Xóm người Mường ở Suối Cỏ, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình có gia đình bà Hoàng Thị Hậu vẫn đang làm giấy dó theo đúng cách của người xưa.
Từ thế kỷ 13 sau khi được du nhập vào Việt Nam, giấy dó đã từng được người Việt dùng phổ biến trong đời sống. Người xưa dùng giấy dó để viết chữ, truyền bá kiến thức, trong đời sống văn hóa. Giấy dó được sử dụng để viết câu đối, thư pháp, in tranh… Tuy nhiên cùng với nhịp sống của xã hội hiện đại, giấy dó vắng bóng dần. Đến cuối thập niên 90 thế kỷ XX, nghề làm giấy dó gần như bị lãng quên.
Việt Nam có hai làng làm giấy dó nổi tiếng là làng Yên Thái (Hà Nội) và làng Đống Cao (Yên Phong, Bắc Ninh). Ở những địa phương này, nghề làm giấy dó đã từng phát triển rất rực rỡ. Nhưng giờ, làng làm giấy Yên Thái chỉ còn trong ca dao. Làng Đống Cao cũng chỉ còn sót lại vài hộ còn giữ nghề.
Nhưng thật bất ngờ, hiện tại ở xóm Suối Cỏ, xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình lại có những người Mường vẫn đang làm giấy theo đúng cách của người xưa. Đến thăm đình bà Hoàng Thị Hậu, hộ duy nhất ở Suối Cỏ làm giấy dó, chúng tôi được bà chia sẻ về cơ duyên và những tâm sự khi gắn bó với nghề truyền thống độc đáo này.
Vào năm 1996 gia đình bà Hậu cùng nhiều hộ ở Suối Cỏ được Trung tâm Nghiên cứu, Hỗ trợ và Phát triển các làng nghề Thủ công Truyền Thống Việt Nam đưa lên Bắc Ninh học nghề làm giấy dó. Khỏe mạnh, khéo léo bà Hậu là một trong số ít người xeo giấy đều tay nhất, đẹp nhất trong nhóm đi học. Sau khi thành nghề, mọi người trở lại Suối Cỏ bắt tay vào làm. Ngày ấy ở Suối Cỏ nhà nhà, người người tham gia làm giấy. Nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn, giấy làm ra không ai mua, làm nghề không có thu nhập, mọi người bỏ nghề. Kiên trì, tiếc công sức đi học và nghĩ đến những người tạo điều kiện cho mình có nghề bà Hậu bàn với chồng và vài người trong xóm cố tiếp tục duy trì làm giấy lúc nông nhàn.
Ông Nguyễn Văn Chúc là chồng bà Hậu giờ vẫn nhớ thời khó khăn ấy. Cả năm ông luôn ngóng Tết để rồi cõng ba lô giấy dó, bám xe về Văn Miếu (Hà Nội) để bán cho những người viết câu đối. Nhiều lần ông cố đi xa hơn về tận phố cổ Thành Nam (Nam Định) tìm gặp những người yêu viết chữ và không ít lần cõng nguyên đống giấy trở về nhà. Chật vật, loay hoay, không đi tìm được đầu ra cho giấy dó Suối Cỏ, bà Hậu định gác khuôn xeo giấy, để mặc những cây dướng um tùm trên đồi.
Nhưng bất ngờ đúng vào lúc khó khăn nhất ông Chúc gặp được những người trong nhóm Zó Project. Đó là nhóm những người ở Hà Nội yêu giấy dó và mong muốn giữ lại một nghề truyền thống quý báu của dân tộc. Quý trọng nghề gia đình ông Chúc đang làm họ đã đặt hàng, bán giấy dó cho ông, đưa khách du lịch đến gia đình ông trải nghiệm cách làm giấy truyền thống... Thậm trí, họ còn mang giấy dó do chính tay vợ chồng ông làm mang đi triển lãm, xuất khẩu. Nhờ những người trẻ tuổi này mà xưởng làm giấy dó nhỏ bé nhà bà Hậu được nhiều người biết đến và tồn tại đến tận bây giờ.
Giờ thì bà Hậu không còn ý định bỏ nghề. Tuy chưa phải là nguồn thu chính, chưa đủ để làm giàu nhưng làm giấy dó cho gia đình bà thu nhập đều đặn. Mỗi khi có đơn hàng lớn ông Chúc luôn phải gọi thêm 3-4 người hàng xóm qua làm. Tiền bán giấy dó cũng xứng đáng hơn với công sức vất vả bỏ ra.
Trong câu chuyện cuối buổi, khi mọi người nói về về ý nghĩa to lớn của việc giữ gìn nghề làm giấy dó truyền thống, một nghề có tuổi đời cả thiên niên kỷ thì ông Chúc lại bẻ ngang nói về mong muốn lớn nhất hiện tại của mình. Đó là ông mơ giá giấy dó tăng được gấp đôi. Khi ấy mọi người chắc chắn có thể làm giàu bằng nghề làm giấy dó. Khi đó đâu đâu trên đồi quanh nhà cũng thấy thấp thoáng bóng người Mường chặt cây, lột vỏ và tiếng chày đập vỏ dướng chan chát suốt cả ngày./.