Đời sống xã hội

Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân vùng biên giới

Việt Hoa 02/12/2023 - 16:15

Bình Liêu vốn là huyện nghèo nhất của Quảng Ninh, với 100% số xã trên địa bàn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người dưới 10 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao đến hơn 60%... Năm 2010 khi Bình Liêu bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện mới chỉ đạt 2,6/19 tiêu chí, 9,8/39 chỉ tiêu…

Từ nhận diện nguyên nhân của cái nghèo cái khó, trong quá trình xây dựng NTM huyện Bình Liêu đã quyết tâm làm mới, cải tạo đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Các công trình điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sạch, chợ, thiết chế về thông tin liên lạc, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường... lần lượt được hình thành, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

398-202312021204071.jpg
Phụ nữ thôn Nà Ếch, xã Húc Động (huyện Bình Liêu) gặt đổi công cho nhau khi vào mùa thu hoạch lúa.

Với những nguồn lực hỗ trợ và sự nỗ lực không ngừng đã giúp Bình Liêu hôm nay có diện mạo nông thôn đổi mới, ngày càng khang trang, sạch, đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã khấm khá; hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo quy hoạch; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; môi trường được bảo vệ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững...

Bằng phương pháp, cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, Bình Liêu đã tạo ra phong trào thi đua xây dựng NTM sôi nổi trong nhân dân. Thể hiện qua việc người dân tham gia xây dựng vườn mẫu, hộ gia đình kiểu mẫu, hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp với những hoạt động trồng hoa, cây cảnh, lắp đặt điện chiếu sáng. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp kết nối, đến nay đáp ứng thuận lợi cho giao thương hàng hóa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, văn hóa xã hội, môi trường nông thôn. Hệ thống công trình thuỷ lợi của huyện đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai; hệ thống điện đạt các thông số kỹ thuật, an toàn điện.

Bình Liêu hiện có 22/22 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến THCS đạt chuẩn cơ sở vật chất (17 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và 5 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2). Toàn huyện đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa, các xã đều có nhà văn hóa, hoặc hội trường đa năng, sân thể thao, có điểm/khu vực vui chơi giải trí, thể thao dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và người cao tuổi; 86/86 thôn, khu có nhà văn hóa, có sân chơi. Toàn huyện hiện có 3 chợ nông thôn, hơn 200 cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Những năm gần đây, người dân Bình Liêu chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa có ứng dụng khoa học kỹ thuật. Huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, giúp tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác; đã hình thành được vùng sản xuất tập trung một số cây chủ lực của địa phương... Giai đoạn 2016-2022, bình quân mỗi năm huyện Bình Liêu trồng được 450ha rừng, riêng năm 2021 là 700ha, năm 2022 là 750ha. 2 năm gần đây, huyện hỗ trợ và khuyến khích nhân dân trồng các loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao để từng bước hình thành vùng nguyên liệu dược liệu cung cấp cho cơ sở chế biến lâm sản, tỷ lệ che phủ rừng đạt 67,3%.

398-202312021204072.jpg
Miến dong Bình Liêu hiện là sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. (Ảnh: Sản phẩm miến của Cơ sở miến dong thôn Nà Ếch, xã Húc Động). Ảnh CTV

Người dân Bình Liêu đã có chuyển biến về nhận thức trong chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung, kinh tế trang trại, gia trại, từng bước gắn với an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung hỗ trợ thành lập và phát triển các tổ chức kinh tế gắn với phát triển sản phẩm OCOP, hiện toàn huyện có 27 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó miến dong là sản phẩm chủ lực cấp tỉnh.

Với việc đời sống vật chất của người dân được nâng lên, hoạt động văn hóa văn nghệ trên địa bàn Bình Liêu cũng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Trên địa bàn huyện có 4 lễ hội được tổ chức thường niên là Lễ hội hoa sở, Lễ hội đình Lục Nà, Lễ hội soóng cọ, Ngày hội Kiêng gió.

Có thể thấy trong lộ trình xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Liêu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận từ tinh thần quyết tâm cao độ, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành, địa phương và đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của người dân. Đây là tiền đề để Bình Liêu tiếp tục thi đua phát triển kinh tế, làm giàu trên các vùng quê nông thôn, qua đó nắm bắt những cơ hội phát triển mới.

Theo https://baoquangninh.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO