Kể từ khi chuyển về nơi ở mới, cộng đồng người Xơ Đăng ở thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã mạnh dạn thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” bằng cách liên kết nhau để làm du lịch cộng đồng. Họ đã cùng nhau xây dựng nơi ở, học hỏi, chế biến các món ăn ẩm thực, thành lập đội cồng chiêng múa xoang, trồng hoa hồng Bulgaria… để sẵn sàng phục vụ du khách.
Người Xơ Đăng ở làng Tu Thó liên kết xây dựng nhà ở để làm du lịch cộng đồng
Khu tái định cư thôn Tu Thó được xây dựng năm 2021, nhằm đưa các hộ dân đồng bào Xơ Đăng ở vùng có nguy cơ sạt lở về định cư. Từ khi khu tái định cư hoàn thành, có khoảng 100 hộ dân ở làng cũ đã chuyển về đây ổn định cuộc sống và đang từng ngày biến nơi đây thành khu dân cư điểm trong việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.
Bà Y Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Tê Xăng cho biết, khu tái định cư mới có điều kiện tốt nên từ lúc xây dựng xong, đa phần các hộ dân đã di dời về ở. Bây giờ, bà con đồng bào Xơ Đăng yên tâm sinh sống và tập trung phát triển kinh tế. Chính quyền đồng hành với người dân thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để bà con đầu tư trồng cây dược liệu và liên kết làm du lịch cộng đồng. Hiện nay, UBND xã Tê Xăng đang làm các thủ tục đề nghị cấp thẩm quyền công nhận Tu Thó là làng du lịch cộng đồng.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Tê Xăng, trong khi chờ được công nhận là làng du lịch cộng đồng, đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã bắt tay liên kết với hộ ông Nguyễn Văn Hiệp (đến từ TP.HCM, hiện đang tạm trú tại thôn Tu Thó) để xây dựng đặc sản du lịch phục vụ du khách. Đó là liên kết làm nhà ở lưu trú; xây dựng đội cồng chiêng múa xoang; trồng vườn dược liệu; vườn hoa hồng Bulgaria để du khách check-in và bán để chiết xuất tinh dầu làm nước hoa, mỹ phẩm, trà. “Hiện có khoảng 10 hộ đồng bào Xơ Đăng liên kết xây dựng nhà ở phục vụ khách với số lượng 20 phòng. Địa phương cũng đặt mục tiêu, sau này đảm bảo các tiêu chuẩn, sẽ nâng cấp thành homestay”, bà Y Hoa thông tin.
Chị Y Then là một trong các hộ tham gia liên kết xây dựng khu nhà ở phục vụ khách. Với mong muốn vươn lên làm giàu, chị đã bắt tay tham gia liên kết làm du lịch. Trên cơ sở ngôi nhà đang có, chị liên kết cải tạo thành nhà ở phục vụ du lịch. “Mình liên kết xây dựng nhà ở phục vụ khách và trồng dược liệu. Mình tin rằng việc liên kết sẽ cùng nhau phát triển, đời sống tốt hơn”, chị Y Then kỳ vọng.
Mới đây, UBND xã Tê Xăng đã phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2. Diện tích này do ông Nguyễn Văn Hiệp liên kết với 10 hộ đồng bào Xơ Đăng trồng. Đây là giống chất lượng cao, giá 300.000 đồng/ cây, được nhập từ Bulgaria, qua đường hàng không.
Trước khi trồng, bà con đã được các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật làm đất, bón phân, dưỡng cây. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, loại hoa này rất quý, được sử dụng để làm trà, rượu và lấy tinh dầu làm nước hoa, mỹ phẩm. Làng tái định cư Tu Thó có độ cao trên 1.600m so với mực nước biển. Ông đã trồng thử nghiệm hoa hồng Bulgaria, kết quả cứ 30 ngày, cây cho hoa và hoa có mùi thơm vô cùng dễ chịu.
Xác định Tu Thó thích hợp cho việc trồng hoa hồng Bungaria, ông Hiệp đã mạnh dạn liên kết với dân để trồng. Sản phẩm thu được, ông sẽ bao tiêu toàn bộ cho người dân để phơi khô làm trà; tự chiết xuất lấy tinh dầu để bán cho các đối tác làm mỹ phẩm, nước hoa.
Hiện ông Hiệp đã nhận được nhiều đơn đặt hàng cung cấp tinh dầu cho các đối tác trong nước và quốc tế. Dù đơn hàng đã có nhưng cái khó là diện tích chưa đủ để cung cấp. Vì thế, lộ trình trong năm tới, ông Hiệp sẽ mở rộng liên kết trồng hoa hồng với diện tích khoảng 100 ha, nhằm tạo vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu tinh dầu.
Bà Y Hoa cho hay: “Liên kết trồng hoa hồng ngoài phục vụ khách, thì sản phẩm còn được bán để lấy tinh dầu làm nước hoa, mỹ phẩm, qua đó mở ra cơ hội tăng thu nhập cho bà con. Trong khi chờ được công nhận là làng du lịch cộng đồng, xã thành lập các tổ cồng chiêng, sưu tầm các món ẩm thực quý của đồng bào Xơ Đăng, cử người dân đi học bồi dưỡng lớp đào tạo phục vụ du lịch nhằm sẵn sàng phục vụ khách. Trong mô hình du lịch cộng đồng, đồng bào Xơ Đăng giữ vai trò quan trọng, được địa phương kỳ vọng sẽ làm giàu trên chính mảnh đất, quê hương của mình”.
Trao đổi với Văn Hóa, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: “Trong định hướng phát triển, Tu Thó sẽ đẩy mạnh phát triển trồng dược liệu và phát triển du lịch. Trồng hoa hồng là một mô hình sản xuất mới, với kỳ vọng vừa phục vụ phát triển du lịch, vừa đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào nơi đây. Huyện sẽ giao ngành chuyên môn tham gia nghiên cứu, hỗ trợ để mô hình liên kết trồng hoa hồng mang lại hiệu quả cho bà con như kỳ vọng”.