Ngăn chặn tà đạo nơi biên giới

09/06/2021 01:09

(DTTG) Lai Châu là một tỉnh miền núi biên giới, có tới 20 dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số, cùng chung sống. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào, nhiều cá nhân, hội, nhóm đã tập trung về đây tổ chức truyền đạo trái phép. Thậm chí nhiều kẻ còn “mượn lời” Thánh, Thần, Đức Chúa Trời... để lừa phỉnh tiền bạc của người dân, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến an ninh chính trị địa phương.

Mội buổi truyền đạo của Hội đức chúa trời.
Mội buổi truyền đạo của Hội đức chúa trời.

Lợi dụng sự cả tin của đồng bào

Vào khoảng đầu năm 2018, Công an thành phố Lai Châu đã triệt phá một ổ nhóm tuyên truyền đạo trái pháp luật được gọi là “Hội thánh đức chúa trời”. Việc phá ổ nhóm này không chỉ đưa các đối tượng xấu ra trước ánh sáng công lý mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người nhẹ dạ, cả tin vào những điều phi lý.

Được biết, nhóm đối tượng trên thuộc tổ chức được gọi là “Hội thánh đức chúa trời” hoặc “Đức chúa trời mẹ” này bắt đầu lên Lai Châu “hành nghề” truyền đạo từ cuối năm 2016. Với âm mưu lôi kéo quần chúng, tập hợp tín đồ nhằm thu lợi bất chính từ tiền “dâng phẩm” của tín đồ, gây mất an ninh chính trị ở thành phố Lai Châu nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung.

Cầm đầu nhóm này gồm 3 đối tượng: Vi Văn D (SN 1983, trú quán Hồng Giang - Lục Ngạn - Bắc Giang); Chu Thị H (SN 1981, trú quán Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Nội) là vợ của D và Phạm Văn Đ (SN 1991, trú quán Keo Lôm, Điện Biên Đông, Điện Biên). Nhằm tránh sự theo dõi cũng như dễ bề chống đối khi bị các lực lượng chức năng ập đến, các đối tượng thuê một căn nhà kiên cố trên địa bàn thành phố làm nơi tụ tập cầu nguyện, phát triển tín đồ.

Với vỏ bọc là nhân viên bán nhu yếu phẩm như thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm tự chế, quần áo, túi nilon…, địa bàn hoạt động chính của những đối tượng này là những nơi tập trung đông dân cư sinh sống như chợ, nhà trọ, ký túc xá các trường học, các khu vực giáp ranh giữa các huyện...

Các đối tượng tìm cách tiếp cận và tìm kiếm những người có trình độ nhận thức thấp, các tiểu thương, những người có cuộc sống gia đình bất hạnh, rủi ro, thiệt thòi, những sinh viên có thành tích học tập thấp, những người bất mãn với cuộc sống… đang cần đến “sự đền bù hư ảo”, thỏa mãn nhu cầu về tâm linh.

Sau khi đã tiếp cận được “con mồi”, chúng thường “khoét” sâu vào những bất hạnh, thất bại trong cuộc sống của mỗi người, khiến họ cảm thấy đau khổ, không còn lối thoát nào khác ngoài bám víu vào sự đền bù của đấng siêu nhiên là “Đức chúa trời mẹ”. Khi “con mồi” đã cắn câu, các đối tượng này sẽ dụ dỗ, lôi kéo “nạn nhân” đến các điểm thuyết giáo, giảng đạo để họ thêm “thấm” thêm giáo lý và tư tưởng của “Đức chúa trời”.

Một số tài liệu truyền đạo và nước thánh của tà đạo bị Công an Lai Châu thu giữ.
Một số tài liệu truyền đạo và nước thánh của tà đạo bị Công an Lai Châu thu giữ.

Một điều tra viên Công an thành phố Lai Châu, cho biết, khi tiếp cận học sinh, sinh viên, các đối tượng này thường nói rằng đi theo “Đức chúa trời mẹ” sẽ thông minh, sáng dạ, học giỏi hơn. Còn đối với những người thất bại trong sản xuất, kinh doanh bọn chúng sẽ nói đi theo “Đức chúa trời mẹ” sẽ được che chở, được ban phép màu và gặp may mắn trong làm ăn. Những người gặp bất hạnh, ốm đau trong cuộc sống thì sẽ được vui vẻ, bệnh tật tự tiêu tan…

Khi những người nhẹ dạ đã bị những điều tuyên truyền dị đoan kia mê hoặc, bọn cầm đầu sẽ thực hiện các nghi thức “kết nạp” và chính thức trở thành thành viên của tổ chức. Sau khi được kết nạp, mỗi thành viên phải thực hiện việc cầu nguyện, kiêng kỵ và đặc biệt là nộp 1/10 thu nhập hàng tháng. Đồng thời phải phát triển “giáo đồ” mà người đầu tiên họ hướng tới là gia đình của mình.

Số tiền “dâng phẩm” này không được ghi chép rõ ràng, không được công khai và cũng không được trao đổi giữa các “tín đồ”, do đó việc sử dụng số tiền này như thế nào thì đến nay vẫn là điều bất minh. Qua điều tra, lực lượng chức năng cho biết số tiền này ngoài nộp về “Tổng hội”, các đối tượng dùng để tiêu sài cá nhân và duy trì tổ chức. Đây là hoạt động phạm pháp, lợi dụng hình ảnh của Chúa trong hệ phái Tin lành mưu đồ chiếm đoạt kinh tế của những người tham gia.

Những người không thực hiện việc nộp 10% thu nhập sẽ bị coi là “ăn cắp của Đức chúa trời”. Hoạt động của những đối tượng trong ổ nhóm này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, gây thiệt hại về kinh tế, tinh thần đối với những nạn nhân.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng an ninh Công an thành phố Lai Châu tổ chức bám nắm địa bàn, dân cư, tổ chức mật phục, triệt phá. Nhờ làm tốt công tác theo dõi, bám nắm địa bàn, các trinh sát của Công an thành phố Lai Châu đã thâm nhập sâu vào hang ổ của bọn tà đạo và nắm được quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn lôi kéo người, lịch sinh hoạt…

Đến ngày 3/2/2018 lực lượng Công an thành phố Lai Châu triệt phá thành công ổ nhóm và thu giữ nhiều tang vật quan trọng. Sau khi triệt phá tụ điểm, lực lượng chức năng tuyên truyền, giải thích cho những người đã tin, theo tà đạo, nhiều đối tượng tự nguyên viết cam kết không tham gia các hoạt động liên quan đến “Hội thánh đức chúa trời”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng tỉnh phát triển toàn diện và bền vững, mấy năm gần đây các cấp, các ngành của tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và đạt được những kết quả tích cực.

Nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, đẩy lùi các hủ tục, lạc hậu. Nhất là việc ban hành Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số các huyện biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020”, Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”.

Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu chỉ đạo, định hướng các ngành trong khối tư tưởng, văn hoá, hệ thống tuyên giáo các cấp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, hướng trọng tâm về cơ sở. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số (tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội của các dân tộc thiểu số, ẩm thực...).

Cán bộ từ tỉnh, huyện đến xã, bản đều tích cực tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các luật tục lạc hậu, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ mê tín, dị đoan, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch...

Hệ thống tuyên giáo các cấp duy trì thường xuyên hội nghị báo cáo viên, thông tin thời sự định kỳ hằng tháng; giao ban báo chí hằng quý, phối hợp tuyên truyền trong các buổi họp báo; biên tập các loại tài liệu thông tin chuyên đề, thông tin phục vụ lãnh đạo, sinh hoạt chi bộ; biên soạn, xuất bản hàng chục nghìn tờ rơi, tờ gấp, tài liệu hỏi - đáp về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ tuyên truyền trong vùng đồng bào các dân tộc.

Các chương trình, nội dung tuyên truyền được lồng ghép thông qua các hội nghị ở thôn, bản, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Đồng thời, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở cũng tranh thủ vai trò của những người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền như già làng, trưởng bản... nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của các hủ tục lạc hậu, nạn mê tín dị đoan...

Lai Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Lai Châu đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ để người dân được tiếp cận những nét văn hóa mới, tiến bộ; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tự giác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... qua đó nhận thức của phần lớn người dân đã được nâng lên, đặc biệt đã ý thức được mặt trái của các hủ tục, dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ. Đến nay, cơ bản đồng bào các dân tộc thiểu số đã biết chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất; thực hiện nếp sống văn hoá, ăn, ở hợp vệ sinh, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhận cận huyết; một số hủ tục từng bước được loại bỏ dần...

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu cũng triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào các dân tộc, nhất là công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của các ngành các cấp, đời sống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần; những hủ tục lạc hậu sẽ dần được bài trừ, người dân xây dựng được nếp sống mới, văn minh, lành mạnh, không còn dễ dàng bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo và lợi dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO