Các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được huyện Thanh Sơn thực hiện tốt trong thời gian qua, trong đó có việc đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần mở rộng hệ thống phân phối uy tín trong và ngoài tỉnh.
Đến gần hơn với người tiêu dùng
Theo chân Tổ trưởng Tổ Khuyến nông xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, chúng tôi đến thăm cánh đồng lúa nếp Quạ Đen của gia đình ông Đinh Văn Dự ở khu Giai Thượng. Được biết, vụ mùa năm nay, gia đình ông thu hoạch khoảng hai tấn lúa nếp Quạ Đen trên diện tích hơn 1ha, mang về doanh thu hơn 40 triệu đồng. Ông Dự cho biết: “Năm nay, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng, kết quả rất khả quan. Cây lúa sinh trưởng tốt, hạt gạo tròn, xôi dẻo, ráo tay, giá trị kinh tế cao gấp 2,5-3 lần giống lúa tẻ. Có những thời điểm, nếp Quạ Đen cháy hàng, không đủ số lượng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Điều này cho thấy, nếp Quạ Đen đã được đông đảo người tiêu dùng trên đón nhận và tin dùng”.
Năm 2023, diện tích trồng lúa nếp Quạ Đen tại xã Thắng Sơn là 60ha, tăng 57ha so với năm 2020; năng suất lúa đạt hơn 300 tấn, doanh thu đạt gần năm tỷ đồng. Để đạt được kết quả đó, thời gian qua, xã Thắng Sơn đã nỗ lực xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm và quảng bá sản phẩm trên thị trường. Cùng với sự hỗ trợ của huyện, sản phẩm đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử của Sở Công thương, trên các nền tảng mạng xã hội và tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, huyện mở rộng diện tích trồng loại lúa nếp đặc sản này lên khoảng 85ha tại các xã Yên Sơn, Cự Đồng, Hương Cần, Yên Lãng, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí, xây dựng hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.
Hiện tại, huyện Thanh Sơn có 19 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 11 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao như chè, thịt chua. Với mục tiêu phát triển sản phẩm đặc trưng nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, huyện Thanh Sơn đã tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của huyện, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tổ chức Hội chợ Thương mại du lịch ẩm thực huyện với 140 gian hàng; tham gia hội chợ tại các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh; trưng bày sản phẩm tại Đại hội Công đoàn, Đại hội Nông dân các cấp đồng thời bày bán tại các hệ thống siêu thị, trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng xã hội như: Tiktok, Shoppe, Facebook...
Đặc biệt, trong tháng 12/2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp Công ty cổ phần và thương mại dịch vụ ADLA tổ chức phiên livestream trên nền tảng Tiktok để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm của huyện như mỳ gạo Hà Tế, thịt chua, nếp Quạ Đen, chè tôm nõn... Chỉ trong 2,5 tiếng đã bán được 516 sản phẩm, doanh thu đạt hơn 105 triệu đồng.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực, song các sản phẩm còn mang tính thời vụ, một số loại sản phẩm số lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu của các thị trường. Vì vậy, việc thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030 đã và đang là động lực thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm khu vực miền núi.
Tại Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 07 về “Phát triển nông, lâm nghiệp huyện Thanh Sơn giai đoạn 2021-2025”, đề ra những nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong phát triển sản phẩm đặc trưng của huyện đến năm 2025. Trong đó, tập trung hình thành vùng liên kết sản xuất, có sản lượng ổn định; chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm như: ISO, VietGAP, an toàn thực phẩm...; ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm và quảng bá sản phẩm trên thị trường. Huyện ưu tiên tập trung phát triển ba sản phẩm: Lúa nếp Quạ Đen, Chuối phấn vàng, Chè xanh (Hợp tác xã Cẩm Mỹ) với kinh phí thực hiện gần 8,4 tỷ đồng.
Ông Hà Thế Anh - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách đã ban hành của tỉnh, lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ phát triển sản phẩm được chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao và bảo quản sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, xây dựng liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung”.
Trong thời gian tới, huyện Thanh Sơn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền trong triển khai các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền có tiềm năng, lợi thế của huyện. Đặc biệt tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.