Trên vùng đất biên giới nhiều nắng và gió, người dân đã định danh cho cây chuối, nâng cao năng suất và nâng tầm cho chuối bằng những phương pháp mới, trở thành sản phẩm chủ lực của vùng.
Trên mảnh đất xanh màu lá
Trước đây, cây chuối mật mốc ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chủ yếu được trồng trong vườn nhà manh mún, nhỏ lẻ. Chuối sau thu hoạch có giá trị thấp, thường dùng thờ cúng hoặc làm thực phẩm phụ hàng ngày. Khoảng 10 năm lại đây, khi thị trường chuối mật mốc được mở rộng, rồi xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Thái Lan... thì quả chuối mật mốc Hướng Hóa đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Với tổng diện tích lên đến hơn 1.800ha, từ lâu huyện Hướng Hóa được mệnh danh là “thủ phủ” của cây chuối mật mốc miền Trung đầy nắng gió. Với lợi thế về đất đỏ bazan và tiểu vùng khí hậu thích hợp trồng nhiều loại cây ăn quả, trong đó có cây chuối mật mốc đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa.
Hiện nay, diện tích chuối mật mốc của huyện Hướng Hóa đang được trồng tập trung tại các xã dọc tuyến Lìa, là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô bản địa và một số xã dọc quốc lộ 9 như Tân Long, Tân Thành... Nhờ tập trung phát triển kinh tế bằng cây chuối mật mốc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có những đổi thay đáng kể. Cây chuối đã mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ gia đình ở các xã vùng Lìa.
Những vùng chuyên canh chuối ngày càng được mở rộng, tăng năng suất và sản lượng. Diện tích chuối mật mốc ở Hướng Hóa có hơn 3.500ha. Trong đó, xã Tân Long có diện tích trồng chuối khoảng gần 1.000ha. Đặc biệt, chuối mật mốc ở Hướng Hóa có hơn 3.500ha. Nhiều năm nay, chuối mật mốc là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn xã này.
Sở dĩ, chuối mật mốc ở Hướng Hóa được các thị trường như Thái Lan, Trung Quốc, Lào hay các tỉnh miền Trung yêu thích là bởi khi chín, quả có màu vàng đẹp, hương vị thơm ngon, thịt quả chắc, thời gian quả chín kéo dài nên thuận lợi cho việc chuyên chở ra ngoại tỉnh hoặc xuất khẩu. Chợ chuối ở ngã ba Tân Long luôn nhộn nhịp kẻ mua, người bán. Tại đây, những lúc cao điểm có gần 100 đại lý thu gom chuối xuất khẩu rải đều các tuyến đường chính như đường Lìa, quốc lộ 9.
Khi chuối vào vụ thu hoạch, nông dân chỉ cần chở đến chợ là có ngay tiểu thương đến thu mua, nông dân luôn yên tâm về đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, nhiều tiểu thương còn mở các điểm thu mua chuối về tận các bản làng của bà con đồng bào ở xa xôi, nơi điều kiện đi lại còn khó khăn. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số chỉ cần thu hoạch là có ngay thương lái đến thu mua ngay tại vườn, vừa bớt được chi phí vận chuyển mà lại bán được giá cao.
Ông Pả Hiền, người dân tộc Bru - Vân Kiều (bản Xi Núc, xã Tân Long) cho biết, so với các loại cây trồng khác, hiện nay, trồng chuối mật mốc cho thu nhập cao nhất. “Những năm gần đây, giá chuối quả dao động từ 5.000-7.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 10.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân khoảng 15 tấn mỗi ha, cây chuối có thể mang về thu nhập cho gia đình trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, lá, thân chuối còn được tận dụng để bán lại cho người mua gói bánh hoặc tận thu làm thức ăn chăn nuôi. Thu nhập của gia đình tôi vài năm trở lại đây đều trông chờ vào cây chuối này” - ông Pả Hiền cho hay.
Nâng tầm cho chuối
Để sản phẩm chuối chủ lực của địa phương không bị mất giá trị, chính quyền huyện Hướng Hóa đã thực hiện nhiều biện pháp như cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả để cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chuối quả tươi Hướng Hóa. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị cũng đã chuyển giao quy trình và hướng dẫn nhân rộng công nghệ sấy bơm nhiệt để chế biến chuối sấy dẻo với dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sấy tiên tiến để chế biến và bảo quản nâng cao giá trị chuối quả trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.
Theo đó, so với nhiều phương pháp sấy khác, sấy lạnh là một phương pháp có thể đáp ứng các yêu cầu chất lượng khắt khe như hình dáng, kích thước, màu sắc, mùi vị, thành phần dinh dưỡng và rút ngắn được thời gian sấy một cách đáng kể. Công nghệ sấy này tiết kiệm năng lượng, không sử dụng năng lượng hóa thạch giúp bảo vệ môi trường.
Với hệ thống sấy bơm nhiệt vào chế biến, công suất sấy từ 1.000-1.200kg tươi/mẻ thu được 300-400kg/mẻ chuối sấy thành phẩm với độ ẩm dưới 15%, nhiệt độ từ 60-70 độ C. Thời gian sấy từ 30-35 giờ, thành phẩm mang màu sắc đặc trưng, giữ được mùi vị thơm ngon của chuối. So với phương pháp sấy truyền thống thì phương pháp sấy bơm nhiệt giảm sức lao động, đảm bảo an toàn thực phẩm, rút ngắn thời gian sấy và sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Với việc sử dụng công nghệ sấy này, sản phẩm giữ được hương vị tự nhiên, thành phần dinh dưỡng đều đạt yêu cầu, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, được thị trường đón nhận và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Từ hiệu quả thiết thực này, nhiều cơ sở chế biến chuối ở Hướng Hóa cũng đã tăng cường áp dụng công nghệ, liên kết hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng giá trị của chuối ở Hướng Hóa, góp phần tăng giá trị kinh tế cho người dân. Đơn cử như vợ chồng chị Trần Thị Hoài Nhung (xã Tân Thành) đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng để xây dựng cơ sở sấy chuối. Mặt hàng chuối sấy của gia đình chị đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao và tạo việc làm trực tiếp, gián tiếp cho nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng với mức lương khoảng 4,5-6 triệu đồng/tháng (lao động tháng) và 200.000 đồng/ngày (thời vụ).
Hiện nay, mỗi ngày, chị Nhung tiêu thụ khoảng 4-5 tấn chuối quả tươi của người dân và cho ra gần 1 tấn sản phẩm. Với những lợi thế như được chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn nguyên liệu đạt chứng nhận VietGAP, đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, mẫu mã, bao bì đẹp mắt, sản phẩm chuối sấy dẻo của chị Nhung đã tạo được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.