Gương sáng

Người nghệ nhân tâm huyết với giá trị văn hóa Mường

Ảnh + bài: Thanh Hải 27/11/2023 - 19:51

Ở Thanh Hoá, Pôồn Pôông chính là "hồn cốt", nét văn hóa không thể thiếu của người Mường. Hơn 60 năm giữ hồn cho văn hóa Pôồn Pông, nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng "báu vật" của người Mường xã Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vẫn ngày ngày truyền thụ cho lớp trẻ nét văn hóa của cha ông. Nhờ đó, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường xứ Thanh luôn được bảo tồn, phát huy.

Sự tích về Lễ hội Pôồn Pôông

Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng trên khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười đậm bản chất núi rừng. Bà chậm rãi kể về sự tích gắn với Lễ hội Pôồn Pôông, Lễ hội gắn liền với câu chuyện tình đẫm nước mắt của nàng Ờm và chàng Bồng Hương. Cả hai yêu nhau nhưng bị cha mẹ chia cắt tình duyên. Bởi vì chàng Bồng Hương nhà nghèo, khốn khó nên cha mẹ nàng Ờm không chịu gả con gái, thậm chí còn đánh đập nàng Ờm tàn nhẫn rồi đuổi khỏi nhà.

Đau đớn, nàng Ờm lần theo con suối và gặp chàng Bồng Hương rồi cả hai ăn lá ngón chết bên nhau. Lúc đó, Bồng Hương lấy chiếc khăn trắng lau vết máu cho nàng Ờm rồi vắt khăn lên cây chạng pạng. Cây chạng pạng nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn thành dây hoa bông trắng quấn quýt quanh thân mình.

5.jpg
6.jpg
Phần lễ của Lễ hội Pồn Pôông. Trong đó, Ậu máy (chủ trì lễ hội) có vai trò như một người thầy cúng, là người dùng văn vần kể lại giai thoại sinh ra trời đất, thông báo với thần linh năm nay mùa màng bội thu, dân làng mở hội để tỏ lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, người người hạnh phúc và mời thần tổ, vua cha về vui chơi...

Và cũng từ đó, hoa bông trắng nở vào tháng 3, gặp mưa thì hoa có màu trắng, gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ. Vì vậy người Mường chọn cây chạng pạng có hoa bông trắng nở để mở hội Pôồn Pôông.

Mỗi năm vào mùa lễ hội, người dân cũng làm hoa bằng giấy trắng, giấy hồng cắm lên cây chạng pạng để chuẩn bị cho lễ hội. Đến tận ngày nay, Lễ hội Pồn Pôông trong những ngày đầu xuân đã trở thành nơi giao tình của trai gái dân tộc Mường.

Trong tiếng Mường, “Pồôn” có nghĩa là chơi, vờn, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa; “Pồôn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên hoa. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng 3 và rằm tháng 7 với mong muốn cho mùa màng bội thu, ngô lúa đầy bồ, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Theo đó, lễ hội vừa mang tính nghi lễ cầu phúc, cầu an vừa mang tính chất giao duyên nam nữ. Lễ hội có thể diễn ra từ tối đến sáng, từ sáng đến tối, có khi kéo dài tới hai ngày ba đêm.

3.jpg
Sau phần lễ, Ậu máy và các máy bạn, các nghệ nhân đánh trống, chiêng, thào lài, diễn xướng chuẩn bị cho phần hội.

Lễ hội Pồn Pôông có hai phần, phần lễ và phần diễn trò. Các trò diễn xướng đều xoay quanh cây bông, mô phỏng lại toàn bộ các phong tục tập quán, phản ánh đời sống tâm linh, văn hoá tinh thần của đồng bào Mường. Lễ hội Pồn Pôông chính là tái tạo, mô phỏng và kể lại toàn bộ đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mường kể từ lúc sơ khai phát nương làm rẫy, chia đất, chia nước, dựng nhà, trồng lúa, thêu dệt thổ cẩm, săn đuổi thú dữ, chọi gà, chọi trâu, đấu vật, đánh cá, múa bông, bói bông, làm cơm mời Mường, mời bạn ăn cơm mới, uống rượu cần…

2.jpg
Giờ tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để truyền dạy hết trò diễn này cho con cháu, để Pôồn pôông mãi sống cùng các thế hệ người Mường”, Máy Tắng khẳng định.

Chủ của lễ hội là Ậu máy (còn gọi là bà máy). Ậu máy là người có uy tín trong làng, được truyền nghề từ một Ậu máy đi trước, biết cúng bái, bốc thuốc chữa bệnh, và múa đẹp, hát hay. Trong lễ hội Pôồn pôông không thể thiếu là cây bông - biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hoá đã ban cho con người. Xuyên suốt buổi lễ Pôồn pôông là quá trình cúng lễ, nhảy múa, diễn trò của những nghệ nhân gồm Ậu máy và các máy bạn, các nghệ nhân đánh trống, chiêng, thào lài, diễn xướng xung quanh cây bông, họ cất lên những khúc hát giao duyên, lời ca hẹn ước trong tiếng cồng chiêng nhịp nhàng vang lên rộn rã khắp bản làng.

7.jpg
Tất cả các trò diễn đều xoay quanh cây bông, mô phỏng lại các phong tục, tập quán của người Mường, phản ánh đời sống tâm linh văn hóa của người Mường.

Lễ hội cuốn hút người xem ở sự khéo léo của người làm ra cây Bông với những chùm hoa gỗ lung linh sắc màu và hình những muông thú, nông cụ sản xuất... cuốn hút người xem ở tài nghệ diễn xuất của các Ậu máy, ở men rượu cần dịu ngọt, món xôi ngũ sắc bắt mắt (màu sắc được lấy từ lá cây) những món ăn mang đậm hương vị núi rừng và đặc biệt cuốn hút người xem ở những điệu múa uyển chuyển mềm mại của những cô gái Mường Ngọc Lặc xinh xắn, dễ thương trong trang phục áo Khóm và váy thổ cẩm. Tiếng trống, tiếng chiêng của lễ hội vang lên gọi mời du khách gần xa, gọi người làng trên, bản dưới về vui ngày hội, gọi trai tài gái đảm nên đôi, gọi người con đất Mường xa xứ một lòng nhớ về nguồn cội.

z4920566416823_c87bbe4e5d60e889c411071f5e641b91.jpg
Cây Bông được đẽo bằng thân tre, trên cây được treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa được làm từ gỗ của cây Chạng bạng nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng cùng các mô hình muông thú, nông cụ sản xuất... (tùy theo tài năng, thâm niên của Ậu máy mà cây bông có thể có 5;7;9 hoặc cao nhất là 12 tầng cũng vì thế mà chiều cao của cây bông cũng khác nhau). Để làm được cây bông cần có những người thật sự khéo tay của bản Mường, làm mất nhiều thời gian và đòi hỏi phải công phu.

Trao truyền hồn cốt xứ Mường

Những năm trước đây, lễ hội Pồôn Pôông đã từng có thời gian bị lãng quên, thế hệ trẻ cũng ít tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Mãi đến khi tỉnh Thanh Hóa bắt tay vào việc bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) thì Lễ hội Pôồn Pôông như được hồi sinh trở lại. Là người nặng lòng với văn hóa dân tộc, nghệ nhân Phạm Thị Tắng luôn đau đáu việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm thầy mo Mường. Gần 80 tuổi đời cũng là chừng ấy thời gian nghệ nhân Phạm Thị Tắng gắn bó với không gian văn hóa xứ Mường. Bà cũng được ông bà, cha mẹ dạy cho cách gọt cây Chạng Pạng làm thành những bông hoa gỗ, được truyền dạy các nghi thức bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng. Bà Tắng trở thành Ậu Máy - chủ của Lễ hội Pồôn Pôông và cũng là người có uy tín trong làng, biết cúng lễ, bốc thuốc chữa bệnh, thuần thục cùng những điệu hát Xường, hát Đúm, những trò chơi, trò diễn, lễ hội dân gian đặc sắc.

Giờ đây mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng nghệ nhân Phạm Thị Tắng vẫn luôn miệt mài trong việc truyền dạy các nghi lễ, điệu múa, bài xường... để trò diễn Pôồn Pông hòa vào đời sống cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Sau mỗi lần đại diện cho xã, huyện đi tham gia các liên hoan sân khấu, hội diễn các cấp, lần nào cũng có thành tích mang về”. Không những vậy, Máy Tắng còn nhiều lần đại diện cho tỉnh đi tham dự liên hoan văn hóa các dân tộc trong cả nước. Với những tiết mục như: sân khấu hóa lễ hội Pôồn Pôông; biểu diễn trống chiêng; diễn xướng xường,.... Những bằng khen, giấy khen là sự ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của Máy Tắng cho việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của người Mường.

z4920621771133_5a0fed31d5c47c1bfe11f16d16454f77.jpg
Lễ hội dưới sự chủ trì của Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng.

Những năm qua, Máy Tắng còn truyền dạy lại các điệu múa, lời hát Pôồn pôông cho các thế hệ người Mường. Ban đầu là phạm vi thôn, bản đến làng xã rồi mở rộng ra các lớp truyền dạy cấp huyện, cấp tỉnh. Đến nay số học trò được Máy Tắng truyền dạy đã lên đến hàng trăm người. Trong đó có nhiều em bé ở lứa tuổi mầm non, tiểu học của xã Cao Ngọc và các xã lân cận đã bắt đầu biết hát, biết múa Pôồn pôông. Đây sẽ là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn nghệ truyền thống, dân gian của xã Cao Ngọc, của huyện Ngọc Lặc trong tương lai không xa.

"Trong xã, ngoài xã bà cũng dạy, lắm người cũng biết diễn nhưng nó nhiều trò diễn lắm, mới sưu tầm được 70-80% vì vậy bà tiếp tục dạy nữa. Tuy tuổi của tôi giờ đã cao nhưng tôi sẽ còn múa, nhảy và hát cho đến hơi thở cuối cùng. Giờ tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để truyền dạy hết trò diễn này cho con cháu, để Pôồn pôông mãi sống cùng các thế hệ người Mường”, Máy Tắng khẳng định.

1(2).jpg
Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Tắng và các thiếu nữ Mường.

Cùng với việc say mê bảo tồn văn hóa, phong tục, tập quán địa phương, với uy tín và ảnh hưởng đối với cộng đồng dân cư, Ngệ nhân Phạm Thị Tắng còn là tấm gương điển hình trong lối sống, thường xuyên vận động gia đình, dòng họ, người dân xóa bỏ hủ tục, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... góp phần xây dựng thôn bản văn minh, phát triển.

Với những đóng góp quan trọng của Máy Tắng, tháng 11/2015, bà được công nhân là Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Năm 2016, Lễ hội Pồôn Pôông xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để có được thành quả ấy có đóng góp rất lớn của nghệ nhân Phạm Thị Tắng. Năm 2022, Máy Tắng được vinh dự là một trong số 3 nghệ nhân xuất sắc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước cho hành trình bền bỉ "giữ lửa" văn hóa Mường của của Máy Tắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO