Văn hóa

Người gìn giữ nghề làm tranh Đông Hồ

Thanh Hải 30/12/2023 - 19:07

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tưởng chừng những nét văn hóa truyền thống mang đậm chất dân gian trong tranh Đông Hồ sẽ dần phai nhạt. Thế nhưng, trong vô vàn khó khăn và thử thách, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả vẫn đang cùng gia đình ngày đêm tâm huyết, miệt mài khôi phục và làm sống lại nhiều tuyệt tác, tinh xảo của dòng tranh nổi tiếng xứ Kinh Bắc.

Gìn giữ nghề tranh truyền thống

Hỡi cô thắt bao lưng xanh

Có về làng Mái với anh thì về

Làng Mái có lịch, có lề

Có ao tắm mát, có nghề làm tranh.

Làng Mái trong câu ca trên chính là tên nôm của làng Đông Hồ, nằm cách đê sông Đuống, nay thuộc phường Song Hồ, Thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chúng tôi tìm về làng tranh Đông Hồ vào những ngày cuối năm, với mong muốn tìm hiểu, khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ bao đời nay. Trước đấy, chúng tôi đã ấn tượng với nghệ nhân Nguyễn Hữu Đạo, anh là con trai nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả tại festival làng nghề, nhưng để tường tận về những câu chuyện văn hóa đằng sau những bức tranh Đông Hồ thì phải gặp và nghe bố anh, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả chia sẻ.

Khi có mặt ở làng Đông Hồ, điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được đó chính là không khí tất bật của những ngày cuối năm tại làng tranh Đông Hồ với những chuyến hàng đi xa, ô tô nườm nượp ra vào, hàng hóa bây giờ không còn là tranh mà chủ yếu là các đồ hàng mã phục vụ cho việc tâm linh.

z4958553244612_b87ab6e8ec87bdeb18f160bcfaaf7d39.jpg
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả.

Trong làng tranh Đông Hồ, từ 17 dòng họ làm tranh nay giờ còn 2 dòng họ làm tranh dân gian gia đình là Nguyễn Hữu và Nguyễn Đăng. Anh Đạo đang bận rộn với những đơn hàng đi xa, tiếp chúng tôi là Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả. Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả tỏ rõ sự tự hào vì gia đình ông là gia đình có truyền thống 7 đời làm tranh dân gian Đông Hồ, là con trai thứ của cố Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Sam.

Tuổi thơ của ông lớn lên trong mùi thơm của hồ làm từ gạo nếp, ngủ ngon trong âm thanh giã nghiền vỏ điệp. Mê tranh từ nhỏ, từ năm lên 7, lên 8 ông Quả đã được gia đình cho tiếp xúc với nghề làm tranh Đông Hồ thông qua các công việc phụ giúp như tô màu, phơi tranh và thu dọn. 12 tuổi, ông đã quen với cách tô màu tranh, thuộc từng khuôn in các loại để biết tranh nào khuôn ấy, khuôn nào in trước, khuôn nào in sau.Thấy ông yêu nghề, cha mẹ đã chỉ cho ông tô màu tranh từ dễ đến khó, bắt đầu từ màu vàng rồi mới đến các màu khác.Mỗi bức tranh, ông được hướng dẫn với nhiều công đoạn. Cách quét màu phải nhẹ nhàng, đều tay, sao cho màu thấm vào tranh không nhiều quá, không ít quá để bức tranh phẳng như lụa, màu không gồ ghề.

Thường một bức tranh phải có 5 màu chủ đạo nên phải có 5 bản khắc, 5 lần in. Màu nhạt in trước, màu đậm in sau. Độ lệch các bản màu càng ít thì chất lượng tranh càng cao. In xong, mới in bản nét cuối cùng với đầy đủ các nét trong tranh (màu đen). Bản nét có nét to đậm, mềm mại bao quanh những mảng màu to bẹt, đồng bộ, tạo thành một đường viền làm bức tranh sắc nét. Khâu cuối cùng gọi là đồ tranh, tức là chấm sửa cho hoàn thiện. Nhanh mắt, nhanh tay lại chịu khó học nên dần dà ông thực hành không mấy khó khăn.

Được làm hoàn toàn thủ công với các công đoạn tỉ mỉ, vì thế những bức tranh ông Quả làm ra đều giữ được những tinh hoa, kỹ thuật của tranh Đông Hồ cổ. Những bản in gỗ gia đình ông coi như báu vật, có những bản in có tuổi đời hàng trăm năm vẫn được ông và gia đình gìn giữ, như một cách thức tiếp nối nghề của cha ông. Nét đặc sắc của tranh Đông Hồ chính là chất liệu làm tranh, được làm thủ công từ các nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên: giấy làm từ cây dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu đen từ lá tre đốt, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, vỏ điệp…

Những bước đi đầy trách nhiệm

Là đời thứ 14 của dòng họ Nguyễn Hữu, một trong hai dòng họ hiếm hoi còn làm tranh tại làng tranh Đông Hồ, hằng ngày nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả vẫn miệt mài bên những tờ giấy dó, cây bút vẽ và cái bàn in. Để giữ được dòng tranh truyền thống, bản thân ông và gia đình đã từng trải qua không ít khó khăn.

Hiện nay, sức tiêu thụ dòng tranh Đông Hồ giảm đáng kể, bị cạnh tranh, các xu hướng nghệ thuật phương Tây đã làm thay đổi thị hiếu và nhận thức xã hội. Dòng tranh Đông Hồ lại phải đối mặt với sự tồn vong của chính mình.

z4958553192747_e763c4e43db0cc60e3f2f491721e7e21.jpg

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả chia sẻ: Số gia đình chuyên làm tranh còn lại quá ít và đến 90% người dân trong làng đều chuyển qua làm nghề hàng mã để sinh sống, chỉ vì một lý do duy nhất là không tìm được đầu ra cho tranh. Để giữ lại được nghề tranh cho con cháu, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả chia đều công việc cho các thành viên trong gia đình. Theo ông, đây cũng là cách để truyền lại tình yêu nghề tranh cho những thế hệ tiếp theo.

Ngôi nhà 5 gian đã trở thành điểm trưng bày hàng trăm bản khắc cổ, những bức tranh lung linh sắc màu, như minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một dòng tranh truyền thống. Dẫu không ít lúc thị trường khó khăn nhưng nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả và gia đình vẫn tiếp nối nghề của cha ông. Ngoài các bản khắc cổ điển của cha ông, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, trong những năm qua, với tình yêu và sự tâm huyết với nghề tổ đã sáng tạo thêm hàng nghìn bản phục chế và khắc mới.

Không chỉ khôi phục dòng tranh, thu gom và sáng chế những bản khắc gỗ làm tranh theo phương thức truyền thống, ông và gia đình còn đau đáu những nỗi niềm là làm thế nào để có thể quảng bá rộng rãi hơn những nét tinh hoa và độc đáo trong nghề làm tranh dân gian của làng Đông Hồ đến với những bạn bè trong nước và quốc tế, cũng như có thể để lại những điều quý giá nhất mà ông và gia đình đã dày công sưu tầm, gìn giữ cho thế hệ trẻ hôm nay.

z5024773096581_b055fcdb33af7afacda7094da45bb9f5.jpg
Tác phẩm "Lúa ngô khoai sắn" của NNUT Nguyễn Hữu Quả và Nghệ nhân Nguyễn Hữu Đạo nhận giải C trong Festival làng nghề 2023.

Với sự quan tâm vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ ngày càng được đông đảo người dân trong nước và quốc tế biết đến nhờ có các dự án, chương trình làm sao quảng bá rộng lớn đến du khách trong và ngoài nước. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cũng đã triển khai thực hiện ý tưởng xây dựng tour du lịch kết nối Đông Hồ tạo thành lộ trình hấp dẫn du khách.

Ngoài hoạt động sản xuất, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Quả và gia đình không quản ngại khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động trình diễn, giới thiệu, quảng bá nghề làm tranh dân gian và tìm đầu ra cho tranh Đông Hồ ở trong nước và trên thế giới.
Năm 2015, gia đình ông đã trao tặng 26 tranh dân gian Đông Hồ cho Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để tạo điều kiện quảng bá di sản; chuyển sang Liên bang Nga để tham dự Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga. Năm 2018, gia đình đã thông qua phương tiện khoa học công nghệ hiện đại, liên hệ và gửi 169 bức tranh tham gia triển lãm quốc tế mang chủ đề “Sắc màu tranh dân gian Đông Hồ” tổ chức tại Thủ đô của Mỹ; và toàn bộ số tranh đã được du khách mua hết…

z5024776484974_595bbf31857cfd3bc17f5d8222e91c12.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả triển lãm tranh Đông Hồ tại Nhật Bản.

“Và để tranh Đông Hồ thích ứng được với thị hiếu trong xã hội hiện đại, nghệ nhân và gia đình sáng tạo mẫu mã phù hợp với thị hiếu hiện tại và tìm cách tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ. Chúng tôi đã tiến hành sáng tạo ra lịch tranh Đông Hồ, làm sổ tay, bưu thiếp giấy dó kết hợp với tranh Đông Hồ xen kẽ theo chương mục bên trong và thử nghiệm sáng tạo ra dòng tranh tô màu trên chất liệu giấy dó bên cạnh hai dòng tranh khắc gỗ và in nét thủy mặc truyền thống theo sự mở rộng kích cỡ, hình nét, kiểu dáng phù hợp với không gian ứng dụng trong ngôi nhà hiện đại” - Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cho biết.

Ðồng thời, các hoa văn tranh dân gian sẽ có điều kiện ứng dụng vào lĩnh vực thiết kế thời trang, đồ họa, nội thất, thủ công mỹ nghệ làm đậm đà thêm bản sắc truyền thống, góp phần tích cực vào câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống… Do vậy, tranh Đông Hồ cũng đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của giới trẻ nhiều hơn.Đặc biệt, nhiều năm qua, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cùng gia đình tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy cho hàng nghìn học viên ở khắp mọi nơi trên cả nước yêu mến dòng tranh Đông Hồ.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, tranh Đông Hồ vẫn giữ được chỗ đứng riêng của mình. Nhờ có tình yêu với nghệ thuật truyền thống như nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả mà tranh Đông Hồ vẫn là tài sản quý báu của nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại và tranh Đông Hồ sẽ còn mãi với thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO