Nghệ nhân dân gian Hoàng Liên Sơn, thôn Bản Nhùng, xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, là người nổi tiếng làm nên những cây đàn tính thấm đẫm hồn cốt của người dân nơi đây.
Nghệ nhân Hoàng Liên Sơn, thôn Bản Nhùng, (Năng Khả, Na Hang) là cái tên không còn xa lạ đối với những người yêu thích hát Then, đàn Tính ở trong và ngoài xã. Ông không chỉ là người lưu giữ những làn điệu Then ở địa phương mà còn truyền dạy cho thế hệ trẻ, các em học sinh biết hát Then, chơi đàn Tính, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, ông là người đã trồng thành công giống bầu tròn, một giống bầu quý để từ đó tự tay làm ra những chiếc đàn Tính với âm thanh réo rắt vang xa khắp miền sơn cước.
Người biết đàn, biết hát Then ở Na Hang rất nhiều, nhưng không phải ai cũng biết cách để làm ra một chiếc đàn Tính. Trước cửa nhà ông Sơn lúc nào cũng có một giàn bầu tròn, mùa nối mùa xanh tốt. Trong nhà anh cũng xếp nhiều quả bầu khô với đủ kích cỡ khác nhau.
Theo ông Sơn thì mùa thu hoạch quả bầu khoảng tháng hai hàng năm. Quả bầu sau khi phơi khô sẽ được cưa ra, bỏ hạt, làm sạch để làm bầu đàn.
"Phần mặt đàn truyền thống trước đây được làm bằng giấy bản, gắn với bầu đàn bằng nhựa củ nâu. Ngày nay, mặt đàn thường được làm bằng tấm gỗ ép, nhanh và tiện lợi hơn rất nhiều. Phần cần đàn được làm bằng gỗ cây thực mực với tiêu chí nhẹ và chắc. Gỗ cây mỡ, cây keo cũng có thể làm đàn nhưng khiến chiếc đàn nặng hơn", ông Sơn chia sẻ.
Bằng việc sử dụng các công cụ hiện đại như dao, bào, tấm gỗ ép, việc làm chiếc đàn Tính đòi hỏi sự tỉ mỉ đã được rút ngắn thời gian rất nhiều, từ 20 ngày nay chỉ còn 7 ngày. Vì vậy, mỗi năm ông Hoàng Liên Sơn làm từ 15 đến 20 chiếc đàn Tính để tặng, bán cho những người muốn học đàn hay dùng để làm quà lưu niệm với giá khoảng 800 nghìn đồng/chiếc.
Bên bếp lửa nhà sàn, ông Sơn chia sẻ thêm về những ngày đầu tiên học đàn Tính và tập hát những điệu Then cổ. Khi ông khoảng 10 tuổi và thường hay qua bên nhà thầy Then gần nhà xem hát, xem cúng. Rồi dần dần, thầy Then thấy ở cậu bé Sơn có sự yêu thích và đam mê với nghi lễ Then nên đã nhận làm học trò, truyền dạy lại cho cách đánh đàn Tính, cách hát những bài Then cổ.
Hiện tại, Nghệ nhân Hoàng Liên Sơn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn Tính, hát Then xã Năng Khả với trên 60 thành viên trong xã và các xã lân cận như Sơn Phú, Thanh Tương… Trong đó, có nhiều thành viên nhỏ tuổi đã được ông truyền dạy hát Then, đàn Tính. Qua đó, giúp các em thêm yêu và biết gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Em Ma Thị Ngọc Khánh là một trong những học trò trẻ tuổi nhất của ông Sơn, chỉ mới 12 tuổi nhưng em đã thành thạo đánh đàn Tính, thuộc 16 bài hát Then, trong đó có cả những bài Then cổ.
Em Khánh nói, thầy Sơn chỉ dạy rất tỉ mỉ, sau khi học xong đàn thì mới học hát. Khi biết đánh đàn và hát thành thạo nhiều bài Then, em và các bạn rất thích, càng say mê tập luyện hơn. Vui nhất là chúng em được cùng các thành viên trong Câu lạc bộ biểu diễn phục vụ người dân địa phương.
Không chỉ làm nhiệm vụ truyền dạy lại cho lớp trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày, ông Hoàng Liên Sơn còn đang mày mò, sáng tác những làn điệu, những bài hát mới, từ đó góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật của dân tộc Tày.