Tỉnh Kon Tum không những có bản sắc văn hóa đa dạng từ 43 dân tộc anh em, mà còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan hùng vĩ. Phát huy lợi thế đó, các cấp chính quyền địa phương đang tích cực triển khai các hoạt động du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, các di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Nói đến di sản không thể không nhắc đến các nghệ nhân. Bởi, nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống, họ là người gìn giữ và phát huy nhiều loại hình văn hóa dân gian. Đồng thời, quan niệm của đồng bào nghệ nhân là người nhận được sự “biệt đãi” từ thần linh. Theo cách nói của họ thì đó là người mà “Yang” chọn, cộng đồng trao và bản thân nghệ nhân có trách nhiệm phục vụ dân làng, truyền dạy cho thế hệ kế tiếp.
Một trong số người mà “Yang” chọn là nghệ nhân Ưu tú A Biu, người được ví là “bảo tàng sống” và là nghệ nhân đa tài của văn hóa dân tộc Ba Na.
Nghệ nhân A Biu sinh năm 1958, ở làng Plei Klếch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Ông may mắn được sinh ra và lớn lên ở vùng quê mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngay từ khi còn nhỏ, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng không thiếu tiếng cồng chiêng. Bằng tình yêu đặc biệt với văn hóa dân tộc mình, nghệ nhân A Biu thuộc và kể được rất nhiều bài sử thi, truyện cổ dân gian. Nhất là với các nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân A Biu không chỉ biết thành thạo sử dụng mà còn biết chỉnh chiêng và truyền dạy cho thế hệ trẻ, giúp thế hệ sau phát huy vốn văn hóa quý báu của dân tộc không bị mai một.
Ông hy vọng các thế hệ trẻ sẽ có niềm đam mê cồng chiêng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông để lại. Đó cũng là lý do, động lực để ông truyền lại nhiệt huyết về văn hóa cồng chiêng cho thế hệ sau.
Nghệ nhân A Biu hướng dẫn cách phân biệt những chiếc cồng: “Loại thứ nhất là cồng có núm to ở giữa được gọi là Yong. Loại thứ hai là cồng Pông và loại thứ ba là cồng Pép. Tiếng và âm thanh của cồng vang lên thế nào thì có tên gọi như thế. Ví dụ như gọi là cồng pép vì âm thanh của nó như tiếng chim kêu”.
Mỗi loại chiêng đều được người dân Ba Na sử dụng vào mỗi việc khác nhau. Trong đời sống hàng ngày, qua những âm thanh của tiếng chiêng, người dân đều sẽ biết được trong làng đang có chuyện gì xảy ra. “Nhịp cồng Yong nhanh là có người mất, còn tiếng cồng chậm là có chuyện vui…”.
Trong không khí mùa Xuân rộn rã đất trời, tiếng chiêng của nghệ nhân A Biu mang đầy hoài niệm về âm thanh xưa của núi rừng. Tiếng chiêng thiêng vang lên hào sảng, thể hiện sức sống mãnh liệt của con người ở mảnh đất Tây Nguyên. Đơn giản mà tinh tế, những cung bậc âm thanh dường như mang được hơi thở, nhịp sống hoang sơ của vạn vật trở về.
Cồng chiêng là cội rễ, là tiếng nói tâm tình của người Ba Na. Cồng chiêng là sợi dây gắn kết vững chắc giữa các thành viên trong gia đình, dòng tộc, buôn làng và đem lại niềm vui cho cuộc sống.
Để lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống của người Ba Na đến với mọi người, nghệ nhân ưu tú A Biu đã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) giúp cho du khách trong và ngoài nước có cơ hội trải nghiệm văn hóa Ba Na.
Là chủ một homestay cồng chiêng, ông treo một dàn chiêng từ ngay cổng vào. Nghệ nhân A Biu vui vẻ nói: “Tôi làm du lịch không phải để lấy tiền, mà để chia sẻ niềm đam mê về văn hóa của dân tộc Ba Na. Do vậy, ngay khi bước chân vào khuôn viên homstay, người ta sẽ nghe và cảm nhận được tiếng chiêng treo ngay ở cổng vào. Sau đó, du khách sẽ cảm thấy rất thích thú khi được trải nghiệm với chiêng như tự cầm chiêng, tự đánh các bài chiêng và tự hát bài chiêng. Họ sẽ thấy vui vẻ, thoải mái và quên hết mệt mỏi”.
Homestay của gia đình ông A Biu còn có khu ẩm thực riêng, chuyên phục vụ các món ăn truyền thống của người Ba Na.
Ông được công nhận nghệ nhân lần thứ 2 vào năm 2019. Cùng thời gian đó, điểm du lịch văn hóa của gia đình ông trở thành một trong hai sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Một du khách Canada, bà Nicole thấy rất thích thú trước nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na: “Tôi thấy rất thú vị trước những nhạc cụ truyền thống giản dị, đơn sơ nhưng không mất đi vẻ độc đáo. Kể cả những đứa trẻ cũng biết dùng trong những lúc người dân có công việc. Tôi rất ấn tượng với mảnh đất này và muốn dừng lại lâu hơn để tìm hiểu các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của người dân nơi đây”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng, “A Biu là nghệ nhân ưu tú về di sản văn hóa cồng chiêng của tỉnh. Ông là một trong số những nghệ nhân có nhiều đóng góp trong Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025” của tỉnh.
Kon Tum xác định phát triển luôn đồng hành với bảo tồn các giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc tại chỗ. Nghệ nhân A Biu không chỉ có những hoạt động tích cực trong công tác bảo tồn, phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc Ba Na mà còn thúc đẩy người dân có ý thức trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc”.
Tích cực đóng góp trong việc bảo tồn và lan tỏa văn hóa truyền thống Ba Na tới mọi người, nghệ nhân ưu tú A Biu đã khơi dậy niềm tự hào về văn hóa dân tộc. Qua đó, di sản mới có thể bảo tồn và phát triển bền vững./.