, bánh tẻ Phú Nhi; hay Hồng Vân - ngôi làng ven sông Hồng thuộc huyện Thường Tín, với trà thảo mộc 4 sao OCOP và tour tuyến tham quan di tích lịch sử, văn hóa...

Để cụ thể hóa Chương trình OCOP, trong những năm qua, UBND TP. Hà Nội đã định hướng phát triển 2 điểm đến gồm làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng, phấn đấu xây dựng thành 2 sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn.

Tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP của Thủ đô

Trung ương và TP. Hà Nội luôn quan tâm, hỗ trợ các làng nghề, các chủ thể OCOP trong phát triển sản phẩm thủ công thông qua các chương trình Khuyến công, Xúc tiến thương mại, du lịch nhằm phát triển kinh tế, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các địa phương và doanh nghiệp. Các sản phẩm của làng nghề, của chủ thể OCOP đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Cuối năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã công nhận 10 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các xã: Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ)…

Mục tiêu của các trung tâm này là nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Việc thành lập các Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch sẽ giúp kiến tạo môi trường triển khai các hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội.

Bên cạnh đó, sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp; các Viện nghiên cứu, Trường Đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã.

Theo https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO