Gương sáng

Người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống Luống Nọi

Hải Vân 09/10/2023 - 14:19

Xóm Luống Nọi, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống với những họa tiết, hoa văn đặc sắc. Đây cũng là địa phương duy nhất còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống còn nguyên bản về kỹ thuật lẫn công cụ dệt còn những địa phương khác đã mai một đi nhiều.

Văn hoa độc đáo trên sản phẩm

Xóm Luống Nọi hiện nay có khoảng hơn 20 khung cửi, kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày Cao Bằng gồm các công đoạn: Quay sợi, mắc khung, tạo văn hoa, dệt vải. Các mẫu hoa văn kết hợp hài hoà giữa đường nét và màu sắc, các gam màu sáng tối, nóng lạnh được xử lý khéo léo trên nền màu trắng đục là màu chủ đạo, tạo nên bản sắc riêng không lẫn với cách trang trí hoa văn của các dân tộc khác.

Làng nghề Luống Nọi được kết hợp sản xuất từ thủ công truyền thống gắn với xây dựng đời sống văn hoá cộng đồng, nên gây ấn tượng và thu hút cho du khách du lịch khi đến đây tham quan và trải nghiệm.

Điển hình là gia đình bà Nông Thị Thược, gia đình bà 4 đời đều theo nghề dệt thổ cẩm. Hàng ngày bà Thược vẫn miệt mài, cặm cụi ngồi dệt những tấm vải thổ cẩm với đầy đủ màu sắc, văn hoa truyền thống. Các sản phẩm của bà dệt rất phong phú đa dạng từ mặt địu, thảm, khăn trải bàn ghế, ga rải giường…

Bên cạnh những hoạ tiết truyền thống, bà Thược còn nghiên cứu, sáng tạo thêm hơn 20 mẫu hoạ tiết với các loại hoa văn từ loài hoa, cây cỏ, động vật rất sống động. Bà Thược cho biết, bà biết dệt từ năm 13 tuổi và gắn bó với nghề này từ đó đến nay. Thế nên những công đoạn, kỹ thuật dệt hầu như đã ăn sâu vào trong tiềm thức của bà, dù là những chi tiết nhỏ nhất.

Nhà bà Thược hiện còn 3 chiếc khung cửi, gắn bó với 4 thế hệ, bắt đầu từ bà cố nội của bà. Vì vậy, bà Thược luôn trân trọng, giữ gìn nghề truyền thống của gia đình. Từ sự đam mê đó, bà đã sáng tạo, dệt nên "những đứa con tinh thần" độc đáo.

Để gìn giữ nghề truyền thống cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho chị em trong xóm, bà Thược thành lập tổ dệt với 6 - 7 người thợ. Các sản phẩm của bà dệt đến đâu được bán hết đến đó, cho thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm của bà Thược không chỉ có khách trong tỉnh đến đặt hàng mà có nhiều đơn hàng từ các tỉnh như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Nội thậm chí tận Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, nhiều khách du lịch ở nước ngoài như Đức, Pháp, Bỉ… cũng đến đặt hàng, mỗi lần vài chục chiếc.

Nghệ nhân Nông Thị Thược bên khung cửi

Bà Nông Thị Thược cho biết: Những năm 1980, nhà nào ở trong xóm cũng có 1 đến 2 khung dệt vải, con gái trong xóm đều phải học và biết dệt để tự tay dệt quần áo, mặt địu, vỏ chăn, vỏ gối… để sử dụng trong gia đình và làm của hồi môn khi đi lấy chồng, hoặc mang ra chợ bán tại các chợ phiên trong huyện, tỉnh. Các sản phẩm đều được dệt thủ công bằng tay, vắt từng sợi vải chàm lẫn với sợi len sắc màu rất cầu kỳ.

Để dệt một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, người thợ dệt phải dệt mất 2 đến 4 ngày mới dệt được một tấm hoàn chỉnh. Công đoạn này đòi hỏi người thợ dệt cần phải tỉ mỉ, cận thận đến từng chi tiết nhỏ, mới làm ra được những sản phẩm hài lòng người tiêu dùng đến vậy.

Nét độc đáo là cách tạo hoa văn trên mặt trái của sản phẩm thổ cẩm, không phải dệt từ mặt phải như những kỹ thuật thông thường. Công cụ để dệt ra sản phẩm thổ cẩm là khung cửi, con thoi được làm bằng gỗ, trên khung cửi là nhũng que tre mềm mại để tạo hoa văn.

Hoa văn trang trí có ba dạng chủ yếu là hoa văn hình học, hoa văn hiện thực về thực vật, hoa văn hiện thực về động vật. Ngoài ra còn có một số hoa văn tín ngưỡng, tôn giáo trên trang phục của các thầy then, thầy tào.

Những hoa văn trên trang phục thổ cẩm của người Tày Luống Nọi phản ảnh trung thực hiện trạng xã hội, những hoạt động lao động sản xuất, văn hoá, tinh thần của người dân. Ngoài ra, chúng còn thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa con người với thiên nhiên, sự hài hoà vốn có như quy luật bất biến.

Màu sắc chủ đạo trên sản phẩm thổ cẩm là màu xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Từ những màu này người dệt sẽ pha trộn các gam màu đạm, nhạt tuỳ theo ý tưởng cho từng sản phẩm.

Sự đa dạng về màu sắc, phong phú về đường nét và những hình thù văn hoa trên nền thổ cẩm tạo ấn tượng mạnh mẽ với thị giác. Hoạ tiết đối xứng, phản ánh về quan niệm hài hoà của cuộc sống, triết lý âm dương, ngũ hành…

Những năm qua, bà Nông Thị Thược đã đứng ra giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến nhiều vùng miền để nhiều người biết đến sản phẩm của quê hương. Bình quân giá bán mỗi sản phẩm từ 30 nghìn đồng đến vài triệu đồng theo nhu cầu đặt của khách.

Với những đóng góp của bà Thược và gia đình của mình trong việc lưu giữ nghề dệt truyền thống của gia đình và cũng là lưu giữ nét bản sắc văn hoá của quê hương Cao Bằng, gia đình bà được công nhận là thành viên đối tác của Công viên địa chất Toàn cầu Unesco Non nước Cao Bằng. Và vào năm 2016, gia đình bà cũng được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam”.

Quy trình dệt thổ cẩm của người Tày ở Luống Nọi bao gồm các công đoạn Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải

Bà Nông Thị Duyên, một thợ dệt thổ cẩm ở xóm Luống Nọi chia sẻ: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống có từ hàng trăm năm nay, nhưng hiện nay xóm Luống Nọi chỉ còn một số ít hộ duy trì được đến bây giờ. Đến nay, những người thợ dệt còn gắn bó với nghề chỉ vì muốn gìn giữ nghề cho thế hệ sau và kiếm thêm chút ít thu nhập cho gia đình lúc nông nhàn.

Tuy nhiên, do sản xuất bằng thủ công, thổ cẩm tuy đẹp nhưng không đáp ứng được số lượng lớn, chưa có tổ chức nào quan tâm, để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nên làng nghề vẫn còn lúng túng trong khâu sản xuất và tiêu thụ.

Ông Hoàng Văn Tín, Trưởng thôn Luống Nọi cho biết: Cả xóm hiện nay có 25 hộ còn duy trì được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, trung bình mỗi hộ có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/1 năm. Nhiệt tình nhất là nghệ nhân Nông Thị Thược rất tâm huyết với bảo tồn và khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống, mong muốn đưa sản phẩm của địa phương vươn xa hơn nữa. Rất mong chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm đến du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương.

Nghề dệt thổ cẩm ở Luống Nọi tồn tại hàng thế kỷ qua, tuy người dân không làm giàu từ nghề dệt nhưng vẫn còn nhiều nghệ nhân say mê với nghề để sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo cũng như gìn giữ giá trị văn hoá của dân tộc ở địa phương. Chính quyền địa phương cần có những giải pháp để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Luống Nọi để đưa sản phẩm của làng nghề đi xa hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO