Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới, ngày 1/3, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch di sản tại Di sản này.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, với lợi thế tài nguyên tự nhiên và nhân văn sâu sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư, cùng các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan tự nhiên và văn hóa, việc Ninh Bình phát triển các sản phẩm du lịch di sản tại Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch, phát triển kinh tế du lịch mà còn thể hiện trách nhiệm trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và lịch sử; diễn giải các giá trị di sản một cách chính xác, khoa học để những giá trị quý báu này sẽ được lưu truyền cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Sau 10 năm được ghi danh, Tràng An đã khẳng định được là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam và trên toàn thế giới, là nơi kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp tự nhiên và những giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện những câu chuyện của lịch sử cổ xưa; là một cuốn biên niên sử nguyên vẹn ghi lại sự biến đổi môi trường và những ứng phó của con người trong quá khứ xa xôi, lưu giữ truyền thống cư trú của con người, truyền thống sử dụng vùng đất, vùng biển của người tiền sử với nhiều nền văn hóa tiếp nối liên tục, kéo dài...
Với mong muốn xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt, thể hiện các giá trị di sản một cách đầy đủ và khoa học, Ban Tổ chức tọa đàm mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thể xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch di sản tốt nhất dựa trên các di tích, di vật khảo cổ học kết hợp trải nghiệm dân tộc học. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu diễn giải các giá trị của Di sản theo khuyến nghị của UNESCO, để Tràng An thực sự là mạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người, là trung tâm, nền tảng để xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai không xa.
Tại báo cáo đề dẫn “Đặc trưng di sản văn hoá lịch sử Ninh Bình - từ tiềm năng thành các sản phẩm du lịch”, TS Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã nêu bật các đặc trưng, tiềm năng địa thế, tài nguyên thiên nhiên, những thuận lợi, khó khăn và những bước tiến trong khai thác tài nguyên di sản thành tài sản tại Ninh Bình nói chung và Tràng An nói riêng. Những trình bày của tác giả đặt Di sản Tràng An trong bối cảnh tương tác chung của toàn bộ di sản tự nhiên văn hóa lịch sử Ninh Bình mà Tràng An là cốt lõi. Từ đó đưa ra những gợi ý cụ thể giúp du lịch di sản Ninh Bình có những bước tiến nhanh, mạnh bền vững hướng đến xây dựng một thành phố di sản nhân loại trên vùng đất Trường Yên - Hoa Lư.
PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam cho rằng, Quần thể danh thắng Tràng An là danh lam độc đáo, đặc sắc và đặc biệt hơn là di sản văn hóa gắn liền với quá trình quần tụ trên mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Chính yếu tố di sản văn hóa đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt khách tham quan, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Để đánh thức tính độc đáo của di sản này, Ninh Bình cần tập trung khai thác trên khía cạnh du lịch và phát triển đời sống của cư dân trên lãnh thổ Tràng An. Trước hết phải xây dựng các tour hành trình di sản, tạo dựng các dạng thức không gian văn hóa đặc trưng. Bài học này đã được khẳng định ở nhiều điểm du lịch, có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Đề xuất nhóm giải pháp để phát triển du lịch, TS Mai Thanh Sơn - Hội Dân tộc học và Nhân văn Việt Nam cho rằng, cần có nghiên cứu và thống kê Di sản, xây dựng các phương án khai thác tiềm năng và đề xuất lên các cấp có thẩm quyền. Chính quyền địa phương cần có chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sông nước. Đối với các cơ quan chuyên môn cần xác định các loại hình du lịch, xây dựng các kịch bản, thiết kế tour tuyến, điểm khám phá, trải nghiệm, huy động các nguồn lực và xây dựng giải pháp kết nối nội và ngoại vùng.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cùng nêu quan điểm: Để khai thác các sản phẩm du lịch di sản, Ninh Bình cần tiếp tục xây dựng các sản phẩm có chất lượng và khác biệt, tăng hàm lượng văn hóa, yếu tố trải nghiệm cho du khách. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, liên kết với các thành phố Di sản trong nước và quốc tế để tạo thành mạng lưới vững chắc, cùng bảo tồn và phát triển.