Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa là nhiệm vụ rất quan trọng. Vì thế, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện công tác này. Qua một thời gian triển khai thực hiện, ý thức, hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên.
Ban Dân tộc tỉnh luôn xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sát với thực tế và phù hợp với từng đối tượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và các vị sư sãi các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Những nội dung phổ biến pháp luật luôn bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và dân tộc, quyền con người, các vấn đề mới, dư luận xã hội quan tâm. Ban Dân tộc tỉnh còn thường xuyên triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra, Ban Dân tộc cũng đã phối hợp với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và các cấp, các ngành đã tổ chức 4 cuộc hội nghị triển khai chính sách dân tộc, tôn giáo cho 920 lượt đại biểu là các vị trụ trì, nhân sĩ trí thức, archa và ban quản trị 92 chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh.
Theo đồng chí Cao Tỉnh - Chánh Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 253 báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật người dân tộc thiểu số các cấp, 606 người có uy tín và các hội viên trong các hội, đoàn thể trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được xem là lực lượng nòng cốt, rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tốt với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của các vị sư sãi, ban quản trị của 92 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các vị archa tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số.
Hòa thượng Lâm Sương - Trụ trì chùa Om Pu Year, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Đã nhiều năm qua, nhà chùa tích cực cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con phật tử là người dân tộc Khmer. Để người dân dễ dàng tiếp nhận, nhà chùa lựa chọn hình thức tuyên truyền trực tiếp trên loa, nội dung ngắn ngọn, gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Mỗi tháng, nhà chùa cố gắng tổ chức tuyên truyền pháp luật một lần khi bà con phật tử đến chùa làm lễ”.
Đồng chí Thạch Hoàng Tha - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Phú cho biết: “Phòng Dân tộc huyện luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các điểm chùa Khmer về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, vận động người có kiến thức pháp luật tham gia vào công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao hiệu quả đối với công tác này tại địa phương”.
Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm triển khai thực hiện tốt. Đặc biệt, với uy tín, sự hiểu biết về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tình hình thực tiễn của địa phương, các vị sư sãi, nhân sĩ trí thức, ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, đội ngũ người có uy tín, thành viên Hội đoàn người Hoa tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình và là cầu nối quan trọng để phối hợp với cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là các chính sách dân tộc, tôn giáo. Từ đó, người dân yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo và hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội ở địa phương.
Đồng chí Lý Rotha - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sử dụng các hình thức tuyên truyền chủ động, linh hoạt, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, dễ đọc, dễ hiểu, có trọng tâm, trọng điểm, nội dung phù hợp với nhu cầu, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Đồng thời, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng và phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là tranh thủ và phát huy tốt hơn vai trò của Hội đoàn người Hoa, các vị sư sãi, nhân sĩ trí thức và ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới…