Người Raglai được tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" năm 2020

23/07/2021 03:07

(DTTG) Sống trên vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, khí hậu khô nóng quanh năm, đất đai cằn cỗi khô rang tựa như trên sa mạc. Nhưng với bản lĩnh tự lực, tự cường, quyết tâm không khuất phục nghèo khó, anh Chamaléa Hơ, 44 tuổi, người Raglai ở xã Phước Trung, huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp.

Năm 1999, Chamaléa Hơ từ Khánh Hòa vào xã Phước Trung, huyện Bác Ái, Ninh Thuận lập nghiệp. Tại đây, anh đã quen và xây dựng gia đình với cô gái Raglai địa phương. Chamaléa Hơ nhớ lại, thời điểm đó, cuộc sống của hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn. “Trước đây, gia đình tôi sống chủ yếu nhờ cây ngô, canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, nên năng suất thấp. Tình trạng mất mùa thường xuyên xảy ra”, anh Chamaléa Hơ chia sẻ.

Anh Chamaléa Hơ chăm sóc đàn bò của gia đình.
Anh Chamaléa Hơ chăm sóc đàn bò của gia đình.

Không cam chịu đói nghèo, được cha mẹ cho hai sào đất hoang (2.000m2) và một ít vốn, Chamaléa Hơ cùng vợ tập trung san phẳng, đắp bờ làm ruộng. Để có nước sản xuất, Chamaléa Hơ đào mương dài hơn 100 mét dẫn nước từ mương chính về ruộng, đồng thời đưa giống lúa mới vào trồng thử nghiệm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kỹ thuật canh tác, vụ lúa đầu tiên cho năng suất đạt gần 5 tạ/sào. Sau vài vụ canh tác hiệu quả, Chamaléa Hơ tích lũy được một số vốn mua hai con bò, vừa để tận dụng sức kéo, vừa nuôi bò sinh sản.

Sức kéo của bò giúp việc khai hoang đất dễ dàng hơn. Do đó, anh đã mở rộng diện tích đất canh tác. Với bản tính chịu thương chịu khó, anh còn tranh thủ đi cày thuê, đổi công lao động cho người dân trong vùng. Khi có thêm một số vốn cùng với tiền bán bò, anh Hơ mạnh dạn mua máy cày phục vụ sản xuất của gia đình vừa cày thuê cho người dân có nhu cầu.

Anh Chamaléa Hơ chia sẻ, vùng đất Phước Trung thường chịu tác động của khô hạn, anh thường xuyên theo dõi thông tin khuyến cáo của địa phương, dự báo thời tiết để lựa chọn cây trồng phù hợp. Những năm hạn hán kéo dài, gia đình anh chủ động luân canh theo hướng hai vụ lúa, một vụ ngô lai, hoặc chuyển đổi sang trồng cây hoa màu chịu được khí hậu khô hạn như đậu xanh, ớt để không bị ngắt quãng, đảm bảo có nguồn thu nhập liên tục. Từ đồng vốn tích góp được, năm 2015, anh Chamaléa Hơ tiếp tục tham gia các lớp học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, rồi quyết định mua giống bò lai Sind về nuôi theo hướng bán tự nhiên.

Anh Chamaléa Hơ trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa nắng nóng, khô hạn.
Anh Chamaléa Hơ trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa nắng nóng, khô hạn.
Trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi bò, dê, cừu cũng là cách mà người dân Ninh Thuận thường canh tác.
Trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi bò, dê, cừu cũng là cách mà người dân Ninh Thuận thường canh tác.

Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn bò, anh Hơ dành 5.000 m2 đất ruộng trồng cỏ, kết hợp tận dụng phụ phẩm ngành nông nghiệp và mua thức ăn tinh làm thức ăn cho đàn bò. Ngoài nuôi bò, anh Hơ còn kết hợp mô hình nuôi cừu vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm, gia đình anh xuất bán từ 4 - 5 đợt bò, cừu, mỗi đợt cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Hiện, anh Chamaléa Hơ đang làm chủ trang trại hơn 10 con bò và trên 80 con cừu sinh sản.

Nhờ chí thú làm ăn, đến nay, diện tích đất sản xuất của gia đình anh Chamaléa Hơ đã mở rộng lên hơn 2 ha. Với nguồn thu từ trồng trọt và chăn nuôi, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm, gia đình anh Chamaléa Hơ thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Từ một hộ cận nghèo, đến nay, anh Chamaléa Hơ đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, trở thành một trong những hộ gia đình khá giả nhất trong vùng đồng bào dân tộc Raglai.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Chamaléa Hơ còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, vận động đồng bào Raglai thay đổi tư duy, hỗ trợ vốn giúp nhiều hộ phát triển chăn nuôi, sản xuất để cùng vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ đồng bào DTTS trong xã trở nên khá giả, có của ăn của để từ những đồng vốn vay của ban đầu của anh Chamaléa Hơ giúp đỡ không lấy lãi.

Ở xứ nóng Ninh Thuận, người dân thường trồng cây Mè đen (vừng đen).
Ở xứ nóng Ninh Thuận, người dân thường trồng cây Mè đen (vừng đen).
Chăn nuôi bò thịt, bò giống được đồng bào dân tộc Raglai tạo phong trào thi đua sôi nổi.
Chăn nuôi bò thịt, bò giống được đồng bào dân tộc Raglai tạo phong trào thi đua sôi nổi.

“Đồng hành với gia đình tôi, cán bộ Hội Nông dân xã, huyện thường xuyên thăm hỏi, động viên và hướng dẫn cách trồng trọt, thay đổi mùa vụ, chăm sóc đàn bò, cừu. Nhờ đó, tôi có thêm kiến thức để tự tin sản xuất, phát triển chăn nuôi. Tôi sẵn sàng chia sẻ cách làm, hỗ trợ cây, con giống, cho mượn tiền giúp các hộ đồng bào Raglai làm theo để cùng phát triển, thoát nghèo. Tôi rất biết ơn các cán bộ, các cấp chính quyền huyện, xã đã giúp tôi phát triển sản xuất, nhất là thay đổi cách nghĩ, cách làm, để tôi vươn lên làm giầu” - anh Chamaléa Hơ chia sẻ.

Ông Katơr Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trung nhận xét, anh Chamaléa Hơ là tấm gương sáng vượt khó vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu, xứng đáng để các hội viên khác học tập và làm theo. Qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Anh Chamaléa Hơ nhiều lần được UBND xã, huyện biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, anh vinh dự được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận tặng thưởng Bằng khen "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" năm 2020.

Tháp PoKlong Garai - Di tích quốc gia đặc biệt thu hút du khách đến tham quan tại Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Tháp PoKlong Garai - Di tích quốc gia đặc biệt thu hút du khách đến tham quan tại Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO