Phát triển - Hội nhập

Mùa vui trên những cánh đồng

Ngọc Hải 24/05/2024 - 19:17

Những cánh đồng lúa ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bước vào cuối mùa gặt vẫn đang tất bật, rộn rã tiếng cười nói, tiếng máy gặt chạy đều đều. Đâu đó, nhiều khoảnh đồng bà con nông dân đã bắt đầu bước vào gieo sạ vụ mới. Năm nay, qua đánh giá, vụ lúa đông-xuân ở Lệ Thủy đạt được những kết quả rất khả quan khi năng suất, sản lượng, giá trị đều tăng cao. Và mùa vui đã lan tỏa hầu khắp các cánh đồng ở nơi “quê lúa”…

Trên những cánh đồng vàng ươm của lúa chín ở phá Hạc Hải, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Võ Xuân Hòa bảo với tôi, Hoa Thủy là địa phương vùng trũng, gieo sạ thường tiến hành sau cùng so với các địa phương khác trong huyện. Và, thật mừng, đây là vụ mùa mà địa phương và bà con nông dân không chỉ được mùa mà còn được cả giá.
Vụ đông-xuân năm nay, xã Hoa Thủy gieo trồng được gần 1.000ha lúa với các loại giống chủ lực, gồm: Nhị ưu 838, VN20, ĐB6, C ưu ĐHS1, MHC2 và các giống lúa chất lượng cao VNR20, P6, HĐ 9, HN6. Để có vụ mùa thắng lợi, ngay từ đầu vụ, địa phương đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hợp tác xã (HTX) xác định cơ cấu các loại giống phù hợp với từng chân ruộng, mùa vụ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng giống xác nhận, giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tổ chức nạo vét kênh mương; chủ động trong công tác tưới tiêu; đồng thời làm tốt công tác dự tính dự báo các loại sâu bệnh…
Vụ đông-xuân năm nay, huyện Lệ Thủy được mùa toàn diện.
Vụ đông-xuân năm nay, huyện Lệ Thủy được mùa toàn diện.
“Vụ đông-xuân năm nay, địa phương có năng suất lúa đạt hơn 77 tạ/ha, tổng sản lượng lúa đạt khoảng 7.799 tấn. Không chỉ được mùa, tại các cánh đồng, thương lái đưa xe về tận ruộng thu mua lúa tươi. Giá cả, năm nay cũng cao hơn nhiều so với năm ngoái, ở mức dao động từ 8.500-9.000 đồng/kg lúa tươi nên bà con rất phấn khởi. Vụ hè-thu sắp tới, ngoài thực hiện lúa tái sinh, địa phương đã chuyển đổi từ lúa tái sinh sang làm lúa hè-thu trên chân ruộng 2 vụ với tổng diện tích khoảng 100ha…”, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cho biết.
Hồng Thủy là địa phương có năng suất lúa vụ đông-xuân cao nhất huyện Lệ Thủy với 79 tạ/ha. Để có được vụ mùa thắng lợi, chính quyền địa phương đã tập trung thực hiện đúng lịch thời vụ đã ban hành; thực hiện đúng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến; đặc biệt là chú trọng công tác thủy lợi, chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh. Nhiều thôn ở địa phương có năng suất lúa đạt 80 tạ/ha, như: An Định, Mốc Định…
Vụ đông-xuân năm nay, Hồng Thủy gieo trồng hơn 820ha lúa, cơ cấu các loại giống lúa lai chiếm 45% và giống lúa thuần chiếm 55% với các giống lúa, như: VNR20, VT404, C ưu ĐHS1, MHC2, Thụy Hương 808…
“Vụ đông-xuân năm nay, địa phương cũng gặp một số khó khăn, như: Do ảnh hưởng của mưa gió, trên 1.500ha lúa của bà con nông dân bị đổ ngã, phần nào ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng; hệ thống đê bao Thượng Mỹ Trung, hồ đập, kênh mương, trạm bơm ở một số nơi đã bị xuống cấp, hư hỏng nhưng nguồn vốn khắc phục sửa chữa, đầu tư xây mới còn hạn chế; quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, đồng ruộng thiếu đồng đều nên việc áp dụng những kỹ thuật mới, cơ giới hóa vào sản xuất còn khó khăn…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho hay.

“Do “thiên thời, địa lợi” nên năm nay lúa vụ đông-xuân ở Hồng Thủy được mùa, bà con phấn khởi lắm. Đến nay, bà con địa phương đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích, nhưng tiến độ gặt lúa hiện nay gặp một số khó khăn bởi ảnh hưởng của mưa giông. Năm nay, giá lúa cũng khá cao và thực tế cho thấy, vụ mùa này, năng suất lúa bình quân của xã Hồng Thủy tăng cao gần 10 tạ/ha so với đông-xuân năm trước…”, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Phạm Minh Huấn cho hay.

Vụ đông-xuân năm 2023-2024, huyện Lệ Thủy gieo trồng được 10.148ha lúa, cơ cấu các giống chính, gồm: Nhị Ưu 838, VNR20, Hà Phát 3, VN20, P6, PC6, HN6, Thái Xuyên 111… Năng suất lúa vụ đông-xuân năm nay bình quân đạt 70,93 tạ/ha (bằng 104,10% so với cùng kỳ); sản lượng ước đạt 71.663,58 tấn (bằng 103,63% so với cùng kỳ). Có 6 xã năng suất đạt 75 tạ/ha trở lên, là: Hồng Thủy, Hoa Thủy, Thanh Thủy, An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết, vụ đông-xuân năm nay, địa phương đã thực hiện diện tích cánh đồng lúa lớn tăng 325ha, tập trung tại các xã Phong Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy, An Thủy, Sơn Thủy..., năng suất bình quân trên diện tích cánh đồng lớn ước đạt 75,45 tạ/ha; đồng thời địa phương cũng triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, sử dụng máy bay nông nghiệp vào sản xuất để rút ngắn thời gian gieo sạ, bón phân, chăm sóc, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch; liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị tại các xã: Hồng Thủy, An Thủy; liên kết với Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng phân bón, giống đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra…
Theo kế hoạch sau khi thu hoạch xong lúa vụ đông-xuân, huyện Lệ Thủy sẽ bố trí lịch thời vụ gieo lúa hè-thu sớm, tập trung với diện tích khoảng 1.500ha, tăng khoảng 300ha. Để chủ động sản xuất vụ hè-thu, ngành nông nghiệp huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo chính quyền các địa phương, bà con nông dân bố trí thời vụ sớm, cơ cấu giống cực ngắn ngày, như: PC6, Xuân Mai, BT09, HN6, LTH31 để thu hoạch trước ngày 15/8/2024 đối với những vùng ruộng giáp ranh với lúa tái sinh.

“Năm nay, các khâu dịch vụ nông nghiệp, như: Cày bừa, giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy gặt lúa... được đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của bà con; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được hoàn thiện; công tác tưới tiêu cơ bản bảo đảm với các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng; công tác dự tính dự báo, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh được quan tâm, vì thế nên năng suất và sản lượng lúa vụ đông-xuân tăng đáng kể…”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết thêm.

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục rà soát để xây dựng phương án chống hạn, tích nước, sử dụng nước của các hồ chứa hợp lý; xây dựng kế hoạch tưới tiết kiệm nước, bảo đảm cân đối đủ nước cho sản xuất và thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp đối với những vùng không cân đối đủ nguồn nước tưới khi xảy ra hạn hán; tập trung lực lượng lao động để tiến hành tu sửa, nạo vét hệ thống kênh mương, đê bao, các cống cửa lấy nước của hệ thống thủy lợi; nạo vét các kênh dẫn, kênh trên đê để dự trữ nước khi có mưa; tăng cường điều tra phát hiện, dự tính dự báo thời điểm phát sinh, mức độ gây hại và hướng dẫn biện pháp phòng trừ hiệu quả cho từng đối tượng sâu bệnh, trên từng cây trồng…
Theo Theo baoquangbinh
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO