Đời sống xã hội

Nét văn hóa độc đáo của chợ “chồm hổm” bên dòng kênh xáng Xà No

Thúy Hạnh 21/11/2023 - 04:49

Chợ gắn liền với nông thôn dân dã, xen lẫn giữa cộng đồng dân cư và là nơi để mọi người trao đổi và mua bán hàng hóa tự nguyện. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, chợ có thể thay đổi hình thức, nhưng nội dung cơ bản vẫn nguyên vẹn. Đặc biệt, trong thời đại hội nhập kinh tế như hiện nay, hệ thống siêu thị và online bùng nổ, thì một trong những cái chợ mang đậm sắc màu truyền thống của dân tộc đó, vẫn còn lưu giữ được hồn quê. Đó là chợ nông sản Vị Thanh, hay còn gọi là chợ Đồng, chợ “chồm hổm” bên dòng kênh xáng Xà No của tỉnh Hậu Giang.

Đường nông thôn mới đẹp như tranh vẽ. Kênh xáng Xà No, theo tiếng Khmer, nghĩa là cây điên điển, trông giống như một dải lụa mềm mại và là thủy lộ du lịch của thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Xuôi dòng kênh xáng Xà No đến Vị Thanh, chúng ta sẽ bị vẻ đẹp của chợ nông sản Vị Thanh hay còn gọi là chợ “chổm hổm” thu hút. Với nét lặng trữ tình, đằm thắm, chợ “chồm hổm” gợi nhớ tới nhiều kỷ niệm xưa về vùng quê Nam bộ thanh bình, mộc mạc.

7-11-23-voi-cach-ngoi-mua-va-ban-chom-hom-nen-tao-nen-cai-ten.png
Với cách ngồi mua và bán chồm hổm nên tạo nên cái tên của chợ

Chợ nông sản Vị Thanh ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 3, thành phố Vị Thanh. Chợ được hình thành khoảng 10 năm nay, với diện tích rộng khoảng 700m2 và gần 500 tiểu thương, mỗi khu vực bày bán hàng của các tiểu thương rộng từ 2-4m2. Gọi là chợ Đồng, vì tất cả mặt hàng nông thủy sản đều bắt đầu từ những sản phẩm của người nông dân làm ra và đem bán trực tiếp. Cũng vì bắt nguồn từ cách ngồi xổm hay còn gọi là chồm hổm của người mua và người bán, nên chợ được gọi thành tên chợ “chổm hổm”.

Ngay từ lúc 1- 2h sáng, khi mọi người đang còn chìm trong giấc ngủ say, từng tốp nông dân chính hiệu “hai lúa” đã lũ lượt đổ về chợ với những sản vật đậm chất miền Tây của mình. Những sản vật do chính tay người nông dân nuôi, trồng, đánh bắt, như đọt khoai, rau tập tàng, bông súng, ngó sen, hành, hẹ, củ sắn, dưa leo, khoai ngọt đến các loại cá của miền tây…, được họ đem đến chợ bán với giá phải chăng. Âm thanh chuyển hàng, tiếng gọi nhau í ới, giọng rao và mặc cả mua bán chộn rộn cả góc thị tứ.

Đặc biệt là món chuột đồng được xem là món khó ăn với nhiều người vì vẻ ngoài gây sợ hãi. Chuột đồng được coi là món đặc sản ở miền Tây Nam bộ với nhiều cách chế biến như nướng lu, kho rau răm, chiên sả ót, nướng chao...

Bà Kim Chương (người dân tộc Khmer, 56 tuổi, xã Hòa Lục) cũng như vài phụ nữ Khmer khác thường đến chợ từ sớm, tranh thủ ngồi vào một góc nào đó để bày đồ ra bán. Ngồi bên mớ đậu bắp, ngò cùng mớ cá đồng, bà Chương cười vui vẻ nói: “Tui bán ở đây cũng gần được một năm rồi. Thấy gần nhà người ta ra đây bán, nên tui cũng đi theo. Chừng nào bán hết thì về, tan chợ mà còn thì đội hàng lên đầu đi bán vòng vòng quanh chợ. Được mấy chục ngàn, dù không nhiều gì nhưng cũng lo được cho gia đình’.

7-11-cho-chom-hom-nhu-mot-buc-tranh-day-sac-mau-ruc-ro-nhung-lai-co-ve-dep-chan-que-binh-di-moc-mac-cua-doi-song-dan-sinh-bon-be-lo-toan.png
Chơ “chồm hổm” như một bức tranh đầy sắc màu rực rỡ, nhưng lại có vẻ đẹp chân quê, bình dị, mộc mạc của đời sống dân sinh bộn bề lo toan.

Nét đẹp văn hóa độc đáo của khu chợ “chổm hổm” không chỉ ở tên gọi, mà còn ở sắc màu áo, cách ứng xử ấm áp đầy tình người và những thói quen, tập quán của người vùng sông nước miền Tây xưa kia. Chợ thường được ghép từ “chợ búa” với những trò “đá cá, lăn dưa”, nhưng chợ “chổm hổm” lại không phải vậy. Dù khuya hay sáng sớm, người mua cứ tha hồ hỏi giá, săm soi lựa chọn mà không sợ bị lườm nguýt hay đốt phong long.

Dưới chiếc nón lá tảo tần là những gương mặt ánh lên vẻ lạc quan, yêu đời của những người phụ nữ đảm đang. Dù công việc còn nhiều vất vả, chân lấm tay bùn, thức khuya, dậy sớm nhưng những người phụ nữ này vẫn toát lên nụ cười đôn hậu mang lại cảm giác bình yên, thư thái. Làn da nâu rám nắng nhưng trẻ trung, khỏe khoắn, miệng luôn cất tiếng rao chào mời.

Mặc dù bông điên điển còn đọng sương mai, lọn súng đồng tươi rói, mớ rau vườn đủ loại vẫn còn tươi, nhưng đôi bàn tay dính đầy nhựa rau của những người phụ nữ thôn quê, vẫn thoăn thoắt xếp lại những bó rau, bó hoa, vẩy thêm chút nước cho tươi, trước khi ánh bình minh của mặt trời ló rạng.

Chị Vĩnh Bình, một người dân thường đi chợ chồm hổm nhiều năm, chia sẻ: “Chợ này rất nhộn nhịp và thực phẩm đều tươi ngon, giá rẻ. Nhưng điều tôi thích nhất là ngắm nhìn những hình ảnh của người bán, người mua tấp nập, ngồi chồm hỗm nói chuyện với nhau, gợi nhớ lại một ký ức xưa của người dân miệt vườn sông nước Nam Bộ giữa thời hiện đại”.

Mỗi ngày, chợ chỉ bán đến 10h sáng, nhưng nét độc đáo, vẻ đẹp dân dã, chất phác của những người dân nơi đây, đã làm đọng lại một cảm xúc rất đỗi thân thương, gần gũi, tạo nên vẻ đẹp bình dị cho vùng sông nước tỉnh Hậu Giang đang trên đà phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO