Dám nghĩ, dám làm và làm phải hiệu quả, chị Bàn Thị Ngân, dân tộc Dao ở thôn Nặm Làng, xã Đức vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã phát triển hướng đi cho mình và gia đình cùng bà con dân bản thôn Nặm Làng bằng cách thành lập Hợp tác xã Hợp Phát, chuyên kinh doanh hạt dẻ và một số cây ăn quả là thế mạnh của địa phương.
Thành lập năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Hợp Phát còn gặp nhiều khó khăn do mới thành lập. Song bước đầu đã phát huy hiệu quả, mở ra những triển vọng, hứa hẹn về một mô hình kinh tế tổng hợp mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho bà con ở địa phương.
Chị Bàn Thị Ngân chia sẻ, năm 2006 chị sang tỉnh Lạng Sơn học hỏi kinh nghiệm về trông cây dẻ ván, sau đó đưa về trồng thử nghiệm tại địa phương. Do phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai nên cây dẻ phát triển tốt, sản phẩm hạt dẻ được khách hàng ưa chuộng. Với suy nghĩ mở rộng diện tích cây dẻ, đồng thời kết hợp với chăn nuôi.
Năm 2019, chị Ngân kêu gọi các hộ dân tại xã Đức Vân thành lập HTX Hợp Phát. Đến nay, HTX của chị có 21 thành viên đều là dân tộc dao, tập trung chủ yếu trồng cây ăn quả, trong đó phần lớn là cây hạt dẻ, kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm, thuỷ cầm.
Nhận thấy tiềm năng từ cây dẻ, mấy năm nay, nhiều thành viên HTX đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dẻ. Hiện chị Ngân đã mở rộng diện tích được 50ha cây dẻ, với khoảng 8.000 cây trồng tập trung chủ yếu ở thôn Piêng Dượng, Nặm Làng xã Đức Vân. Trong đó, khoảng 10 ha cây dẻ đã cho thu hoạch, sản lượng 9,5 tạ/1ha, giá bán buôn tại vườn là 100.000 đồng/1kg.
Theo đánh giá của khách hàng thì sản phẩm hạt dẻ ở đây có mẫu mã đẹp, hạt to, có vị thơm bùi đặc trưng… Năm 2020, sản phẩm hạt dẻ của HTX Hợp Phát được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh đây cũng là điều kiện thuận lợi để sản phẩm của Hợp tác xã vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần đem lại sự ổn định trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động của HTX.
Cùng với trồng trọt, Chị Ngân cũng triển khai tới các thành viên của HTX đẩy mạnh chăn nuôi, mỗi năm duy trì khoảng 5 nghìn con gà và hơn 60 con trâu. Doanh thu đạt hơn 1,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận là hơn 500 triệu đồng đã trừ chi phí từ giống cây, phân bón và thức ăn…
Bên cạnh triển vọng kinh tế bước đầu, HTX Hợp Phát cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Do mới thành lập, HTX chưa được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, nhà xưởng do thiếu vốn, việc sản xuất chưa triển khai theo hướng tập trung mà phân tán tại các hộ gia đình thành viên HTX. Còn cây dẻ là cây trồng lâu năm, đầu tư ban đầu lớn, sau 3 năm mới cho thu hoạch, cây mới cho thu hoạch sản lượng còn thấp. Các loại quả như mận, đào giá thành không ổn định, sản lượng thấp không đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đến nay, chị Ngân cũng chưa nghiên cứu được công nghệ bảo quản hạt dẻ, rất khó khăn cho việc thu mua sản phẩm của bà con và thành viên của HTX, nên chưa thể chế biến sản phẩm thành hàng hoá.
Bên cạnh đó, nhận thấy, việc trồng cây dẻ theo quy trình hữu cơ áp dụng khoa học kỹ thuật sẽ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, với bà con thì đây là phương pháp canh tác mới, cây trồng dễ bị sâu bệnh mà chị chưa có giải pháp để phòng trừ sâu bệnh cho cây.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, HTX Hợp Phát gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi dẫn đến sản lượng chăn nuôi giảm… Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng quá cao, HTX của chị Ngân cũng chưa đủ sản lượng để cung cấp ra thị trường ngoại tỉnh, cũng như các siêu thị lớn ở Hà Nội mặc dù chị đã tìm hiểu hầu hết các hộ trồng dẻ ở các xã lân cận trong huyện như: Thượng Ân, Cốc Đán… khi đến vụ thu hoạch dẻ thì sẽ do HTX của chị bao tiêu sản phẩm và cũng tạo thành mối liên kết giữa người trồng dẻ và HTX.
Dự định của chị Ngân trong năm 2023 là khi có được nguồn thu từ hạt dẻ, chị sẽ cho xây dựng nhà kho đông lạnh để sơ chế, vì hiện nay chị chỉ bán hạt dẻ thô. Mục tiêu của chị khi đã ổn định thị trường thì sẽ hướng HTX vào sản xuất một số mặt hàng như: Ô mai, mơ, mận. Dự kiến doanh thu trong năm tới sẽ đạt hơn 1,5 tỷ, lợi nhuận 700 triệu đồng, thu nhập cho một thành viên 35 triệu đồng/1 năm.
Ông Hà Văn Tường, Phó Chủ tịch xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Chị Bàn Thị Ngân là một điển hình của xã, với tác phong dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế hộ gia đình, chị Ngân đã đưa cây dẻ ván Lạng Sơn vào trồng và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Không dừng ở đó, chị Ngân còn vận động các hộ gia đình đưa cây dẻ vào trồng và mở rộng diện tích, đồng thời sáng lập HTX Hợp Phát, bước đầu HTX đã đi vào hoạt động, tạo cơ hội cho bà con địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vận động bà con trong thôn xoá bỏ cây trồng không có giá trị, trồng cây dẻ có giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm lao động tại địa phương xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của HTX Hợp Phát đã bước đầu tạo công ăn việc làm, nguồn thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Để mở rộng phát triển sản xuất, thời gian tới, HTX sẽ tập trung đầu tư xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, đồng thời mở rộng diện tích cây dẻ, từ đó xây dựng vùng cây đặc sản có tính hàng hóa...