Đời sống xã hội

Nét độc đáo trong nghề rèn

Hàn Thanh Duy 26/04/2024 - 11:48

Sớm tinh mơ, khi bản làng vẫn chìm trong màn sương nặng nước, những lò rèn tại xã Phúc Sen, (Quảng Hòa, Cao Bằng) đã rực hồng, tiếng quai, tiếng búa chan chát nện đều đều rộn ràng khắp trong xóm, ngoài bản. Những hình ảnh đặc trưng này đã xuất hiện cách đây hơn 200 năm và đến nay, nghề rèn vẫn đang phát triển, tạo thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Ở Cao Bằng, các nghề, làng nghề có từ rất lâu, người dân vẫn lưu giữ, say mê với nghề. Nghề rèn cũng vậy, dù hiện tại, công nghiệp sản xuất, chế biến hàng tiêu dùng phát triển, có thể thay thế các sản phẩm thủ công truyền thống, tuy nhiên sản phẩm từ các làng nghề có nét đặc trưng riêng như nghề rèn tại xã Phúc Sen vẫn được duy trì, sử dụng theo phong tục, tập quán của người dân, từ đó định hình nên vị trí khác biệt trên thị trường.

Gia đình anh Long Văn Minh theo nghề rèn từ thửa sơ khai cho biết: Nghề rèn của người Nùng ở Phúc Sen có truyền thống hàng trăm năm qua. Nét độc đáo của nghề rèn nơi đây là kỹ thuật lựa chọn phôi thép, cách tôi thép và bí quyết riêng của từng hộ gia đình để tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt.

Thông thường ở lò rèn bao giờ cũng có thợ chính và thợ phụ. Tại xã Phúc Sen, hình ảnh những người phụ nữ làm thợ phụ cho chồng ở lò rèn rất quen thuộc. Không chỉ chăm lo đồng áng, các chị còn ra lò rèn cùng quai búa để kiếm thêm thu nhập, có lẽ ít nơi nào người phụ nữ dẻo dai và khỏe mạnh như ở Phúc Sen. Tưởng chừng những công việc này chỉ dành riêng cho đấng mày râu nhưng những người phụ nữ ở đây rất uyển chuyển, chắc chắn trong từng quai búa. Công việc nặng nhọc là vậy nhưng với các chị, được phụ giúp chồng con ở lò rèn và làm nghề truyền thống của quê hương là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Nghề rèn không chỉ làm ra những nông cụ phục vụ đời sống sinh hoạt mà còn giúp con người rèn luyện sức khỏe, đoàn kết, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau. Khi rèn nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng thì thành phẩm sẽ khó đạt yêu cầu, vì vậy, khi rèn nghệ nhân đã để tấm lòng của mình trong từng sản phẩm và coi trọng người đang cùng mình làm việc.

Được xếp vào hàng công việc nặng nhọc, hằng ngày, những nghệ nhân nơi đây luôn cầm trên tay cây búa to để đập, nén những thanh sắt nung đỏ, tạo hình cho sản phẩm, họ phải đập hàng trăm, hàng nghìn nhát búa, từng nhát búa phải đều đặn, hăng hái như chưa hề thấy mệt nhọc, nếu trong quá trình tạo hình không giữ được nhịp độ thì sản phẩm coi như không thành.

398-202404251246121.jpg
Anh Long Văn Minh và vợ với nghề rèn truyền thống. Ảnh: Thế Vĩnh

Anh Minh cho biết thêm: Ai sống với nghề rèn đều có thể nghe rõ thanh âm, nhịp điệu trong từng nhịp quai, búa, âm thanh phát ra từ lò rèn giống như một bản nhạc, nếu không có sự hòa hợp thì sẽ tạo ra những bản nhạc đứt gãy, chính từ điều này mà nghệ nhân sống với nghề rèn càng thêm trân quý người bạn rèn của mình. Từ nhịp rèn, có thể biết được tâm tư của chồng, của vợ, của bạn rèn. Khi bực tức, quai búa như đeo thêm tạ sắt khiến tiếng quai búa cộc cằn, khi hờn dỗi, tiếng quai búa “cắc bụp” không thành nhịp điệu khiến lòng người rối bời không thể tập trung. Mỗi khi nghe nhịp điệu khác lạ từ đối phương, người bạn rèn cần ngồi lại với nhau chia sẻ tâm tư để điều chỉnh cảm xúc. Hòa hợp từ tâm hồn khiến nhịp quai búa đẹp đẽ, mê đắm, sản phẩm làm ra cũng xinh xắn, có hồn, nếu không hòa hợp, nhạc điệu lộn xộn, sản phẩm tạo ra cũng chỉ là đống sắt vô tri.

Có lẽ do vậy nghề rèn cũng đòi hỏi nghệ nhân luôn phải “rèn nghề”, nghệ nhân nào rèn càng lâu, càng kỹ, càng tâm huyết thì thành phẩm càng đẹp, càng bền. Một thành phẩm được rèn ra phải trải qua quá trình tôi luyện gian nan, từ nung, đập, giũa, ghè, khi thành phẩm từ cục sắt vô tri ban đầu trở thành công cụ giúp người dân vơi bớt mệt nhọc. So với nhiều công cụ khác trên thị trường, về hình thức, sản phẩm từ làng rèn Phúc Sen có thể không được đẹp và bóng bẩy nhưng lại vượt trội về chất lượng.

Rèn được thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, cũng như quá trình rèn luyện tính cách, năng lực của con người, phải trải qua quá trình kiên nhẫn, tích lũy tinh hoa để hoàn thiện bản thân. Tại Phúc Sen rèn nghề cũng chính là “rèn người”, sản phẩm từ làng nghề Phúc Sen mộc mạc, chất phác nhưng cũng đầy sức sống, sự sắc sảo như chính con người nơi đây. Chính vì điều này mà Phúc Sen hiện tại thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu về nghề thủ công nơi đây, bởi thông qua nghề rèn họ hiểu thêm về văn hóa truyền thống, tính cách, đặc trưng bản sắc của con người vùng cao. Du khách đã một lần đến với Phúc Sen, khi nhớ về nơi này sẽ không khỏi nhớ về sắc áo chàm lẫn trong ánh lửa lò rèn cùng tiếng quai búa nhịp nhàng, vang vọng núi non.

(0) Bình luận
Nổi bật
Những người trẻ giữ gìn văn hóa dân tộc theo cách của mình
Dù mới ở tuổi đôi mươi, nhưng những người trẻ này đã có tình yêu đặc biệt với văn hóa dân tộc mình. Họ tận dụng mạng xã hội để quảng bá văn hóa dân tộc, giữ gìn nét đẹp của dân tộc và từ đó giúp nhiều người khác hiểu và trân quý văn hóa của đồng bào DTTS trong “vườn hoa 54 dân tộc anh em”.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO