(DTTG) Như nhiều dân tộc khác trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc Hrê có một nền văn hoá khá phong phú và độc đáo. Do địa bàn cư trú chủ yếu ở một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi và một số ít sinh sống ở Bình Định, Đắk Lắk và Kon Tum, nên những lễ nghi hay lễ hội của dân tộc này mang đậm dấu ấn của những cư dân trên đỉnh Trường Sơn.
Trong mỗi lễ hội của người Hrê không thể thiếu cồng chiêng |
Tôn kính Thần lúa
Theo số liệu của cuộc điều tra về dân số năm 2019 thì hiện nay người Hrê có khoảng gần 150.000 người, cư trú chủ yếu ở khu vực Nam trung bộ và Tây Nguyên, nhưng tập trung đông nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Đồng bào sống định canh thành từng làng (Plây). Tên của mỗi ngôi làng thường được đặt tên theo địa danh đồi núi, sông suối. Mỗi làng có khoảng 40-50 nóc nhà.
Trong đời sống tâm linh, người Hrê tin rằng mọi hoạt động của con người đều do các thế lực siêu nhiên chi phối. Khi ốm đau, rủi ro, khi làm nhà, mang thai, đẻ khó, có người chết, khi gieo cấy và gặt hái, khi gieo và tuốt lúa, khi đưa thóc lên kho và lần đầu lấy thóc về ăn... họ đều cúng bái.
Bởi vậy, trong cuộc sống cũng như mọi hoạt động sản xuất canh tác, người Hrê có nhiều nghi lễ cúng, mong xua đi những xúi xẻo, của dịch bệnh, cầu mong điều an bình trong cuộc sống.
Hơn nữa, do sinh sống chủ yếu sống bằng nghề làm lúa nước và nương rẫy, với kỹ thuật canh tác lúa nước như vùng đồng bằng Nam Trung bộ, vì vậy tín ngưỡng hồn lúa cùng các lễ thức trong quá trình sản xuất lúa chiếm vị trí quan trọng trong tâm thức của người Hrê.
Dân tộc Hrê coi ruộng, rẫy, vườn, trâu, chiêng, ché, nồi bảy, nồi bông là những tài sản quý giá. Trong đó, ruộng được coi là tài sản quý giá nhất. Họ có thể mua bán trao đổi bằng của cải vật chất khác, nhưng với đám ruộng là một việc hy hữu, bất đắc dĩ mới bán, trao đổi! Và trong quan niệm vạn vật hữu linh, họ cho rằng lúa ruộng (lúa nước) là có nhiều vị thần linh nhất, cho nên việc cúng cho “Thần lúa” cũng được tổ chức nhiều lần, như lễ cúng Thần lúa nếp, lễ cúng Noh caq, lễ cúng Thần lúa mới.
Lễ cúng Thần lúa nếp thường được tổ chức ở ngay ngoài ruộng, gọi là “Ruông Tanock”, tức là thửa ruộng do ông bà cha mẹ để lại cho con cái. Các lễ vật cúng gồm hai con gà (một trống, một mái), một chai rượu trắng, một ché rượu cần (ché nhỏ), thuốc lá, trầu cau, một ít gạo, muối… Khi cúng xong, thầy cúng chọn một góc trong đám ruộng có lúa tươi tốt nhất để rào khoanh lại cho kỹ, rồi hái một chùm trái muồng tuống (Plei crock) cắm vào đó, với ý nghĩa cầu mong cho vụ lúa có hạt tươi tốt như trái muồng tuống vậy.
Khác với Lễ cúng Thần lúa nếp, Lễ cúng Noh caq thường được tổ chức trong chòi lúa. Ý nghĩa của lễ cúng này là cúng dọn lúa của năm cũ còn sót lại từ vụ trước để chuẩn bị đưa lúa mới vào chòi. Có một điều đặc biệt là kể cả có lúa hay không có lúa trong chòi cũng phải thực hiện thủ tục này.
Thời gian của lễ cúng Noh caq là khi mùa lúa ngoài đồng gần chín đến mùa thu hoạch chừng vài ngày. Các lễ vật giống như cúng Thần lúa ở ngoài ruộng, nó chỉ khác là không rào, không có trái muồng tuống. Cúng xong, gia đình quét dọn sạch sẽ trong chòi lúa. Nếu còn lúa trong chòi thì đem cất trong nhà, hay cất một nơi khác. Phải phân biệt, rạch ròi như vậy là bởi người Hrê rất kỵ để chung lúa của năm cũ và năm mới với nhau.
Còn lễ cúng Caq mao niu, hay còn gọi Lễ cúng Thần lúa mới, được xem là một thủ tục cúng lớn nhất trong các lễ cúng liên quan đến Thần lúa. Địa điểm cúng được tổ chức một nơi gần đám ruộng của gia đình, có mời bà con họ hàng đến dự cúng. Tùy theo khả năng của gia đình có thể làm heo, hoặc vài con gà. Các lễ vật giống như cúng thần lúa trong chòi, nhưng về số lượng thì nhiều hơn.
Trước khi tiến hành cúng, chủ hộ lấy ba sợi chỉ màu đen, đỏ, trắng buộc từ đám ruộng kéo đến chỗ bày biện cúng để cho thần lúa về dự cúng theo đường chỉ này. Cơm lúa mới được nấu trong nồi đồng loại nhỏ (tức nồi năm, không được nấu trong nồi khác). Tất cả mọi người dự cúng ăn cơm không được làm rơi rớt hột cơm, phải vui vẻ, no say… thì gia đình mới ưng ý.
Khi tiệc tùng xong, người ta để lại một ít cơm trong nồi với cơm bị cháy dưới đáy nồi, rồi đập một quả trứng gà sống đổ lên cơm, đậy nắp lại, năm ngày sau chủ hộ mở xem, nếu cơm không bị mốc meo thì họ cho rằng năm đó gia đình làm ăn được, mọi người trong gia đình có nhiều sức khỏe…
Trân trọng con trâu
Ngoài lòng tôn kính đối với Thần lúa, người Hrê còn dành tình cảm đặc biệt và hết sức trân trọng con trâu. Họ quan niệm rằng, “con trâu cũng có hồn vía, có các vị Thần linh luôn ở đâu đó phù hộ, che chở”, cho nên cần phải cúng bái cẩn thận để trâu khỏe mạnh. Chính vì thế mà có rất nhiều nghi lễ gắn liền với quá trình trưởng thành trong vòng đời của một con trâu.
Ngay từ khi mới sinh ra được 5-7 ngày, trâu con (hay còn gọi là con nghé) đã được các gia đình tổ chức Lễ cúng đặt tên. Lễ thường được tổ chức ở cửa chuồng trâu. Mâm cỗ cúng gồm có một con gà trống, một chai rượu trắng, một ít muối, gạo, năm miếng trầu cau gói chung với vôi, thuốc lá,ba miếng sáp ong làm như dấu cộng, một cây nến làm bằng sáp ong mật với sợi chỉ, một ít bông cây gòn và nhựa cây gòn lá tím, một miếng xác cây gió bầu để đốt tạo mùi hương, hai cây que được chẻ đôi làm bằng cây trảy…
Bà Y Lam: “Người Hrê rất tôn kính các vị Thần” |
Theo bà Y Lam ở thôn Vi Ô Lăk (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) thì mục đích của nghi lễ này là báo cáo cho các vị thần linh biết đàn trâu gia đình có thêm thành viên mới và xin đặt tên cho nó, cầu mong cho con trâu nhỏ được khoẻ mạnh, lớn nhanh.
Đến khi trưởng thành, bắt đầu tham gia vào công việc sản xuất như cày bừa, thồ kéo, trâu lại được tổ chức Lễ cúng giữ hồn vía. Nghi lễ này dành cho con trâu mới tập cày bừa. Về thời gian, địa điểm, các lễ vật cúng giống như cúng đặt tên cho trâu nhưng cúng bằng con gà mái.
Ý nghĩa của bài cúng, trong quá trình tập luyện cầy bừa do con trâu mới lớn nên chưa quen, vì vậy người cầm lái cày bừa cần ép buộc, la lối, lấy cây roi đánh con trâu nên con trâu bị tổn thương về thể xác và tinh thần, hồn vía con trâu bị sợ hãi do vậy nên phải cúng để “giữ hồn vía con trâu”.
Nghi lễ còn như là một sự “thanh minh” của gia chủ đối với hồn vía con trâu rằng những khắc khổ, mệt nhọc mà nó phải chịu đựng trong những ngày đầu tập cày bừa chẳng qua chỉ là sự rèn luyện chứ người chủ không hề ghét bỏ chú trâu của mình. Nghi lễ này còn thể hiện mong muốn của cư dân người Hrê là con trâu với tư cách là một thành viên với sự bảo trợ của thần linh sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để cùng với chủ trâu góp phần xây dựng buôn làng no ấm.
“Mỗi khi mùa vụ xong xuôi, người Hrê lại tổ chức lễ cảm ơn trâu, vì đã đồng hành và giúp sức cho gia đình. Ngoài ra, nghi lễ còn là dịp người ta cầu cho con trâu bình an, có sức khỏe tốt, không ốm đau bệnh tật”, bà Y Lam chia sẻ.
Người Hrê luôn xem con trâu là một “thành viên” trong gia đình |
Chính vì xem con trâu như một “thành viên” trong gia đình nên ngay cả khi nghỉ Tết, người Hrê cúng làm một cái lễ “mời trâu cùng ăn Tết”. Lễ vật cúng được bày biện ngay trước cổng chuồng trâu. Mâm cỗ cúng gồm có hai con gà một trống, một mái đã được luộc chín, ba con cá vợp đã được phơi khô, hai cái bánh tét, một chai rượu trắng, một ché rượu cần, một ít muối, gạo, vài cọng rau khoai lang, hoặc rau cải, 7 miếng trầu cau được gói chung với vôi, thuốc lá, 5 miếng sáp ong làm như dấu cộng, ba cây nến làm bằng sáp ong, một ít bông cây gòn và mủ cây gòn lá tím, một miếng xác cây gió bầu để đốt tạo mùi hương, hai cây que được chẻ đôi làm bằng cây đót… Bài khấn cúng chủ yếu là cầu mong sang năm mới con trâu có nhiều sức khỏe, tránh bị gặp thú dữ, tránh bị vấp bị ngã, mắc lầy, rơi hố.
Ngoài những nghi lễ nói trên thì người Hrê ở miền núi các tỉnh miền Trung còn dùng trâu vào mục đích hiến sinh thể hiện trong lễ đâm trâu Ka-Capơ. Đây được coi là lễ hội lớn nhất của dân tộc này. Chính vì thế mà lễ hội luôn thu hút đông đảo người dân tham dự. Ý nghĩa của lễ hội là nhằm cầu mong các vị Thần linh phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trâu bò và các loại gia súc gia cầm lớn nhanh, không bệnh tật...
Theo dòng chảy của thời gian và trước sự du nhập của các loại hình văn hóa khác, cuộc sống của người Hrê ngày nay đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, điều đáng quý là dù cuộc sống thay đổi như thế nào, thì nhiều làng bản của dân tộc Hrê vẫn giữ được những nét phong tục văn hóa tốt đẹp, mang bản sắc riêng của dân tộc mình.