Tiêu điểm

Nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn

Vy Ngọc 08/10/2023 - 07:21

Đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2025, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về xây dựng nông thôn mới ở địa bàn đặc biệt khó khăn, phát huy các nguồn lực tại chỗ, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới.

Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong gần 13 năm qua, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, CTMTQG xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”, trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần đưa các Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết của Quốc hội về CTMTQG xây dựng nông thôn mới đi vào thực tiễn.

Trong xây dựng nông thôn mới tại nước ta, các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, các cấp, các ngành, nhất là từ khi bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của CTMTQG xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2016 - 2020).

Tính đến tháng 9/2023, cả nước đã có 6.043/8.167 xã (chiếm 74%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới thời gian qua và nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình trong thời gian tới, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã để xuất một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2025, trong đó nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền cũng như ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về xây dựng nông thôn mới ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy các nguồn lực tại chỗ, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu cấp thôn, bản; ưu tiên đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông liên xã, tạo kết nối sản xuất và lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch nông thôn; hoàn thiện hạ tầng hệ thống thủy lợi, hệ thống nước sạch tập trung; phát triển hệ thống chợ, cửa hàng bình ổn giá; xây dựng trung tâm thu mua nông sản cấp huyện.

Đối với các huyện vùng đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đề nghị cần quan tâm đầu tư để hoàn thành các tiêu chí cơ sở hạ tầng tối thiểu quy mô cấp huyện, liên xã (thuỷ lợi, nước sạch tập trung, môi trường...).

che-shan-tuyet-310821.jpg
Ảnh minh họa.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó: Tập trung phát triển sản phẩm OCOP đối với sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống có lợi thế, chú trọng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng các HTX, chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vai trò của doanh nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời cần đẩy mạnh chuyển đổi và đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng cơ giới hóa gắn với lợi thế của các sản phẩm quốc gia. Chuyển đổi các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn, hữu cơ, đặc biệt là các vùng không có lợi thế, khó cạnh tranh. Thúc đẩy các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn tập trung, gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững, các mô hình trồng dược liệu xen ghép, chăn nuôi đại gia súc.

Thứ tư, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất hiệu quả cho người dân (nhất là các tiến bộ về tưới tiết kiệm)... Hình thành các chuỗi liên kết liên huyện, liên tỉnh đối với các sản phẩm chủ lực của các vùng khó khăn (cây ăn trái, gỗ, gia súc, gia cầm, dược liệu, du lịch....). Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, trong đó, ưu tiên các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm chủ lực; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch nông thôn...

Thứ năm, chú trọng đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, đẩy mạnh phân loại chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông thôn; nhân rộng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn nông thôn gắn với củng cố quốc phòng và giữ vững, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia.

Thứ sáu, về huy động nguồn lực, các địa phương cần tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ cho các xã khu vực III hoàn các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí và khuyến khích đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần có giải pháp huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) và các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách (bao gồm nguồn vốn ODA và các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...).

Trong đó, khuyến khích các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển, các ngành, các doanh nghiệp có điều kiện đỡ đầu, hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; tiếp tục vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện (hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền của, nguyên vật liệu...).

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO