Hát ví đu hay còn gọi là hò đu là một trong những hình thức diễn xướng dân gian đã có tự lâu đời trong văn hóa của đồng bào người Mường huyện Yên Lập (Phú Thọ), nhất là trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Trong trí nhớ của nghệ nhân Đinh Tiến Nho - Khu Hon 1, xã Xuân An: “Từ thế hệ cha ông chúng tôi đã sáng tác, lưu truyền những câu hát ví đu. Đến nay, chưa có một tài liệu hay một ghi chép cụ thể nào về nguồn gốc lịch sử của loại hình nghệ thuật này. Duy nhất, một tấm ảnh người Pháp chụp cảnh người dân vui chơi hát ví đu tại Lễ hội Đền Hùng năm 1920. Nhiều nghệ nhân tin rằng hát ví đu ra đời từ trước đó cả thế kỷ".
Đu là một trong những hình thức vui chơi có tính vận động dành cho nam nữ thanh niên, rất phổ biến ở các ngày lễ Tết đầu năm và hội làng vào mùa xuân. Ngoài đu nhún (đu bay) là hình thức chơi đu phổ biến của người Kinh trên khắp cả nước, ở Phú Thọ, vùng Yên Lập tồn tại đu cọn (đu quay, đu xe, đu tiên) phổ biến ở các bản đồng bào dân tộc. Đu cọn (được lấy cảm hứng từ chiếc cọn dẫn nước vào ruộng đồng) có bàn ngồi. Số lượng bàn ngồi sẽ tùy theo kích thước đu, to thì tám đến mười bàn, nhỏ thì bốn đến sáu bàn. Gỗ và vật liệu để dựng đu dễ tìm ở trên rừng hoặc trồng trong vườn nhà. Trụ cái thường được làm từ gỗ thân cây dọc, có đường kính lớn khoảng 40cm, cánh quay và bàn ngồi có đường kính nhỏ hơn từ 15 - 20cm, buộc cố định bằng dây giang dẻo dai.
Cứ đến khoảng mùng ba tháng Giêng âm lịch, sau khi các lễ cúng mừng năm mới tươm tất, người Mường bắt đầu dựng đu để cho nam thanh nữ tú, dân làng đến chơi hội. Ba năm trở lại đây, khu Phú Thịnh, khu Đá Trắng (xã Lương Sơn) đã khôi phục lại truyền thống hát ví đu vui hội chơi xuân phục vụ bà con nhân dân. Trang phục khi hát ví đu là trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Nữ thì mặc yếm, ngoài khoác áo pắn màu trắng hoặc vàng, váy nhung đen, đầu đội bít - trôôc (khăn) cổ đeo vòng bạc, eo thắt xà tích. Nam thì mặc áo lụa nâu sồng, đầu chít khăn.
Hát ví đu thường thể hiện theo hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ. Lời bài hát được các bên sáng tạo, biến hóa cho phù hợp với hoàn cảnh. Nội dung thường xoay quanh tình yêu nam nữ, phản ánh đời sống thường nhật, ca ngợi quê hương, đất nước, vui xuân trẩy hội. Những câu hát giao duyên hò hẹn kín đáo nhưng không kém phần duyên dáng, tình tứ như:
“Đồn rằng khách lạ đến làng
Để anh xin bắc cầu vàng sang chơi
Đồn rằng khách lạ tới nơi
Để anh xin bắc cầu cơi sang chào”.
Xưa kia, hát ví đu thường kéo dài hết tháng Giêng. Người dân say sưa hát đối đáp cả ngày cả đêm. Nhiều mối lương duyên được se từ những đêm hát tâm tình mùa xuân ấy. Trải qua những năm tháng chiến tranh và đời sống nhân dân miền núi còn nhiều khó khăn, hát ví đu có thời gian bị mai một, đứt đoạn. Người trẻ ngày nay ít biết và nói tiếng Mường trong đời sống thường nhật, nhất là những từ ngữ gốc, nên hát ví đu giờ đây chủ yếu còn ở lứa tuổi trung niên.
Để bảo tồn các loại hình nghệ thuật dân gian của đồng bào người Mường Yên Lập, tháng 8/2023, Sở VHTT&DL phối hợp với UBND huyện Yên Lập tổ chức lớp truyền dạy múa trống đu, múa Sênh Tiền, hát ví đu cho 274 học viên là người dân tộc Mường trên địa bàn huyện. Đây là một trong những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, ban ngành chức năng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Mường huyện Yên Lập.
Tại lớp học, người dân được các nghệ nhân truyền dạy từ lời hát, cách thức diễn xướng, kỹ thuật sao cho sát với nghi thức truyền thống có từ xa xưa. Đây là tâm huyết được các nghệ nhân ghi chép, biên soạn những làn điệu cổ mang đậm bản sắc văn hóa xứ Mường Yên Lập.
Đồng chí Đinh Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: “Những năm qua và thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn để nhân rộng mô hình lớp học truyền dạy hát ví đu đến đông đảo bà con nhân dân trong huyện, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Mường Yên Lập, nhất là ở thế hệ trẻ. Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 của tỉnh Phú Thọ”.
Không khí mùa xuân đang về trên khắp các bản làng. Làn điệu hát ví đu đang hòa chung thanh âm của núi rừng, như lời chúc cho một năm mới mưa thuận gió hòa, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc.