Đời sống xã hội

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS

Bài và ảnh: Hà Vũ 24/12/2023 - 06:24

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Nhiều chính sách giúp đồng bào thoát nghèo

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh, dân số khoảng 12,5 triệu người, trong đó hơn 7 triệu là người DTTS, chiếm hơn 56% dân số của vùng và gần 50% người DTTS của cả nước. Một số tỉnh có tỷ lệ người DTTS cao, chiếm hơn 80% dân số như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên (trong đó tỉnh Cao Bằng có tới hơn 92% dân số là người DTTS). Đến nay, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là khu vực khó khăn nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững.

Để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách dân tộc. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30-10-2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.

Đặc biệt, ngày 10-2-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhờ đó, KT-XH vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đời sống người dân được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được quan tâm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc của Tổ quốc...

398-202312232101291.jpg
Bán hàng thủ công tại chợ đêm Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Tăng thu nhập, hỗ trợ lao động tiếp cận việc làm

Chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển KT-XH vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ”, ông Bế Trường Thành, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tuy nhiên, các địa phương cần có những hành động cụ thể để phát huy tiềm năng, lợi thế phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, của vùng trong tương lai; phát huy tối đa tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, tận dụng mọi cơ hội, phát huy hiệu quả các chính sách cho đồng bào DTTS, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức và vươn lên.

Nhấn mạnh việc phát triển kinh tế tại vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho rằng, các địa phương cần lưu ý quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nhất là đối với đồng bào DTTS. Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phấn đấu đến năm 2030 có hơn 85% số xã, thôn trong vùng có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và đời sống của người dân; phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội và xóa đói, giảm nghèo.

Ngoài ra, cần triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, khuyến khích lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động ở nước ngoài để tăng thu nhập, hỗ trợ lao động tại chỗ tiếp cận việc làm phi nông nghiệp, tham gia chuỗi liên kết, kết nối hộ gia đình với doanh nghiệp-hợp tác xã để tổ chức sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, cần chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS.

Theo https://www.qdnd.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO