Gương sáng

Mô hình thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu ở miền Tây xứ Nghệ

Gia Ân - Lữ Phú 21/10/2023 - 10:57

Bằng sức trẻ cùng với sự nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, những năm qua, trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ mang lại hiệu quả cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương

Sinh ra trong một gia đình thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Vi Văn Tiến ở bản Na Khướng, xã Na Loi (huyện Kỳ Sơn – Nghệ An) thấu hiểu nỗi khổ của sự nghèo khó, nên ngay sau khi học hết phổ thông Tiến đã quay về quê hương để phát triển kinh tế.

Tiến cho biết, nhận thấy địa hình tự nhiên của bản Na Khướng chủ yếu là đồi núi dốc, rất thích hợp để phát triển nghề chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là việc chăn nuôi dê và bò. Năm 2008, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách, cùng sự hỗ trợ của họ hàng trong bản, anh đã đầu tư vào chăn nuôi dê sinh sản.

Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, anh đã tích cực tìm hiểu, học tập kinh nghiệm nuôi gia súc từ các mô hình chăn nuôi đi trước và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Đến nay, anh Tiến đã có một gia trại trên 40 con bò, hơn 50 con dê, hơn 20 con lợn, 30 con trâu, mỗi năm thu về từ 90 đến 110 triệu đồng.

1-3-.jpg
Anh Vi Văn Tiến đang chăm sóc đàn dê hơn 50 con của gia đình

Tâm sự với chúng tôi anh Tiến cho biết: “Trước đây, nhiều thanh niên trong bản ra bắc, vào nam làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp, hay đồn điền cao su, còn tôi ở nhà chăn nuôi. Để có nguồn vốn đầu tư, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua dê, mua bò về nuôi.

Sau nhiều năm khai hoang, mở rộng gia trại, hiện gia đình đã có trang trại hơn 10 ha, bố trí chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm khác nhau. Bây giờ, đời sống kinh tế của gia đình đã ổn định, có của ăn của để, không còn đói nghèo như ngày trước nữa…”.

Còn vợ chồng đoàn viên Vi May Cáng và Lương Thị Hồng ở bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn đến với nhau khi tuổi đời còn rất trẻ, song vợ chồng anh đã sớm có chung ý chí cố gắng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Thời gian đầu lập nghiệp, đôi vợ chồng trẻ phải chắt chiu dành dụm từng đồng vốn một để đầu tư nuôi lợn.

Những tưởng sẽ có thành công, nào ngờ gần đến ngày “hái quả”, lợn bị dịch chết hết, khiến gia sản tiêu tan. Nhưng không vì thế mà vợ chồng anh Cáng nản lòng, để có nguồn vốn tái phát triển kinh tế, vợ chồng anh Cáng làm hồ sơ đăng ký vay vốn Ngân hàng chính sách 15 triệu đồng về đầu tư cho vợ nuôi bò sinh sản.

Bài học từ thất bại lần trước càng khiến vợ cồng anh Cáng, chị Hồng quyết tâm sớm thoát nghèo, anh Cáng khăn gói xuống thành phố Vinh (Nghệ An) học nghề sửa chữa xe máy. Sau khi được tích lũy kiến thức từ các lớp dạy nghề, anh trở về quê mở cơ sở sửa chữa, thay thế phụ tùng xe máy, xe đạp ở trong bản, hàng ngày cũng có một lượng khách kha khá, có thêm việc làm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho cả gia đình. Dần dần, kinh tế của gia đình anh Cáng ngày càng khấm khá. Mỗi năm gia đình anh có thu nhập từ 75 đến 90 triệu đồng.

4.jpg
Có thêm nghề sửa chữa xe máy, xe đạp gia đình anh Cáng bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn - Nghệ An có thêm nhiều nguồn thu

Chia sẻ thêm về nghị lực vươn lên thoát nghèo, anh Vi May Cáng, bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn - Nghệ An) tâm sự: “Khi tôi mới lập gia đình điều kiện kinh tế rất khó khăn, phải đi làm thuê, làm mướn trong bản mới có cơm ăn. Sau suy tính lại thì về nhà nuôi lợn, nuôi bò, dần dần tích góp từng ít một từ tiền lời bán lợn.

Sau nhiều lứa, rồi vay vốn thêm ngân hàng, vợ chồng tôi cũng mua được 2 con bò về nuôi, sau 5 năm thì bò đã có trên 10 con, mỗi năm bán từ 4 đến 6 con bò đực cũng mang lại khoản thu kha khá cho gia đình. Cộng thêm thu nhập từ sửa chữa xe máy vợ chồng tôi đã có của để dành".

5-1-.jpg
Mô hình chăn nuôi bò vàng địa phương của thanh niên huyện vùng cao Kỳ Sơn

Mô hình thiết thực, mang lại hiệu quả cao cần được nhân rộng

Những năm qua, mô hình đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi, thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở huyện Kỳ Sơn ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương. Trong số đó có nhiều người tuổi còn rất trẻ nhưng đã có ý chí, quyết tâm vươn lên làm giàu, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, dịch vụ vận tải… mỗi năm cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, góp phần rất lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi rẻo cao biên giới này.

6.jpg
Mô hình trồng gừng của đoàn thanh niên xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An

Đồng chí Vi Thái Thuận - Bí thư huyện đoàn Kỳ Sơn chia sẻ: “Phong trào thanh niên tham gia phát triển kinh tế là một trong những nội dung được Ban Thường vụ huyện đoàn Kỳ Sơn quan tâm chỉ đạo và qua thực tế triển khai từ cơ sở đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Qua khảo sát tại 15 đơn vị đoàn xã thì đã có trên 40 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, kết quả mang lại không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo cho đoàn viên thanh niên,... mà quan trọng hơn là làm cho công tác đoàn và phong trào thanh thiếu niên ở Kỳ Sơn có nhiều khởi sắc, đặc biệt là các phong trào thi đua".

7.jpg
Trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ mang lại hiệu quả cao

Với những tiềm năng, lợi thế như diện tích đất tự nhiên rộng lớn, phì nhiêu, có nhiều tiểu vùng khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm, phù hợp cho việc chăn nuôi, phát triển nhiều loại cây con bản địa như cây dược liệu, cây gừng, chăn nuôi trâu, bò, lợn đen, gà đen địa phương… những thanh niên trẻ nơi đây cần phát huy lấy tiềm năng trở thành lợi thế, mạnh dạn đầu tư, nhân rộng nhiều hơn các mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế, để góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở huyện nghèo miền núi Kỳ Sơn – Nghệ An.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO