Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã thành lập và triển khai mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với mục đích trang bị những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em.
Nhằm triển khai kế hoạch số 1642/KH-UBND, ngày 22/8/2023 của UBND huyện Mường Tè về thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Mường Tè.
Từ tháng 11/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Tè đã thành lập và triển khai mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 10 xã vùng III trên địa bàn. Đến nay, đã có 12 câu lạc bộ được thành lập tại các trường học với 285 thành viên.
Cụ thể, các xã Ka Lăng, Mù Cả, Tá Bạ, Pa Ủ, Nậm Khao, Can Hồ, Pa Vệ Sủ, Vàng San thành lập một câu lạc bộ/xã, còn Tà Tổng, Bum Tở thành lập hai câu lạc bộ/xã.
Với mục đích trang bị những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, qua đó tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em. Đặc biệt, là vấn đề xâm hại tình dục, các vấn đề về sức khỏe sinh sản và kết hôn.
Đồng thời, nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ em, giáo viên, cha mẹ, người dân tại cộng đồng và cán bộ địa phương trong thực thi quyền và bổn phận, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột, buôn bán, bắt cóc và tảo hôn.
Để triển khai mô hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè tổ chức tập huấn hướng dẫn giáo viên, cán bộ phụ nữ xã, học sinh nòng cốt thành lập, vận hành câu lạc bộ.
Đồng thời, trực tiếp giám sát, hỗ trợ kỹ thuật các xã, trường học được thành lập câu lạc bộ để vận hành hiệu quả mô hình. Tổ chức giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình giữa các trường trên địa bàn...
Tiêu chí lựa chọn thành viên câu lạc bộ là trẻ em tự nguyện đăng ký tham gia tại trường học của mình với mong muốn đóng góp tích cực trong việc xây dựng môi trường an toàn, thân thiên và bình đẳng.
Các nội dung hoạt động của câu lạc bộ gồm: Tổ chức sinh hoạt định kỳ cho các thành viên; Tổ chức giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho trẻ em; Tham gia đối thoại với chính quyền địa phương về các vấn đề liên quan đến trẻ em trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;…
Câu lạc bộ lựa chọn nội dung sinh hoạt tùy vào từng đặc thù của từng địa phương như: Quyền trẻ em; Bình đẳng giới; Sức khỏe sinh sản và tình dục; Phòng chống lao động trẻ em; Phòng chống bắt cóc, buôn bán trẻ em;…