Suốt hơn 40 năm qua, ông Bùi Tiến Xô (SN 1953) lặn lội khắp các hang cùng, ngõ hẻm ở đất Hòa Bình để sưu tầm cồng chiêng, gom về những giọt văn hóa Mường đang dần tan chảy. Thành tựu của đằng đẵng tháng năm ấy là hàng chục chiếc chiêng cổ quý giá ngày ngày cất lên những tiếng ping poong, ping poong trong ngôi nhà sàn ở xóm 168, Vĩnh Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình.
Và, cũng trong ngôi nhà sàn ấm cúng đó, giữa những thanh âm trầm vang của tiếng chiêng, vi vút tiếng gió rừng ngoài phên liếp, tôi đã được nghe chủ nhân của ngôi nhà ấy trải lòng về cuộc đời, về cái hành trình mải miết đi tìm, gìn giữ nét văn hóa của người Mường Động.
Duyên nợ với cồng chiêng
Ông Xô kể, ông sinh ra trong một gia đình có 7 người con ở vùng đất đá Lạc Sơn. Từ nhỏ, ông đã bị mê hoặc bởi tiếng chiêng, tiếng cồng trong những lần theo mẹ, theo cha xem hội. Cũng từ đó, âm thanh ấy bám riết lấy ông, len lỏi vào máu thịt, vào từng hơi thở.
“Ngày nhỏ, cứ hễ nghe thấy tiếng cồng, tiếng chiêng ở đâu, tôi chạy đi xem cho bằng được. Có khi ngồi nghe cả buổi, nghe say mê, nghe quên cả thời gian…”, ông Xô tâm sự.
Cũng chính vì cái niềm đam mê cháy bỏng đó, cộng với chút ít khả năng thẩm âm thiên bẩm, ông dần trở thành một trong số ít những người trong vùng có khả năng nghe và đo được thang âm của cồng chiêng.
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, ông Xô theo gia đình về Kim Bôi lập nghiệp. Ban đầu, ông làm nghề thợ đá, thợ khoan, thợ cơ khí, đến năm 1975, ông lấy vợ. Vất vả, lam lũ mãi rồi ông cũng xin được vào làm công nhân Xí nghiệp 216. Từ đó ông bắt đầu “rày đây, mai đó” trên những công trường bụi bặm, ngổn ngang đá và dầu mỡ.
Ngay ở những nơi ồn ã, xô bồ như thế, ngọn lửa đam mê âm nhạc dân tộc vẫn được ông Xô hun đúc qua tiếng đàn bầu, đàn nhị... Mỗi khi việc công trường rảnh rỗi, ông lại mang đàn ra chơi, mang sáo ra thổi, vừa để giải trí cho anh em, vừa để thỏa cái ước muốn được chơi nhạc chảy rần rật trong người.
“Tất cả các loại nhạc cụ dân tộc tôi đều chơi được, nhưng chỉ có âm thanh mộc mạc mà trầm hùng của cồng chiêng làm tôi mê đắm. Hình ảnh những chàng trai, cô gái Mường vung tay như “múa” trên núm chiêng, tạo nên trùng lớp âm thanh vang vọng núi rừng, có chớp mắt tôi cũng vẫn thấy hiện ra, rõ lắm”, vừa nói ông Xô vừa nhẹ nhàng lướt dùi gọi hồn chiêng. Hai mắt ông nhắm nghiền, thả hồn bay bổng theo những tiếng ping poong, tựa hồ như cái dáng thô mộc, đậm chắc kia, đang trôi theo một dòng âm nhạc miên man chảy.
Dòng chảy đó chợt ngưng, ngưng như vấp phải đá khi bàn chân ông vô tình dẫm gãy thanh nứa ghép vội trên sàn nhà. Nó đưa ông về thực tại. Cái thực tại dù muốn, dù không mà hàng bao năm qua ông và những người thân phải chấp nhận.
Dù chưa đến mức “tán gia, bại sản” vì cồng chiêng, nhưng có nói ông Xô nghèo vì cồng chiêng cũng không sai. Bởi cứ dành dụm được ít tiền bạc, hoặc nghe nói người này ở Cao Phong, người kia ở Tân Lạc, muốn bán chiêng, bán cồng ông lại lần mò tìm tới. Tất cả tiền bạc làm ra, sức khỏe ông có, đều dành cho những cuộc băng rừng, vượt núi cóp nhặt cồng chiêng, cóp nhặt tinh hoa văn hóa dân tộc Mường.
Có những chiếc chiêng, khi biết chủ nhân của nó muốn bán, ông đã lặn lội hơn 100km đường rừng trên chiếc xe đạp phượng hoàng không có lốp, phải quấn dây chun vào vành, lên tận huyện Đà Bắc để vận động người ta đừng bán. Vận động mãi không được, ông lại đạp xe lộn ngược trở về Kim Bôi vay mượn tiền bạc lên mua.
Cả đời ông, những chuyến đi như thế cứ kéo dài triền miên ngày này qua tháng khác, núi nọ đến rừng kia. Mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình, chăm sóc con cái phần lớn do một tay vợ ông lo lắng. Đôi lúc, ông cũng thấy áy náy vì không lo cuộc sống cho vợ con đàng hoàng. Và, ông cũng bội phần may mắn, may mắn vì có một người vợ biết tảo tần, biết hy sinh vì ý nghĩa lớn lao của công việc ông làm.
Đến như căn nhà này, ông tích cóp, cặm cụi mấy năm trời đục đẽo tre nứa dựng lên cũng chỉ để treo chiêng, bảo quản chiêng cho đỡ mất tiếng. Người ta gọi nhà sàn vì cũng chẳng biết gọi thế nào cho đúng, có tìm mỏi mắt mới thấy vài thanh gỗ bắp chân, bắp tay. Trên vách nứa, phất phơ mấy cái bằng khen của UBND tỉnh Hòa Bình; Giấy khen của Sở VHTT và Du lịch Hòa Bình; cờ lưu niệm Liên hoan cồng chiêng toàn quốc. Ông treo chúng không phải để khoe, không phải làm sang với thiên hạ, mà treo để cho căn nhà bớt cô quạnh.
Trăn trở với văn hóa dân tộc
“Gia đình, dòng họ hai bên để lại cho tôi được 16 cái. Như thế là quá nhiều rồi. Bởi, ở xứ Mường xa xưa, gia đình nào cũng chỉ có vài chiếc chiêng để đánh vào ngày tết, ngày hội, ngày cúng giỗ, và để dành cho con gái mang về nhà chồng như của hồi môn. Tôi con nhà tương đối “bề thế” nên mới được thừa kế đến 16 cái đấy, số còn lại là thành quả của hơn 40 năm tôi lăn lộn tìm kiếm, sưu tầm mà có”, ông Xô vừa nói vừa không giấu được vẻ tự hào, ánh mắt như có lửa.
Ông Xô bảo, trong số 3-40 chiếc chiêng treo kín hai bên vách nứa, có đến hơn một nửa là chiêng cổ niên đại 400 – 600 năm, còn lại chiêng kim cũng có niên đại ít nhất 200 – 250 năm. Chiêng cổ hình thức bề ngoài giống như da cóc, vảy tê tê, được đúc thủ công, rồi gò chỉnh âm qua bàn tay những người thợ tài hoa bậc nhất xứ Mường. Còn chiêng kim được đúc bằng khuôn đất từ thiếc, thau, bạc trộn lẫn. Dùi cũng phải làm thật khéo, to nhỏ phải tương thích với chiêng, và phải được bọc bằng lụa đỏ.
“Ngày trước, người ta thường dùng da thú bọc dùi, để khi đánh vào núm chiêng không bị méo tiếng, không bị vỡ chiêng. Nhưng giờ đây, thú rừng săn bắn hết rồi, không có da, đành lấy lụa bọc. Khi đánh chiêng, quan trọng là không được đánh mạnh, không được dùng sức, phải đánh nhẹ nhàng, đánh từ từ để gọi hồn chiêng…”, ông Xô tiếp tục say xưa.
Nhìn ông nâng niu, động tác khẽ khàng khi giới thiệu từng chiếc chiêng, mới thấy được cái “say” của ông nó “ngấm” dường nào. “Không say, không mê, không ngấm sao được, nó như máu thịt mình rồi. Có lần chiêng vỡ tiếng, tôi khóc mất mấy ngày. Đận ấy, người ta mời tôi mang chiêng vào Tây Nguyên giao lưu nhân dịp lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong quá trình vận chuyển, một chiếc chiêng được lái xe xếp không đúng cách nên bị vỡ tiếng, kỳ cụi hàn vá mãi, đến giờ, âm thanh của nó vẫn không còn được trong như trước”, ông Xô nói, giọng bùi ngùi.
Cũng chính vì cồng chiêng đòi hỏi người đánh phải có am hiểu nhất định về cách sử dụng, thang âm, bước âm, cộng với niềm đam mê của người Mường với các âm sắc dân gian không còn như trước, nên ngày càng có ít người chơi loại nhạc cụ này.
Ngoài việc lặn lội tìm chiêng, ông Xô lại dốc sức vào việc vận động những chàng trai, cô gái trong thôn bản tham gia tập luyện cồng chiêng, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ông truyền dạy cho họ kỹ thuật đánh, cách đo âm vực cồng chiêng bằng sải tay, và truyền cả cái giá trị tinh thần vô giá của những âm thanh ấy đối với đời sống văn hóa dân tộc Mường.
Bởi, điều người đàn ông Mường này trăn trở, day dứt nhất đó là lo sợ khi những người thế hệ ông nằm xuống, con cháu không mấy người biết nắm giữ tiếng cồng chiêng. Và, liệu cái kho tàng nhạc cụ đồ sộ mà ông dành cả đời tìm kiếm có còn ai lưu giữ thay ông?
Trăn trở thế, nên trong ánh mắt ông Xô thỉnh thoảng thoáng đượm buồn. Ông tiếc. Tiếc đời con người ngắn chẳng tày gang, tiếc cho văn hóa Mường đang tan chảy hàng ngày. Ông bảo, ông đang làm một cuộc chạy đua với thời gian, chạy đua với tình trạng xâm thực văn hóa “xập xình” trong lớp trẻ. Ông chạy đua, để giữ lại cái hồn Mường.
Cứ thế, cuộc nói chuyện bằng rượu, bằng âm nhạc kéo dài mãi tưởng chừng không bao giờ dứt. Cả chủ lẫn khách đều quên rằng ngoài kia trời đã đổ chiều. Trong cái không gian đơn sơ của căn nhà sàn ấy, tôi đã ngất ngây với men rượu ngô quấn quện vào tiếng chiêng lúc trầm lắng, thẳm sâu như lời tâm tình của đôi trai gái, lúc vang vọng, trầm hùng như lời gọi bạn từ trên núi cao, chảy tràn qua kẽ lá, lay động rừng chiều.