Người Ba Na trên đất Tây Nguyên

17/07/2022 03:01

(DTTG) Ba Na là một trong những dân tộc thiểu số đông dân cư nhất tại Tây Nguyên. Địa bàn cư trú của họ khá rộng, trải dài từ phía Nam của tỉnh Kon Tum cho đến phía Bắc của tỉnh Gia Lai và phía Tây tỉnh Bình Định. Tuy phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển cũng như thăng trầm lịch sử, song dân tộc này vẫn giữ được nhiều nét văn hóa hết sức riêng biệt.

Bà Y Trech: “Dệt thổ cẩm rất khó, mất nhiều thời gian và công sức”
Bà Y Trech: “Dệt thổ cẩm rất khó, mất nhiều thời gian và công sức”

Dân tộc giàu bản sắc

Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đồng bào Ba Na có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và giàu bản sắc. Bản sắc đó thể hiện ở nhiều mặt cuộc sống, từ dệt vải cho đến dựng nhà, các lễ hội, phong tục hôn nhân gia đình… Tới nay, cuộc sống nhiều biến đổi song những gì thuộc về bản sắc thì vẫn được giữ gìn, phát huy.

Đối với người Ba Na, nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời. Sản phẩm thổ cẩm dệt bằng tay của người Ba Na nổi tiếng bởi những hoa văn trang trí rất tinh tế. Không chỉ đẹp về hình thức, mà trong mỗi sản phẩm dệt truyền thống còn ẩn chứa sắc thái văn hóa, thể hiện một tâm hồn phong phú, phóng khoáng.

Ngày xưa, các thiếu nữ Ba Na ngay từ lúc 12, 13 tuổi đều được bà hay mẹ chỉ cho cách dệt vải, dệt thổ cẩm. Trước khi lấy chồng, các cô phải tự dệt cho mình một bộ y phục thật đẹp ra mắt mọi người. Để dệt bộ y phục này, các cô gái phải tốn rất nhiều công sức và tâm huyết.

Vào dịp lễ hội truyền thống của dân làng, cô gái nào có bộ váy áo đẹp sặc sỡ thì sẽ được đánh giá là người chăm chỉ, giỏi giang; nếu là con gái chưa chồng thì được trai làng để ý. Chính vì thế mà hầu như bất cứ người phụ nữ Ba Na nào cũng biết thêu thùa, dệt vải. Và nó như là một “tiêu chí” để người ta đánh giá về sự đảm đang, tháo vát và khéo léo của người con gái. 

Do được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ thế nên trong các dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên, nghề dệt vải của người Ba Na rất nổi tiếng. Họ có kỹ thuật dệt tinh tế, làm ra những bộ trang phục, những tấm chăn, tấm thảm rất đẹp. 

Để tạo màu cho sợi vải, bà con hoàn toàn dựa vào các loại cây trên rừng. Họ giã nát cây chàm ngâm nước ba ngày đêm rồi cho vào một ít vôi bột, đưa búp vải vào khuấy đều, sau một đêm vớt ra sẽ có những sợi vải mầu đen. Và cũng do phải làm công việc này thường xuyên nên bàn tay của người phụ nữ Ba Na ngày xưa hay bị thâm đen. Còn muốn có chỉ mầu vàng thì họ dùng củ Ktrơn để nhuộm. Muốn có mầu đỏ thì dùng vỏ cây Kxan ép lấy nước...

Nguyên liệu dệt vải thời xa xưa của đồng bào Ba Na chủ yếu làm từ bông. Để làm được một tấm vải phải trải qua nhiều công đoạn, như lấy bông, cán bông, cào sợi, se sợi rồi đến nhuộm màu. Còn giờ đây, tuy phụ nữBa Na vẫn dệt theo cách truyền thống, songnguyên liệu là từ sợi công nghiệp mua ngoài chợ. Chỉ duy có khâu trang trí hoa văn, mầu sắc là vẫn làm theo cách truyền thống.

Theo bà Y Trech, ở làng Kon Klor, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum thì dệt thổ cẩm rất khó, mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra một tác phẩm đẹp. Cứ một tấm vải 1m thì mất 3 - 4 ngày nếu dệt liên tục. Dệt vải cũng yêu cầu người phụ nữ phải tỉ mỉ, khéo léo. Sản phẩm từ thổ cẩm rất phong phú, họa tiết trên thổ cẩm thì chủ yếu là do khách hàng đặt. Mỗi họa tiết sẽ có công thức riêng, đó là đếm số lượng sợi chỉ cho phù hợp, sau đó phối màu và dệt cho ra sản phẩm. Chính vì vậy, mỗi tấm thổ cẩm thường có giá từ 1 - 2 triệu đồng.

Chính vì phải mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra một tác phẩm thế nên nghề dệt vải của người Ba Na đã và đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong xu thế phát triển kinh tế thị trường, các sản phẩm dệt thủ công nói chung bị cạnh tranh khốc liệt. Hơn nữa, số người biết dệt vải, dệt thổ cẩm hiện nay đã cao tuổi. Nếu không nhanhchóng tìm được thế hệ kế tục thì rất có thể nghề truyền thống độc đáo này sẽ không còn.

Những cô gái Ba Na được dạy thêu thùa, dệt vải từ khi còn nhỏ
Những cô gái Ba Na được dạy thêu thùa, dệt vải từ khi còn nhỏ

Kho tàng âm nhạc phong phú

Nhắc đến những giá trị truyền thống của dân tộc Ba Na thì không thể không nhắc đến âm nhạc. Bởi dân tộc này có một kho tàng âm nhạc truyền thống vô cùng phong phú, sinh động, gồm nhiều điệu hát trữ tình như điệu Ayêl, Acheo, Snăh, Chăm đeo, Yoh, Mon... và nhiều loại nhạc khí độc đáo như K’ní, T’rưng, Đinh goong, Krênh-nênh, Kleng-klep, Khing khung, Hy hơ và điển hình nhất vẫn là bộ nhạc khí gõ cồng chiêng.

Đối với người Ba Na, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý và là tài sản có giá trị nhất trong đời sống tinh thần. Âm vang cồng chiêng luôn luôn gắn bó chặt chẽ với vòng đời của mỗi con người. Kể từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến 3 tháng tuổi, đứa trẻ đã được âm vang cồng chiêng dẫn dắt, gia nhập cộng đồng qua lễ “thổi tai”; lớn lên theo tiếng chiêng tiếng cồng của hội mùa, hội chọi trâu, mừng lúa mới, đám cưới... để xây đắp hạnh phúc cuộc đời. Và khi từ giã cõi trần có tiếng chiêng Pơ sắt, chiêng Atâu tiễn biệt về Giàng (Yang). 

Cồng chiêng Ba Na còn gọi là H’đuk, Anap, Knach... thuộc họ nhạc khí tự thân vang. Mặt cồng chiêng thường có cấu tạo hình tròn (có núm hoặc không có núm), được đúc bằng đồng, đồng pha gang, đồng pha vàng hoặc đồng pha đồng đen. Loại có núm ở giữa gọi là cồng (chiêng núm), còn loại không có núm ở giữa thì gọi là chiêng (chiêng bằng). Kích thước chiêng to, nhỏ khác nhau. Chiêng nhỏ nhất có đường kính 20 cm, chiêng lớn nhất 100 cm. 

Độ dày, mỏng của mỗi chiếc chiêng thì phụ thuộc vào kích cỡ chiêng to hay chiêng nhỏ. Chiêng to phải có hai người khiêng hoặc treo trên giá cố định. Chiêng nhỏ buộc dây xách bằng tay trái, tay phải cầm dùi gõ. Dùi chiêng làm bằng gỗ, đầu gõ có núm tròn bọc vải hoặc da thú. Cũng có khi không dùng dùi mà đánh chiêng bằng bàn tay, âm thanh nghe không vang to nhưng êm dịu, mềm mại.

Dàn (bộ) cồng chiêng của người Ba Na ít nhất phải có 3 chiếc cồng, 5 chiếc chiêng. Còn dàn cồng chiêng hoàn chỉnh phải có từ 4-6 cồng và 8-10 chiêng. Mỗi chiếc chiêng có tên gọi riêng như Pêt, Pơ glek, Char, Ana, Knah di... sắp xếp theo thang 5 âm và theo từng âm khu cao thấp khác nhau gọi làchiêng cha, chiêng mẹ, chiêng con. 

Ngoài ra, đi kèm với dàn cồng chiêng hoàn chỉnh còn có thêm các nhạc khí hỗ trợ khác như lục lạc (Krênh-nênh), xập xõa (Klenh-klep), trống lớn... Những bộ cồng chiêng quý nhất thường có âm thanh đẹp, âm trầm vang xa, âm cao lảnh lót, đánh liên tục mấy ngày, mấy đêm vẫn không bị rè, méo tiếng, chùng âm. Theo các già làng thì mỗi bộ chiêng như thế trước đây đổi được từ 50-60 con trâu mộng.

Người Ba Na đánh chiêng trong các dịp lễ hội truyền thống, tín ngưỡng như lễ “thổi tai”, trừ tà, cầu mưa, mừng lúa mới, đám cưới... Nhưng có thể nói, lễ đâm trâu là đặc trưng nhất trong các nghi lễ truyền thống của người Ba Na. Trong những ngày lễ đó, dân làng dâng lễ cúng tế trời đất, các vị thần linh và cũng là ngày hội của âm nhạc, phản ánh tập tục, tín ngưỡng và sức mạnh tinh thần của cộng đồng.

Âm nhạc và đặc biệt là cồng chiêng có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ba Na
Âm nhạc và đặc biệt là cồng chiêng có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Ba Na

Nhiều lễ hội truyền thống

Trong cuộc sống, lễ hội là điều không thể thiếu. Người Ba Na cũng vậy. Họ có rất nhiều lễ hội như Lễ tạ ơn cha mẹ, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ tạ ơn thần lúa... Những lễ hội này không chỉ là dịp để đồng bào tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu mà còn là dịp vui chơi, đánh cồng chiêng, uống rượu cần... Và cũng là dịp để người Ba Na thể hiện tài năng chế biến những món ăn vô cùng độc đáo.

Trước khi tổ chức mỗi lễ hội, già làng thường tổ chức cho dân  trong buôn phát dọn đường đi sạch sẽ, sửa sang nhà rông, bến nước, dọn vệ sinh các con đường. Đồng bào còn chuẩn bị những hình nộm người làm bằng các vật liệu, sản vật sẵn có trong tự nhiên hay từ những sản phẩm nông nghiệp. 

Tùy vào điều kiện kinh tế cũng như lễ hộimà người dân trong buôn cúng cho Yang những lễ vật hiến sinh phù hợp. Thông thường, lễ vật cúng các vị Thần của người Ba Na là bò, heo, dê, gà… Những năm gần đây, bà con Ba Na thường chọn dê làm con vật hiến sinh. Bởi theo quan niệm của đồng bào, dê là con vật linh thiêng, là “anh cả” của các con vật được nuôi trong làng.

Vào ngày lễ hội, tất cả thành viên trong buôn đều tập trung trước nhà rông để làm lễ cúng Thần. Già làng là người chủ trì buổi lễ. Già làng cầm khiên, đao đi đầu, bên cạnh là một thanh niên đeo mặt nạ cầm mác, tiếp sau là những thanh niên mang theo hình nộm. Tiếp nữa là các thiếu nữ cầm cây lá đót. Cuối cùng là đội cồng chiêng và đi sau là toàn thể dân trong buôn.

Giờ phút được chờ đợi nhất của lễ hội đó là lúc già làng làm lễ cầu khấn các thần linh phù hộ, còn người dân thì làm các động tác hú gọi xua đuổi tà ma trong tiếng cồng chiêng nổi lên dồn dập. Việc xua đuổi những con ma xấu diễn ra cho đến khi đoàn người đi hết khắp buôn làng, đuổi dồn về cuối buôn. Lúc này, tất cả các đạo cụ như hình nộm, lá đót, mặt nạ… được dân bỏ lại, rồi đoàn người  quay về tập trung tại nhà rông. Ngay sau phần lễ, tất cả dân làng cùng đánh cồng chiêng, trình diễn trang phục cổ truyền, uống rượu cần, ăn một bữa chung vui và ca hát.

Ngoài ra, người Ba Na còn tổ chức Lễ cúng Nhà rông mới, Lễ hội cúng đất làng, Lễ hội con dúi,… Mỗi Lễ hội lại có những nét đặc trưng với hệ thống nghi lễ độc đáo gắn với từng thời kỳ và lí do cụ thể. Trong lễ hội, dân làng sống hết mình với những lời ca, điệu múa, nghe tiếng cồng chiêng rộn rã, thưởng thức những món ăn, tham gia những trò chơi lý thú. Những lễ hội ấy đã tạo cho mỗi người dân sự phấn khởi tràn đầy và cóthêm niềm tin trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO