Đời sống xã hội

Nét văn hóa của người Chăm nơi đầu nguồn sông Hậu

Thúy Hạnh 29/11/2023 - 21:15

Người Chăm ở An Giang đều theo đạo Hồi, còn gọi là Chăm Islam và sinh sống tập trung tại các xã đầu nguồn sông Hậu thuộc các huyện An Phú, Phú Tân, Châu Phú và thị xã Tân Châu. Với những nét đặc trưng văn hóa của mình, đồng bào Chăm Islam đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Đến với làng Chăm Islam như lạc vào xứ sở cổ tích của “Nghìn lẻ một đêm”. Khác với những ngôi nhà sàn của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao nơi khác, các ngôi nhà truyền thống của người Chăm Islam thường có kiểu dáng giống nhau, được thiết kế theo hình chữ Y, có cửa cái và nhiều cửa sổ ở 2 bên.

29-11-23.png
Nhà sàn truyền thống của người Chăm Islam được thiết kế tinh tế với không gian thoáng, rộng.

Do điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, nhà truyền thống của người Chăm Islam đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà bê tông, tường gạch, mái ngói, tôn. Thế nhưng, các làng Chăm Islam ở tỉnh An Giang vẫn còn giữ được nhiều ngôi nhà truyền thống mang đậm giá trị văn hóa của người Chăm.
Tại một ngôi nhà sàn lâu năm nhất ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), người đảm nhiệm Thánh đường Muhamadiyah nói: “Nhà này đã có bốn đời sinh sống. Đây là ngôi nhà truyền thống có cấu trúc tiêu biểu nhất cho nhà sàn gỗ người Chăm ở An Giang. Do sống ở vùng sông nước, nên nhà phải được thiết kế sàn cao để chống lũ. Sàn được đôn cao bằng hệ thống cột bằng gỗ nguyên cây, trên những hàng cột cao khoảng 3-4m. Chủ yếu là các loại gỗ như: Cẩm lai, căm xe, cà chất mà quý nhất và thường dùng là cột giáng hương. Cây được tước hết vỏ, bào nhẵn, cao khỏi đầu người để phù hợp với mùa nước nổi dâng cao, tránh được lũ lụt. Hiện làng Chăm ở Châu Giang chỉ còn khoảng 50 ngôi nhà gỗ truyền thống. Trong đó, có khoảng 10 nhà có tuổi đời trên dưới 100 tuổi”.

Nhà sàn của người Chăm Islam thường quay mặt ra đường lộ hoặc ra sông. Một ngôi nhà có giá trị không chỉ bởi được cất từ các loại gỗ chất lượng tốt mà còn có màu sắc tự nhiên bền bỉ với thời gian, độ bóng ánh lên nét sang trọng.

29-11-buoi-dua-re-trong-le-cuoi-cua-nguoi-cham-o-an-giang.png
Buổi đưa rể trong lễ cưới của người Chăm ở An Giang

Ngoài ra, bà con Chăm Islam ở An Giang còn lưu giữ nhiều đặc trưng văn hoá ẩm thực Chăm Islam Nam Bộ. Các món ăn truyền thống như: Càri, cơm nị-cà púa, tung lò mò hay các loại bánh truyền thống ha-pum, pây–kgah, cha-đoll, pây–nung, đin–pàgòn, được sáng tạo trên cơ sở phối hợp hài hòa những nguyên liệu sẵn có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như thịt bò, đường thốt nốt, hành tiều, dừa, tiêu, sả ớt. Ngày nay, không ít đặc sản của bà con đã tạo được uy tín và thiện cảm với thực khách thông qua việc người Chăm Islam lập nhiều quán ăn, cơ sở sản xuất các đặc sản.

29-11-co-dau-va-chu-re-nguoi-cham-o-an-giang.png
Cô dâu và chú rể người Chăm ở An Giang

Đồng thời, người Chăm Islam ở An Giang còn lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể như: Lễ cưới, lễ hội Roya. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa, tín ngưỡng riêng. Đặc biệt, trong vấn đề hôn nhân, họ không cấm kết hôn với người dân tộc khác.
Tuy nhiên, khi đã lấy nhau rồi thì cô dâu hay chú rể phải theo về đạo Hồi. Vợ chồng không thể có hai đạo. Theo quy định trong lễ cưới của người Chăm Islam, chỉ đưa rể, chứ không rước dâu. Trong ngày hôn lễ, chú rể sẽ được tộc họ đưa đến thánh đường làm lễ. Đoàn đưa rể có khoảng vài chục người, mang theo những cái ô đựng trầu cau, vôi, gạo, muối, bánh, trái cây.
Tại thánh đường sẽ diễn ra phần nghi lễ quan trọng nhất của đám cưới là lễ kà pụn (hôn phối). Sau lễ kà pụn, cô dâu và chú rể chính thức được xem là vợ chồng.

Dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nên đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào Chăm ngày càng phát triển, không ngừng được nâng cao, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

29-11-thieu-nu-cham-o-an-giang-duyen-dang-va-don-hau.png
Thiếu nữ Chăm ở An Giang duyên dáng và đôn hậu
29-11-tung-lo-mo-mon-an-truyen-thong-cham.png
Tung lò mò - Món ăn truyền thống Chăm
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO