Nhờ ứng dụng công nghệ, Vương Thị Thương - Giám đốc Hợp tác xã nông sản Toàn Thương đã và đang đưa hoạt động của hợp tác xã ngày càng hiệu quả, tăng giá trị hồng Vành khuyên Lạng Sơn gấp 20 lần và dự định xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Trung Quốc.
Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, Thương chứng kiến cây hồng Vành khuyên là cây chủ lực, đặc sản nổi tiếng của địa phương nhưng người trồng có thu nhập chưa xứng tầm.
Giống hồng Vành khuyên ngon nhưng nhiều nước, khó bảo quản. Khi vào mùa thu hoạch quả chín rộ nếu không kịp tiêu thụ người dân mất đi nguồn thu nhập đáng kể. Khi được mùa lại mất giá, có khi chỉ bán vài nghìn đồng một kg, tỷ lệ hỏng đổ bỏ quá nhiều, nên người trồng khó khăn bộn bề.
Từ năm 2017, chị Thương đã tự tìm hiểu và làm nhiều mẻ hồng Vành khuyên treo gió nhưng đều thất bại. Không nản chí, chị tiếp tục tìm hiểu, tham khảo và học hỏi thêm quy trình cũng như cách làm hồng treo gió trên mạng xã hội, sách, báo và ấp ủ ước mơ của mình. Thương quyết tâm nâng tầm giá trị sản vật quê mình. Chị tìm hiểu và học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến hồng Đà Lạt, Hàn Quốc, rồi Nhật Bản. Sau đó, chị quyết định lựa chọn ứng dụng công nghệ Nhật Bản vào sản xuất.
Từ những trăn trở đó, từng là một giáo viên, chị Thương đã đứng lên, bước ra khỏi "vùng an toàn", bắt đầu hành trình đi tìm công nghệ cho Hồng Vành khuyên, phát triển chuỗi giá trị của sản phẩm này nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt là tạo việc làm mới cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn.
Năm 2021, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, chị đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng. Chị mua sắm thêm máy gọt vỏ, máy hút chân không, lên giàn, massage, hạ giàn, đóng gói... thiết kế theo quy trình khép kín.
Dự án hồng Vành khuyên treo gió của chị Thương đi vào hoạt động từ tháng 9 năm 2022, bước đầu đã thu được một số thành quả nhất định, liên kết tiêu thụ cho bà con nông dân trồng hồng 880 tấn hồng tươi, sản xuất ra 5 tấn hồng treo gió và hồng sấy dẻo.
Sản lượng sản xuất ra hồng Vành khuyên treo gió ko kịp trả khách đặt, 90% khách hàng phản hồi tốt về sản phẩm dẻo, ngon, giòn, ngọt tự nhiên, giá thành phù hợp; 70% khách hàng cũ quay lại mua sản phẩm; tăng 34% doanh thu từ 3,2 tỷ đồng lên 4,3 tỉ đồng/năm…
Tháng 4/2023, chị Thương quyết định thành lập hợp tác xã nông sản Toàn Thương, tập trung sản xuất, chế biến và bảo quản rau quả, hoạt động dịch vụ trồng trọt và các dịch vụ sau thu hoạch. Hợp tác xã hiện có 07 thành viên là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong phân phối hồng tươi trên khắp 50 tỉnh/thành cả nước. Lượng tiêu thụ hồng tươi mỗi ngày trung bình là 10 tấn/ngày và 900 tấn/1 vụ 3 tháng.
Từ hai bàn tay trắng, chị Thương đã tạo dựng một thương hiệu hồng Vành khuyên treo gió theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGap. Hồng sau khi thu hoạch được gọt vỏ, treo giàn trong nhà kính khoảng 15 - 20 ngày. Trong quá trình này, đến ngày thứ 5 - 7, hồng được massage để tăng vị dẻo tạo mật ngọt tự nhiên, không bị chát.
Trái hồng treo gió thành phẩm bên ngoài dẻo, giòn nhưng bên trong có mật vị thanh ngọt. Sản phẩm làm ra mất rất nhiều công nhưng lại không bảo quản được lâu. Sau đó, chị tìm hiểu và được các chuyên gia tư vấn, kết nối với Viện Cơ điện nông nghiệp sau thu hoạch để chuyển giao công nghệ bảo quản hồng theo hướng tự nhiên.
"Bây giờ, hợp tác xã đã có quy trình chuẩn khép kín và việc bảo quản sau thu hoạch không còn là vấn đề đáng lo", chị Thương nói.
Nhờ đó đã tăng giá trị quả hồng lên gấp nhiều lần, từ quả hồng tươi 15.000đ/kg được chế biến thành sản phẩm hồng treo gió có giá 300.000đ/kg, góp phần bảo tồn và nâng tầm giá trị giống hồng Vành khuyên của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Quy mô sản xuất được mở rộng, Hợp tác xã nông sản Toàn Thương đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động nữ với mức lương từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, với việc mở rộng vùng trồng hồng từ 20ha lên 50ha, hợp tác xã sẽ tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho hơn 100 hộ dân và hơn 30 phụ nữ Tày Nùng tham gia sản xuất trực tiếp.
Đối với chị Thương, thành công không chỉ dành riêng cho bản thân mà chị vẫn miệt mài vừa học tập, vừa nghiên cứu thị trường trong nước và nước ngoài để có chiến lược phát triển tốt hơn, tìm đầu ra ổn định để tiêu thụ cho bà con trong huyện sau đó sang các huyện lân cận và rộng hơn là bao gồm các tỉnh phía bắc có sản lượng hồng lớn như Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La...
Hiện sản phẩm hồng Vành khuyên treo gió được gắn mã định danh truy xuất nguồn gốc tới từng cây hồng. Dự kiến trong năm 2024 sẽ xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc và Thái Lan. Và hiện tại chị đang xây dựng mô hình nông nghiệp dạng farmstay để khách du lịch trải nghiệm sản phẩm địa phương.
Để quảng bá sản vật địa phương cho khách du lịch, chị Thương đưa từng quả hồng vào bao bì nhỏ chứa thông tin 12 di tích lịch sử nổi tiếng tương ứng với 12 địa phương của Lạng Sơn. Mỗi hộp hồng là cả một câu chuyện về văn hóa. Điều này giúp địa phương nổi tiếng với sản phẩm độc đáo và chất lượng cao, thu hút khách du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Ông Đinh Long Xuyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng cho biết: "Thời gian qua, sản phẩm hồng Vành khuyên treo gió của cửa hàng nông sản Toàn Thương đã được huyện lựa chọn tham gia gian hàng của huyện tại các dịp trưng bày sản phẩm của địa phương, tại hội chợ… và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hướng tới xây dựng sản phẩm hồng Vành khuyên treo gió là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cơ sở tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến".
Với sự năng động, tâm huyết, chịu khó, dám nghĩ dám làm mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại của nữ Giám đốc Vương Thị Thương đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới.
Mới đây, dự án "Phát triển chuỗi giá trị Hồng Vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày Nùng vùng biên giới xứ Lạng" của chị Thương là một trong ba dự án giành giải Nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023. Đây là một kết quả cho sự cố gắng, nỗ lực của chị. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, hồng Vành khuyên treo gió sẽ mở rộng thị trường ra nhiều nước trên thế giới.