Đời sống xã hội

Múa chuông – điệu múa linh thiêng của người Dao Tiền

Lập - Linh 06/10/2023 - 07:45

Tỉnh Tuyên Quang có 9 ngành Dao. Trong đó, đồng bào Dao Tiền có đời sống văn hóa tinh thần rất giàu bản sắc. Một trong những phong tục truyền thống được gìn giữ từ nhiều đời nay phải kể đến điệu múa chuông, được sử dụng trong hầu hết các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của tộc người này.

Các thành viên Câu lạc bộ văn hóa các dân tộc đang say mê tập luyện.

Với người Dao tiền, múa chuông nhất định phải có trong các nghi lễ như tết nhảy, cấp sắc, tang lễ, cầu mùa… Điệu múa thể hiện niềm tin của họ vào Bàn vương và các vị thần linh và tổ tiên đã bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc.

Ở thôn Bản Ba, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, anh Bàn Văn Nam được xem là một trong những người múa chuông giỏi nhất. Không chỉ riêng anh Nam, mà nhiều chàng trai, cô gái khác ở Bản Ba cũng biết múa chuông, bởi đây là điệu múa truyền thống được ông bà, bố mẹ của họ truyền dạy.

Anh Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa các dân tộc xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa tự hào chia sẻ: Đã là người Dao Tiền thì hầu như ai cũng biết múa chuông. Chuông là đạo cụ không thể thiếu trong mỗi bài nhảy. Bởi âm thanh chuông mang ý nghĩa linh thiêng là mời thần linh xuống chứng giám để cầu cho gia chủ hay nhân dân có mùa màng bội thu, cầu sức khỏe, bình an.

Người Dao Tiền thường múa chuông theo tốp nam, tốp nữ hoặc tốp nam nữ phối hợp. Mỗi người sẽ cầm một chiếc chuông nhỏ bằng đồng, khi vào nhịp có thể khiến các chàng trai, cô gái người Dao nhập làn điệu say mê ngay lập tức… tay phải cầm chuông lắc từ trong ra ngoài, tay trái cầm que, đưa đi 3 nhịp, đưa lại 3 nhịp, chân nhún lùi lại một bước, nhún tiếp 3 nhún, đi theo vòng tròn 3 bước từ trái sang phải, rồi xoáy tròn về vị trí ban đầu và cứ thế múa liên tục cho đến khi hết bài.

Kết hợp với tiếng trống, tiếng chiêng, song hành với nhịp chân di chuyển, những ai được chứng kiến đều sẽ cảm thấy điệu múa chuông này đầy mê hoặc. Sau mỗi lần biểu diễn, những chiếc chuông này sẽ được bà con Dao Tiền mang về báo cáo với thần linh tại nhà và cất giữ cẩn thận.

Chuông là đạo cụ không thể thiếu trong nghi lễ Cấp sắc của người Dao Tiền ở thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, người Dao Tiền sinh sống chủ yếu ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên. Hiểu rõ được giá trị, nét đẹp văn hóa dân tộc mình, từ thế hệ này sang thế hệ khác, người Dao Tiền ở Tuyên Quang vẫn luôn duy trì điệu múa trong các dịp lễ.

Đặc biệt, từ khi nhiều địa phương thành lập các Câu lạc bộ văn hóa truyền thống của dân tộc, các thành viên thường xuyên biểu diễn điệu múa chuông tại các ngày hội văn hóa, hay giới thiệu tới khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch.

Anh Bàn Văn Khoải, Trưởng thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang cho biết, với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, cộng đồng người Dao Tiền đang nỗ lực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, trong đó có điệu múa chuông.

Không chỉ mang yếu tố nghệ thuật, tâm linh, múa chuông của người Dao tiền còn là sự kế thừa văn hóa truyền thống, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cần được bảo tồn và phát huy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO