Lễ cấp sắc Tào của người Nùng ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn là nghi lễ tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng tính giáo dục, triết lý về nhân sinh quan nhằm hướng con người tới chân - thiện - mỹ.
Gia đình ông Nông Xuân Định, thôn Nặm Giàng, xã Đổng Xá, huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã có 3 đời làm nghề thầy Tào. Ngày hôm nay, ông Nông Xuân Định làm lễ cấp sắc để nối nghiệp cha mình và các bậc gia tiên, tiền tổ họ Nông. Trước khi được cấp sắc, người được cấp sắc phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn khác nhau, phải có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, khiêm tốn, sống hòa nhã với mọi người.
Lễ cấp sắc Tào là một trong những nghi lễ lớn của người Nùng. Để lễ cấp sắc được suôn sẻ thì mọi công việc phải được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Ngày tháng hành lễ cũng được các thầy xem xét rất kỹ lưỡng.
Trước khi tổ chức nghi lễ cấp sắc; người được cấp sắc phải tuân theo nhiều quy tắc và chuẩn bị nhiều đồ lễ, thực phẩm. Không chỉ có người trong gia đình, mà hai bên nội ngoại, con cháu trong dòng họ cũng phải giúp sức để cùng thực hiện các phần việc trong nghi lễ. Anh em, con cháu trong dòng họ sẽ cùng nấu bếp, thịt lợn, thịt dê, gà, làm bánh trái để sửa soạn lễ vật dâng cúng tổ tiên, ngọc hoàng…
Trong những ngày diễn ra lễ cấp sắc, anh em họ hàng gần xa tề tựu đông đủ, bà con hàng xóm đến chứng kiến buổi lễ.
Cũng giống như người Tày, lễ cấp sắc Tào của người Nùng thường diễn ra 3 ngày. Ngày thứ nhất, thầy Pựt là người thực hiện các nghi lễ chính như trình báo tổ tiên, dọn đường dẫn Tào lên trình báo ngọc hoàng thượng đế. Thầy Pựt mở đường lên trời để đón tổ sư, tổ tiên gia chủ xuống dự lễ, cúng giải xung, giải hạn cho gia chủ. Giai đoạn này gồm các lễ nhỏ như báo tổ tiên, báo ngọc hoàng, dâng lễ, dâng hương. Mục đích của việc thực hiện các nghi lễ này, là tống tiễn những cái xấu đi, đón cái tốt đẹp đến, nhằm làm phong quang cửa nhà của người được cấp sắc.
Sau những thủ tục báo cáo, các thầy lần lượt làm các thủ tục tượng trưng như lễ sinh con hương, đây là thủ tục bắt đầu một giai đoạn quan trọng trong lễ cấp sắc. Trong nghi lễ này thầy Pựt đóng vai trò là người mẹ, buộc dải vải trắng nối một đầu với người được cấp sắc. Trong tiếng mõ của người thầy Tào cả, thầy Pựt thực hiện các động tác tượng trưng cho sự khó nhọc như lúc người mẹ sinh ra con. Thầy bố làm nhiệm vụ đứng giữa cắt tấm vải trắng ấy, việc làm đó thể hiện sự vất vả và khó nhọc khi sinh con trong sự chứng kiến của những người thân và làng xóm.
Sau khi con hương thề nguyện, thầy Tào thực hiện các nghi thức sắc phong cho người được cấp sắc gồm đọc sớ tuyên thệ và sắc phong. Người được cấp sắc lúc này đã được cấp đồ nghề, quần áo mới, sẽ thực hiện nghi lễ quỳ lạy những bậc trưởng lão trong dòng họ.
Sau đó người được cấp sắc sẽ được sự phụ, bạn bè, người thân khoác lên mũ những tấm vải hồng và tiền, chúc phúc cho cuộc đời gặp nhiều may mắn, hành nghề tâm linh, làm được nhiều việc tốt cho cộng đồng, làng xóm.
Sau lễ chúc phúc, các thầy phân chia ra để làm lễ khấn khác nhau như: Thỉnh cầu các bậc thần linh cấp phép cho người thụ lễ, cúng khấn tổ tiên gia đình cầu cho mùa vụ thành công, cầu sự phù hộ an lành cho người được cấp sắc.
Sau khi thực hiện xong lần lượt các phần việc của lễ cấp sắc, cuối cùng các thầy làm lễ cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã ủng hộ cho phép các thầy làm lễ cấp sắc và ban phát quà cho người được cấp sắc. Kể từ đây, người được thụ lễ đã được coi như một người hoàn thiện về đạo đức cũng như tâm linh.
Kết thúc lễ cấp sắc là lễ khao binh mã. Thầy Tào sẽ hát các bài then tiễn thánh cùng tiếng chiêng tiếng trống rộn ràng. Người được cấp sắc lúc này đã được mặc áo, mũ cấp bậc mới, được cùng với các thầy Tào thực hiện nghi lễ trình báo tổ tiên, tiễn thánh về trời. Từ nay, người được cấp sắc đã có "âm binh", "ấn tín" của riêng mình, có khả năng chủ trì các đám hiếu, tiến hành tổ chức nghi lễ cúng bái, cầu an trong đời sống tâm linh của cộng đồng.
Lễ cấp sắc Tào của người Nùng ở huyện Na Rì tỉnh Bắc Kạn là nghi lễ tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa và chứa đựng tính giáo dục, triết lý về nhân sinh quan nhằm hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Các bài cúng, bài khấn và cả bài hát trong lễ cấp sắc nói lên khát vọng của con người, mong muốn có một cuộc sống sung túc hay thể hiện những quan niệm về đạo đức, sự tôn kính cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng và cách đối nhân xử thế...
Dù cuộc sống phát triển theo hướng hiện đại, lễ cấp sắc vẫn được người dân duy trì như là một nét độc đáo riêng trong sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng của người Nùng ở Na Rì./.