Nhà dài của người Ê Đê

24/08/2021 06:50

(DTTG) Nhà dài của người Ê Đê là một công trình văn hóa độc đáo và bao gồm rất nhiều nét đặc trưng riêng. Đặc biệt nhất là không gian sống điển hình của một gia đình mẫu hệ.

Nhà dài của người Ê Đê được xây dựng chủ yếu là gỗ, tre nứa các loại. (Ảnh: Internet)
Nhà dài của người Ê Đê được xây dựng chủ yếu là gỗ, tre nứa các loại. (Ảnh: Internet)

Theo quan niệm cổ truyền của đồng bào Ê Ðê, nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình. Họ ví ngôi nhà dài như một tiếng chiêng ngân. Ngôi nhà thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong đại gia đình xây dựng gia thất, người con trai lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ.

Thông thường ngôi nhà dài của đồng bào dân tộc Ê Ðê có từ bảy đến chín cặp vợ chồng chung sống. Trong ngôi nhà dài truyền thống, các giá trị điêu khắc, trang trí, tạo hình đều mô phỏng theo mô típ chế độ mẫu hệ, tín ngưỡng phồn thực.

Các họa tiết trang trí thể hiện tín ngưỡng phồn thực và uy quyền của mẫu hệ được đẽo gọt ở hầu hết cột, kèo trong nhà dài. (Ảnh: Internet)
Các họa tiết trang trí thể hiện tín ngưỡng phồn thực và uy quyền của mẫu hệ được đẽo gọt ở hầu hết cột, kèo trong nhà dài. (Ảnh: Internet)

Người Ê Đê thường chọn hướng Bắc - Nam để dựng các ngôi nhà của mình để che đỡ hai luồng gió mùa đông bắc và tây nam, vào mùa mưa lại dựa vào thế mái nhà hình thuyền độc đáo của mình để tận hưởng sức nóng của mặt trời khi có nắng để hơ sấy các phòng.

Kết cấu của nhà dài là cột kèo bằng gỗ tốt có độ bền cao. Nhà được thưng vách và lót sàn bằng phên nứa, mái lợp cỏ tranh, đỉnh mái cách sàn nhà khoảng 4 - 5m, lòng nhà rộng khoảng 4,5m - 5,5m.

Bên trong không gian nhà dài lại được chia thành 2 phần: nửa phía trước gọi là “Gah” dành làm nơi tiếp khách, cúng thần, sinh hoạt chung của cả gia đình và là chỗ ngủ của con trai chưa vợ. Sàn nhà phần Gah thường rộng và được trang trí rất đẹp. Còn phần còn lại gọi là “Ôk”, là không gian riêng của các đôi vợ chồng, đặt bếp nấu ăn chung... Nơi này được chia thành nhiều buồng nhỏ mà theo thứ tự thì buồng thứ nhất từ cửa vào dành cho gia đình vợ chồng người đứng đầu gia đình; tiếp đó là buồng để đồ dùng cũng là buồng của người con gái út, người được thừa kế gia đình sau khi lập gia đình rồi mới đến buồng của cô gái cả và thứ.

Ngôi nhà dài của người Ê Đê, người ta gọi là nhà dài vì nó không có độ dài nhất định. (Ảnh: Internet)
Ngôi nhà dài của người Ê Đê, người ta gọi là nhà dài vì nó không có độ dài nhất định. (Ảnh: Internet)

Không gian nhà dài bố trí ghế Kpan ngồi đánh chiêng, bếp lửa sinh hoạt; bài trí các sản vật trên rừng, dưới nước thể hiện sự giàu có: chiêng, ché, sừng trâu, ba ba, kỳ đà, rau dớn... Vật liệu để dựng nên ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Ê Ðê chủ yếu được lấy từ các loại thảo mộc gần nơi sinh sống mà thường bằng gỗ, tre, nứa, mái tranh. Trong những năm gần đây đời sống đồng bào có khá hơn nên đa số nhà chuyển sang lợp mái tôn.

Ngôi nhà Ê Đê có hai cửa, cửa phía trước dành cho khách và nam giới, cửa phía sau dành cho những người phụ nữ trong gia đình. Thường thì ở cửa trước những ngôi nhà sàn lớn được dựng ba cầu thang, một chính ở giữa còn hai cầu thang hai bên là phụ. Với những ngôi nhà giàu, có thế lực trong buôn thì cầu thang chính là những tấm ván có bậc, đầu đẽo uốn về trước như một con thuyền đang cỡi sóng với những hình chạm nổi như vầng trăng khuyết hay đôi bầu vú của người phụ nữ.

Cầu thang nhà dài với những hoa văn được đẽo bằng tay rất độc đáo. (Ảnh: Internet)
Cầu thang nhà dài với những hoa văn được đẽo bằng tay rất độc đáo. (Ảnh: Internet)

Đặc biệt, cầu thang là niềm tự hào của gia đình và cộng đồng. Nó là vật có hình khối cân đối làm bằng gỗ, có các bậc thang được đẽo vát nối tiếp nhau từ dưới đất lên đến sàn nhà... Mặt phẳng của các bậc thang thường nghiêng về bên trong và số bậc thang bao giờ cũng mang số lẻ, vì đây là con số lý tưởng theo quan niệm của đồng bào Ê Ðê... Ðáng chú ý, mỗi ngôi nhà dài bao giờ cũng có hai cầu thang, một dành cho khách và một dành cho người nhà khi lên xuống.

Nhà dài là nét đẹp văn hóa rất tiêu biểu của dân tộc Ê Đê. Ngôi nhà mang những giá trị, sắc thái mang đậm ý nghĩa nhân văn của văn hóa truyền thống từ ngày xưa cho đến bây giờ. Nó đã góp phần quan trọng làm đa dạng hơn cho truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa người Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Ê Ðê đang ngày một xuống cấp. Vì vậy các ban, ngành đang có những chính sách, biện pháp bảo tồn khẩn cấp các ngôi nhà dài của đồng bào Ê Ðê. Việc sớm có biện pháp giữ gìn, bảo tồn kiến trúc giá trị văn hóa nhà dài của đồng bào Ê Ðê là việc làm cấp thiết.

Nhà dài truyền thống còn lưu giữ ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). (Ảnh: Internet)
Nhà dài truyền thống còn lưu giữ ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). (Ảnh: Internet)
Nhà dài Ê Đê dài nhất Tây Nguyên. (Ảnh: Internet)
Nhà dài Ê Đê dài nhất Tây Nguyên. (Ảnh: Internet)
Theo dantoctongiao.congly.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO