Ngày nào cũng vậy, khi mặt trời khuất sau những ngọn núi, bóng tối dần bao trùm, thấp thoáng trên con đường nhỏ ngược dốc là bóng dáng của bà con dân tộc đến điểm trường thôn Nậm Giang 2, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Bà con đến đây với mong muốn biết đọc chữ, có kiến thức để phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo.
Đón tôi là Thiếu tá Đinh Thái Đạt, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Mú Sung, BĐBP Lào Cai. Anh gắn bó với công việc dạy học cho đồng bào đã nhiều năm nay. Lớp học chỉ rộng khoảng 50m2, với chiếc bảng mới dựng và những bộ bàn ghế cũ. Lớp học có 20 học viên tuổi từ 15-60; học từ lúc 19 giờ đến 21 giờ 30 phút tối thứ Hai đến tối Chủ nhật hằng tuần. “Chúng tôi không thể mở lớp học vào ban ngày, bởi thời gian đó, bà con đi làm nương và những công việc khác của gia đình” - Thiếu tá Đinh Thái Đạt cho biết.
19 giờ, học viên đến khá đầy đủ với những trang phục truyền thống của địa phương. Chị Chảo Ú Mẩy, sinh năm 1983, ở thôn Nậm Rang 2, xã Nậm Chạc, là học viên của lớp học chia sẻ: “Khi có thông báo của trưởng thôn về lớp học này và được sự vận động của chính quyền địa phương cùng các anh Biên phòng, em đã đăng ký học. Được cô giáo ở trường và các anh Biên phòng dạy học, bây giờ em đã biết đọc, viết và tính toán mỗi khi đi chợ, mua bán ở dưới xã. Biết chữ, mọi công việc thuận lợi hơn rất nhiều!”.
Đồn Biên phòng A Mú Sung được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới dài hơn 26km thuộc địa bàn 2 xã Nậm Chạc và A Mú Sung với 4 cột mốc biên giới. Đây là 2 xã vùng cao, điều kiện địa hình đồi núi phức tạp, núi cao, vực sâu. Để góp phần củng cố, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, từng bước nâng cao dân trí, đời sống kinh tế, xã hội cho người dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các chương trình, đề án, phong trào, trong đó có công tác xóa mù chữ do Đội Vận động quần chúng đảm nhiệm.
Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung cho biết: “Địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn; các gia đình ở xa, kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy; bà con còn duy trì các hủ tục... nên công tác tuyên truyền, vận động bà con đến lớp rất khó khăn. Việc duy trì sĩ số cũng không hề đơn giản. Bởi vậy, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, một số trường học trên địa bàn và phát huy vai trò của người có uy tín trong bản để vận động bà con đi học. Đồng thời, chọn những cán bộ có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, có uy tín và gắn bó mật thiết với nhân dân để tham gia quá trình vận động và giảng dạy”.
Theo Thiếu tá Đinh Thái Đạt, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng A Mú Sung đã phân công anh phối hợp với giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Nậm Chạc giúp địa phương mở 2 lớp học buổi tối. “Quá trình lên lớp dạy học gặp nhiều khó khăn vì đường sá xa xôi, đèo dốc, bà con theo thói quen đi làm về muộn, đến lớp được 30 phút là muốn về đi ngủ. Sau mỗi buổi dạy, tôi trăn trở suy nghĩ tìm ra phương án dạy và học đạt hiệu quả, chất lượng tốt hơn. Hằng ngày, sau giờ hành chính, tôi thường đi đến nhà các học viên để động viên bà con đến lớp, ai cần hỗ trợ công việc gì thì tôi sẵn sàng giúp đỡ. Từ đó, các học viên đều cố gắng thu xếp việc gia đình để đi học” - Thiếu tá Đạt cho biết.
Thiếu tá Đinh Thái Đạt chia sẻ, trong quá trình đứng lớp phải đa dạng hóa các hình thức dạy học. Không chỉ bám sát nội dung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn lồng ghép các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, lan tỏa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống xã hội, nhằm góp phần giảm nghèo, tăng năng suất lao động, từ bỏ hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, chống tảo hôn để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Được biết, từ tháng 9/2022, Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Nậm Chạc đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Đồn Biên phòng A Mú Sung tiến hành rà soát tại các thôn trên địa bàn xã Nậm Chạc để mở lớp xóa mù chữ. Sau khi rà soát, lớp xóa mù chữ tại thôn Nậm Giang 2 đã được mở với tổng số 29 học sinh tham gia và phân công giáo viên giảng dạy vào buổi tối các ngày trong tuần, từ 19 giờ đến 21 giờ 30 phút. Đến tháng 4/2023, hai đơn vị tiếp tục mở một lớp học tại thôn Nậm Giang 2 với tổng số 20 học sinh.