Đời sống xã hội

Nhiều hoạt động chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Gia Ân-Phan Giang 05/05/2024 - 07:15

Với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi. Qua đó, giải quyết được cơ bản những khó khăn về đời sống, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.

1111(1).jpg

Thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, tỉnh, huyện về công tác dân tộc, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết cho các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ chủ chốt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

11.jpg
Chính quyền huyện miền núi Quỳ Hợp đã chủ động xây dựng kế hoạch và nỗ lực thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Quỳ Hợp là huyện miền núi nằm phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, với tổng diện tích tự nhiên 94.220 ha. Dân số Quỳ Hợp có 134.154 người, gồm ba dân tộc chủ yếu là Kinh, Thái, Thổ sinh sống đan xen ở 21 xã, thị trấn, trong đó người đồng bào DTTS là 72.064 người, chiếm 53,7%. Toàn huyện có 99/214 làng, bản đặc biệt khó khăn. Dân cư phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các xã vùng thấp. Số hộ nghèo toàn huyện hiện là 3.875 hộ, chiếm tỷ lệ 11,68% (trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm 3.286 hộ).

Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo, phân công các phòng, ban chuyên môn, địa phương căn cứ vào nhiệm vụ để triển khai thực hiện; tổ chức sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm, bổ sung nhiệm vụ, khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện nghị quyết. Nhờ quan tâm triển khai thực hiện công tác dân tộc, đời sống của đồng bào DTTS ở huyện có nhiều chuyển biến tích cực.

3.jpg
Trao hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo

Nổi bật, Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm. Đã khởi công mới 63 công trình trên các lĩnh vực giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục, thủy lợi...với tổng số vốn là 79.225 triệu đồng; duy tu sửa chữa 12 công trình với tổng số vốn đầu tư là 2.127 triệu đồng các công trình giao thông, văn hóa, giáo dục.

Đến nay, các công trình đã mang lại hiệu quả thiết thực. UBND huyện đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế tại 13 xã khu vực III và 7 xã khu vực II có 22 xóm, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, đối tượng là các hộ nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí đầu tư theo chỉ tiêu giao hơn 7.560 triệu đồng; (nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ là hơn 7.102 triệu đồng; người dân đóng góp: 457,95 triệu đồng).

Với số kinh phí được hỗ trợ, huyện đã cấp được 464 con bê cái địa phương và bê cái lai sind, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hơn 500 hộ dân. Thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi nghé sinh sản tại xã Châu Đình và Văn Lợi với số kinh phí 604 triệu đồng, huyện đã cấp được 38 con nghé và tổ chức tập huấn kỹ thuật được cho 200 hộ dân.

Thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi dê tại xã Châu Lý với số kinh phí 302 triệu đồng, huyện đã cấp được 80 con dê và tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi dê cho 80 hộ dân. Đã triển khai thực hiện, hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng dự án đầu tư xây dựng làng định canh, định cư tập trung cho đồng bào dân tộc xã Châu Thành với tổng số vốn ngân sách nhà nước là hơn 6.798 triệu đồng.

6.jpg
Vườn cổ tích tại Trường mần non Sao Mai được đầu tư xây dựng cho con em miền núi vui chơi, học tập.

Quan tâm chính sách vốn vay tín dụng ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể: Doanh số cho vay theo Quyết định 2085/QĐ-TTg đạt 49.869 triệu đồng với 1.116 lượt khách hàng vay vốn. Theo Nghị định số 28/2022-NĐ-CP đạt 14.840 triệu đồng với 371 lượt khách hàng vay vốn.

111(1).jpg

Thời gian qua, huyện Quỳ Hợp đã tổ chức rà soát, bình chọn người có uy tín trong đồng bào DTTS một cách dân chủ, công khai, đúng quy định, đến năm 2024 có 1.040 lượt người có uy tín được công nhận. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi ốm đau, tặng quà Tết, tổ chức hội nghị tập huấn, phúng viếng cho các đại biểu là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí là hơn 1,2 tỷ đồng.

Từ năm 2019 đến tháng 4/2024, đã thực hiện chi trả hơn 95 tỷ đồng cho giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Chi trả hơn 201 tỷ đồng cho học sinh được hưởng các chế độ, chính sách. Việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Các chương trình y tế Quốc gia được triển khai kịp thời, đạt hiệu quả cao.

5.jpg
Cấp 75 tấn gạo cho học sinh Quỳ Hợp theo Nghị định 116 ngày 18/7/2016 của Chính phủ.

Đến nay, đã có 21/21 trạm y tế xã có bác sỹ; thái độ, y đức người thầy thuốc từng bước được chấn chỉnh và nâng cao; đã thực hiện khám chữa bệnh cho đối tượng là người dân tộc thiểu số với 276.545 lượt người; khám thai trên 25.000 lượt người; hỗ trợ người nghèo, dân tộc thiểu số khám chữa bệnh vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND hơn 2 tỷ 262 triệu đồng cho 7.072 lượt người.

Công tác truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình đã được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung, đem lại hiệu quả thiết thực. Đã cấp kịp thời 1.056 triệu đồng cho 239 đối tượng là phụ nữ thuộc hộ nghèo người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số.

Trong 5 năm qua, toàn huyện đã tổ chức được 517 lớp phổ biến, giáo dục pháp luật, với 65.194 lượt người tham gia…Nhờ đó, đã đưa kiến thức pháp luật đến với mọi người dân giúp nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và Nhân dân được nâng lên. Công tác xây dựng và công nhận cấp xã đạt chuẩn từng bước được nâng cao chất lượng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

4.jpg
Các hộ dân ở khu tái định cư Châu Thành xây dựng nhà cửa sau khi được nhận đất.

Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và những kết quả đạt được trong công tác dân tộc thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, các dân tộc thiểu số ở Quỳ Hợp nói riêng và trong đại gia đình Việt Nam nói chung luôn bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm gần đây, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quỳ Hợp nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung đã được ưu tiên nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thoát nghèo, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với đẩy mạnh hỗ trợ vốn để nông dân có nguồn lực đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Chăm lo an sinh xã hội, nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO