Văn hóa

Người Dao trên đỉnh núi Biều

Đ. Nguyên 07/10/2023 08:20

Ở dưới chân núi Biều (Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình) có một bản làng cổ có tuổi đời gần 600 năm. Đây là nơi tập trung đông đảo người Dao Tiền sinh sống. Chính vì sống quần cư như vậy nên đồng bào ở đây vẫn giữ gìn được nhiều nét văn hoá truyền thống. Cộng với vẻ mộc mạc, hoang sơ của phong cảnh thiên nhiên, bản ngày càng thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước.

Giữ được vẻ đẹp hoang sơ

Bản Sưng nằm cách trung tâm huyện Đà Bắc chừng hơn 20km. Bản có lịch sử gần 600 năm và hiện là nơi sinh sống của hơn 400 người dân tộc Dao Tiền. Đây là một trong số ít xóm làng vẫn còn giữ nguyên trong mình những nét văn hóa truyền thống, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi vòng quay của xã hội hiện đại.

Bản nằm ở độ cao 530m so với mực nước biển, với diện tích tự nhiên trên 780 ha, trong đó bao gồm rừng tự nhiên, rừng sản xuất, đất nông nghiệp và nhà ở của người dân. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này cảnh quan tươi đẹp, đồi núi trập trùng, suối chảy bao quanh, mây bồng bềnh trên đỉnh núi. Phía trước xóm là những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, phía sau là dãy núi Biều hùng vỹ tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp đến mê lòng.

Theo những bậc cao niên tại địa phương, bản Sưng đã tồn tại từ gần 600 năm trước. Tên gọi bản Sưng, bắt nguồn từ tên của cây Sâng, một loại cây bản địa trước đây được trồng rất nhiều tại khu vực, nhưng do khó gọi nên người dân chuyển dần cách gọi tên là bản Sưng. Hiện tại, bản Sưng là nơi sinh sống của 75 hộ dân là người dân tộc Dao Tiền.

161359-2.jpg
Bản Sưng Hòa Bình nằm nép mình bên núi Biều hùng vĩ.

Tại bản Sưng, người dân coi rừng là bạn, cùng cộng sinh với nhau để phát triển. Ông Lý Hồng Minh - một trong những già làng được mọi người kính trọng gọi với cái tên thân thương là “Bố Minh” - chia sẻ: “Từ đời cha ông đã căn dặn chúng tôi phải giữ rừng. Cho đến tận bây giờ, chúng tôi tự tin là mình vẫn làm tốt điều đó. Bằng chứng là mảnh rừng nguyên sinh vẫn được bảo vệ tốt. Kể cả đời con cháu sau này, chúng tôi luôn dạy phải giữ lấy mảnh rừng này.

Không chỉ rừng, mọi thứ nhiều tuổi ở bản đều được người dân bảo vệ, chăm sóc, như cây dổi hàng trăm năm tuổi mọc giữa bản được cả làng bảo vệ. Hạt dổi luôn được các cô, cậu bé và người dân săn đón. Vì là cây quý, dân bản không cho phép bất cứ ai leo lên cây thu hoạch, hạt nào rơi xuống đất, người may mắn sẽ nhặt được và trở thành của người đó".

Những căn nhà ở bản Sưng được dựng bằng gỗ, mái lợp bằng lá cọ, ở chính giữa nhà là bếp nấu, phía trên là gác bếp để chứa các vật dụng và đồ ăn cần bảo quản, tránh ẩm mốc. Phía trước hiên nhà là sân phơi nông sản được kè bằng đá. Nhà này nối tiếp nhà kia. Lối đi được lát thành những bậc thang thoai thoải theo triền dốc của núi Bều.

Đồng bào ở đây thường không xây tường hay hàng rào quanh nhà. Với quan niệm đâu cũng là đường, họ đi tắt qua nhà nhau để lên nương hay về nhà hoặc sang nhà thăm hỏi nhau. Cuộc sống ở bản làng quanh năm yên ả, nhẹ nhàng.

3fc6525eb8f362ad3be2.jpg
Một nét đẹp văn hóa mà bản Sưng vẫn còn giữ được cho đến ngày nay chính là những căn nhà lợp bằng lá cọ.

Đến bản Sưng không chỉ hưởng một cuộc sống nguyên sơ, thưởng lãm một bản làng xinh đẹp bên cạnh những cánh rừng xanh thẫm, khám phá hang động, hít hà đầy ngực bầu không khí thanh lành, tránh xa những âm thanh náo nhiệt của thành phố. Bản Sưng còn là bản làng hiếm hoi cách thủ đô không xa, chứa đựng những điều nguyên bản đến kỳ lạ của một tộc người.

Đến với bản Sưng, du khách không chỉ được khám phá những nét đẹp thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ như rừng Sưng và hang Sưng mà còn được trải nghiệm nền văn hóa, ẩm thực đa dạng. Ẩm thực ở bản Sưng mang đậm phong vị núi rừng và nét truyền thống của người Dao Tiền với những món ăn dân dã như: Lợn thả rông, thịt chua, gà đồi, cá sông Đà, rau rừng…

Ngày nay, với giao thông đi lại thuận tiện và sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, ẩm thực của các dân tộc Mường, Dao, Thái… trên vùng đất Hòa Bình cũng có sự biến tấu, sáng tạo để thu hút du khách. Các món ăn thường được bà con bày trên chiếc mâm hoặc mẹt tròn bằng lá chuối rừng loại bánh tẻ, hơ qua lửa cho dẻo và giữ mùi thơm ngai ngái đặc trưng, biểu tượng cho sự gắn bó của cư dân với núi rừng và được gọi là cỗ lá.

162127-6.jpg
Mâm cỗ lá ở bản Sưng.

Phát huy văn hóa của người bản địa

Cùng với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của những cánh rừng tự nhiên, nơi đây còn giữ được nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Dao Tiền. Các sản phẩm thêu ở bản Sưng đều được làm thủ công.

Để tạo được hoa văn trên vải, họ lấy sáp ong bỏ vào nồi nước đun sôi, lọc lấy phần nước trong, cô đặc lại rồi để nguội. Sau khoảng ba ngày sẽ đóng lại thành khối sáp mịn màng. Mỗi lần in hoa văn, người ta lại lấy một ít sáp, đặt trên chiếc bát giữ nóng bằng than hoa. Sáp tan chảy, họ lấy chiếc bút vẽ bằng đồng nhúng vào đó rồi in hoa văn lên vải sau đó đem đi nhuộm chàm, giặt, phơi khô rồi lặp lại công đoạn ấy bao lần, sáp ong mới tan ra để lại những hoa văn trắng cầu kỳ nổi bật trên thổ cẩm. Từ khi phát triển du lịch, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến đây.

Chị Lý Thị Nhất ở Tổ thổ cẩm Dao Tiền bản Sưng cho biết: “Nhóm sản xuất thổ cẩm được chia thành 3 tổ, tương ứng là 3 công đoạn để hoàn thành một sản phẩm, gồm thêu, in sáp ong và nhuộm. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm, cùng chị em chúng tôi làm 3 công đoạn đó để tạo ra một sản phẩm thổ cẩm. Cuối ngày, họ có thể mang về sản phẩm do chính tay mình làm ra. Đó cũng là cách chúng tôi bán sản phẩm để có thêm thu nhập”.

den-ban-sung-du-khach-duoc-chiem-nguong-hinh-anh-nhung-co-gai-dao-tien-theu-thua-det-vai-lam-nen-nhung-bo-vay-ao-ruc-ro-mang-dam-ban-sac-dao-tiendao.jpg
Đến bản Sưng, du khách được chiêm ngưỡng nghệ thuật thêu, dệt của người Dao Tiền.

Và hiện nay, nghề thuốc nam cũng là một nghề truyền thống của người dân bản Sưng. Sống dựa vào thiên nhiên nên bà con có kinh nghiệm đi rừng, tìm thuốc chữa bệnh. Chỉ bằng những lá, rễ, thân cây rừng… họ đã có thể chế ra nhiều bài thuốc dùng để tắm, để uống, để ăn, để chăm sóc sức khỏe rất hữu ích.

Trước đây, bà con chỉ lấy về để các thành viên trong gia đình tắm, vì thuốc có tác dụng xoa dịu những cơn đau về xương, khớp. Từ khi có khách du lịch đến thì các bài thuốc mới trở thành sản phẩm và dịch vụ.

Đến thời điểm hiện tại, bản Sưng đã xây dựng một nhà xưởng sơ chế dược liệu, cung cấp thiết bị, thiết kế và sản xuất nhãn và bao bì, tập huấn cho tổ dược liệu phương thức thu hái bền vững, xây dựng công thức dược liệu và phát triển được một số sản phẩm như trà giảo cổ lam ngọt, lá tắm thảo dược, xịt muỗi thảo dược và cồn xoa bóp gừng đỏ.

Cùng với duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, làm thuốc nam, bà con trong bản còn khôi phục được nghề làm giấy dó. Lâu nay, người dân thường lấy cây dó (và cả cây dướng) mọc trong các khu rừng về làm thức ăn cho lợn, hoặc bán rẻ cho thương lái.

Kể từ khi có sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể về tập huấn, kỹ thuật, hỗ trợ thành lập tổ nhóm mô hình, hỗ trợ các vật dụng cho nhóm thực hiện và đặc biệt là việc quan tâm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nên nghề làm giấy dó của người dân bản Sưng đã phục hồi, phát triển. Ngoài sản phẩm giấy truyền thống, một số doanh nghiệp đã thiết kế mẫu mã, tạo ra các sản phẩm nghề truyền thống: Như hoa tai, sổ tay, bưu thiếp, đèn lồng… để bán cho khách du lịch.

Có thể thấy, nhờ những nét văn hóa truyền thống còn lưu giữ được mà bản đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách. Khi du lịch phát triển cũng tạo động lực để người dân tiếp tục bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đó chính là nền tảng để phát triển du lịch bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân nơi đây.

Du lịch cộng đồng - mô hình sinh kế mới

Bà Bàn Kim Quy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: “Trước đây, đời sống của người dân trong bản Sưng còn gặp nhiều khó khăn do chỉ sống dựa vào làm lâm nghiệp và nông nghiệp. Ngày nay, cuộc sống của bà con đã có nhiều khởi sắc, do được các tổ chức, dự án đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng”.

Từ năm 2017, với sự trợ giúp của một số tổ chức phi chính phủ và những người yêu thiên nhiên, người Dao bản Sưng đã bắt tay vào làm du lịch, quyết tâm biến những gì thiên nhiên ban tặng thành sinh kế mới. Theo đó, bản Sưng chọn ra 3 hộ gia đình thử nghiệm làm du lịch cộng đồng. Các hộ dân được tập huấn kỹ năng làm du lịch, từ bài trí homestay, nấu ăn, cho đến cách phục vụ du khách.

Với lợi thế vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, những phong tục tập quán của dân tộc Dao đã, đang được lưu truyền dần trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu là lễ hội mừng xuân dân tộc Dao, lễ cấp sắc, lễ đặt tên và các điệu múa dân gian như múa chuông, múa chèo, múa xoè được đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở khai thác, phát huy… Nghề thủ công truyền thống in thêu thổ cẩm được lưu giữ và phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ khách du lịch. Do đó, xóm Sưng đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước.

dsc01408.jpg
Nhờ chuyển đổi sang làm du lịch, bản Sưng được biết đến nhiều hơn, đời sống của người dân cũng thay đổi.

Nhờ chuyển đổi sang làm du lịch, bản Sưng được biết đến nhiều hơn, đời sống của người dân cũng thay đổi. Có thời điểm, hàng chục đoàn khách, phần lớn là người nước ngoài tìm đến khám phá và lưu trú ở bản. Chính vì thế, các dịch vụ khác cũng theo đó mà phát triển, giúp người dân có thêm thu nhập, các giá trị văn hóa truyền thống cũng được tôn vinh, gìn giữ.

Các hộ kinh doanh homestay đã nắm bắt yêu cầu thực tiễn, không ngừng cải tiến trang thiết bị, đầu tư phương tiện đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách như phục vụ những món ăn truyền thống, biểu diễn văn nghệ dân tộc, đưa du khách đi bộ quanh bản, leo núi, khám phá hang động. Đồng thời tổ chức các hoạt động cho khách trải nghiệm lối sống của đồng bào dân tộc Dao như: cấy lúa, nấu ăn, đánh bắt cá, thăm đồi chè và xưởng sản xuất chè shan tuyết cổ thụ núi Biều do người dân trồng, thu hoạch, chế biến, đóng gói ngay tại xóm, tìm hiểu cách nhuộm vải và thêu thổ cẩm… Chính vì thế mà lượng khách đến với xóm Sưng năm sau cao hơn năm trước.

Chị Lý Sao Mai, điều phối viên du lịch cộng đồng Đà Bắc tại bản Sưng chia sẻ: Mô hình du lịch cộng đồng đã tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là mô hình kinh doanh bền vững khai thác thế mạnh của người dân, đồng thời vẫn gìn giữ, phát huy được cảnh quan môi trường tự nhiên, bản sắc dân tộc.

Nhờ có du lịch mà cảnh quan môi trường ở bản Sưng cũng được gìn giữ theo hướng Xanh – Sạch – Đẹp. Trong thời gian tới, bản Sưng sẽ thành lập thêm tổ dệt thổ cẩm, khôi phục nghề làm giấy dó của dân tộc Dao… Đồng thời, phát triển thêm một số hộ tham gia hoạt động dịch vụ du lịch cộng đồng để đáp ứng như cầu của khách du đến tham quan, khám phá và trải nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO