Văn hóa

Mekong – Dòng sông huyền thoại

Nguyễn Trung Thành 05/10/2023 13:51

1.Trên thế giới, hiếm có con sông nào quyến rũ, mời gọi như Mekong. Trên hành trình tìm về với biển, có những đoạn sông như thanh kiếm dữ, dùng sức mạnh thiên binh vạn mã xẻ đôi, bổ dọc các đỉnh núi dựng trời mà tự chôn mình vào lòng đá. Nhát chém gọn và sắc lẹm đến mức khiến người ta có cảm giác chỉ cần nhún chân chút thôi cũng nhảy sang được phía bờ bên. Những đoạn ấy, nhìn từ cao, sông như thẻo mây trắng dũi lút vào các rông núi trôi mơ màng, trễ nải.

Càng đi về phía thượng nguồn, Mekong càng dữ dằn, hoang dã, nước gầm gào, sôi réo quanh năm. Nếu không may sẩy chân xuống dòng nước ấy, con người ta chỉ có thể thoát khỏi tử thần bằng một phép màu chứ tuyệt không phải nhờ vào sự mẫn cảm với sông thiêng nước ác.

Qua khỏi địa phận Trung Quốc, Mekong hạ độ cao từ nghìn mét xuống còn 400 – 500m so với mực nước biển ở biên giới Lào với Myanma và Lào với Thái Lan. Suốt mấy trăm kilomet, sông vẫn miệt mài chảy giữa rợn ngợp, mênh mông, giữa vòi vọi thành quách đá. Đá hang hốc, đá chầy bửa nằm chình ình khắp nơi khắp chốn. Có cảm giác rằng, sông phải khó khăn, nhẫn nại lắm mới vượt qua được qua những trận địa đá để trổ đường ra biển lớn.

Sau khi vượt qua trăm thác nghìn ghềnh, Mekong lững lờ, khoan thải chảy như có như không giữa êm đềm đồng bãi và rồi bất ngờ cuộn mình nằm nghỉ tạo nên một Biển Hồ với trữ lượng nước ngọt lớn nhất vùng Đông Nam Á. Chán chê, mê mỏi với đền đài, chùa tháp của Vương quốc Camn- Pu - Chia, sông vươn vai đứng dậy nhẩn nha đi tiếp.

anh-bai-mekong-1.jpg
Một khúc sông Mekong phía thượng nguồn.

Bắt đầu từ Phnôm Pênh, Mekong chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Ba Thắc, bên trái là Mekong, cả hai “nhập tịch” Việt Nam qua Châu Đốc, Tân Châu (An Giang) và được gọi với cái tên mới là sông Tiền, sông Hậu.

Khác hẳn với vẻ dữ dằn, hoang dã phía thượng nguồn, càng về phía hạ lưu, Mekong càng hiền hòa, bao dung và phóng khoáng. Trước khi hắt mình ra biển Đông qua chín cửa, sông cũng kịp gặn chắt phù sa và các trầm tích văn hóa, khí phách của hàng trăm tộc người đã gặp trên suốt hành trình chảy dài hơn 4.200 kilomet để bồi đắp lên một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn trải suốt 13 tỉnh, thành ở miền Tây Nam Bộ của Việt Nam.

Lịch sử đã chứng minh rằng từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước, các lưu dân của Vương quốc Phù Nam đã men theo dòng chảy, lựa những giồng đất được bồi đắp bởi phù sa Mekong để lập nên các xóm làng trù mật. Họ được xem là những người có công đầu trong việc khai phá vùng châu thổ rộng lớn và nổi tiếng hoang vu quanh lưu vực của sông Tiền và sông Hậu xưa kia.

anh-bai-mekong-2.jpg
Mekong đã bồi đắp nên những xóm làng trù mật ở miền Tây.

Rồi tiếng lành đồn xa, các cư dân người Kinh, Hoa, Khome từ miền Trung dong thuyền vượt biển kéo vào, từ Tây Nguyên dạt xuống, thậm chí cả người Mông, người Mường phương bắc cũng không quản ngại xa xôi, vượt qua dặm dài thiên lý để quần tụ về “mảnh đất ấm” này sinh cơ lập nghiệp.

Mỗi dân tộc ấy, dẫu là nhỏ bé, nhưng họ cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đánh thức vùng đất hoang vu, biến bạt ngàn lau lách, mênh mông tràm đước thành bờ xôi ruộng mật. Các số liệu thống kê chính là minh chứng hùng hồn nhất về mức độ trù phú mà thiên nhiên ban tặng miền Tây, một cách gọi khác của miền Tây Nam Bộ.

Lúa, cây lương thực chủ đạo của đồng bằng sông Cửu Long được trồng nhiều nhất ở các tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang. Trung bình mỗi năm, “vựa lúa của Việt Nam” cho thu hoạch từ 21-25 triệu tấn, chiếm đến hơn 50% tổng sản lượng lúa của cả nước, bình quân lương thực trên đầu người ở đây cũng cao gấp 2 - 3 lần so với các vùng khác. Không chỉ cung cấp, đáp ứng cho thị trường trong nước, lúa gạo từ vùng châu thổ Mekong còn kiêu hãnh “bay” khắp trời Âu - Á, “đậu” vào mâm cơm của nhiều gia đình ở nhiều quốc gia.

anh-bai-mekong-3.jpg
Phù sa Mekong góp phần biến Đồng bằng song Cửu Long thành vựa trái cây và vựa lúa của Việt Nam.

2.Nhờ dòng phù sa mặn mòi của Mekong, miền Tây nổi tiếng phát triển về các loại cây ăn quả với sự đa dạng về số lượng, cũng như chất lượng. Bên cạnh đó là nguồn lợi thủy sản vô cùng lớn từ sông đem lại. Trong phần lớn chiều dài của mình, Mekong phải chảy trên đá, thúc mình vào đá, nên cũng chính đá và thác đã vô tình tạo cho sông những hang cá, mỏ cá khổng lồ. Đó là những hang nước ấm, có khoáng chất, là nơi các loài thuỷ sản rủ nhau quy tụ. Trong những chiếc “tổ” nhiều sinh dưỡng ấy, các loài cá úc, cá trê, cá đuối gai độc khổng lồ, cá nhái răng nhọn, cá chép lớn, cá tầm (để làm trứng cá muối) và cá hồi ăn thịt, có những loài có con nặng tới vài chục kilogam kg và dài cả mét. Đặc biệt, trên dòng sông dài thứ 12 thế giới này còn có các loài cá chiên và cá lăng quý hiếm, nổi tiếng thơm thảo chỉ dùng để tiến vua thuở trước.

Bao đời nay, người Lào, người Thái Lan, người Cam – Pu - Chia ven sông chia nhau khai thác các mỏ tôm mỏ cá mà không hết. Khi về đến Việt Nam, lượng thủy sản trên Mekong vẫn rất dồi dào, sông vẫn cung cấp cho người dân khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long nhiều loài cá nước ngọt quý báu.

“Bạc Liêu nước chảy lờ đờ/Dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu”, hay “Theo anh về xứ Bạc Liêu/Ăn cá thay bánh, sò nghêu thay quà”, hai câu ca dao ấy đủ nói lên mức độ trù phú về thủy sản mà Mekong và những nhánh sông chảy như mạch máu khắp “da thịt” miền Tây của nó dâng hiến cho đời.

Nói về hai câu ca dao xưa, người dân đồng bằng sông Cửu Long giải thích rằng, bởi ngày xưa, cá chốt ở vùng này nhiều vô kể. Nhiều đến nỗi vào những đêm trăng sáng, người ta chỉ cần rải một nắm cám xuống sông lập tức chúng sẽ quơ râu đầy trên mặt nước. Đến mùa sa mưa, cá chốt con nào cũng mập ú, to bằng ngón tay cái, bụng mang đầy trứng.

anh-bai-mekong-4-1-.jpeg
Khai thác thủy sản trên dòng Mekong.

Xưa kia, cá chốt thường chỉ xuất hiện trong bếp ăn của những gia đình nghèo, nhưng giờ đây, cuộc sống biến thiên, nhu cầu của con người cũng thay đổi. Số lượng thực khách tìm về với những món ăn dân dã ngày càng đông, thế là cá chốt “lên đời”. Nó dần trở thành đặc sản nổi tiếng trong các nhà hàng, khách sạn. Chính vì thế, nó cũng đem lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho nhiều gia đình ở xứ sông nước cuối trời Nam.

Hơn thế nữa, trên hành trình “mang gươm đi mở cõi”, khai phá vùng đất phương Nam, mỗi lưu dân đều mang theo những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Những giá trị văn hoá đó, trải qua bao thăng trầm, tao loạn vẫn được lưu giữ và trao truyền cho đến ngày nay.

Có lẽ, trên khắp dải đất hình chữ S, chả ở đâu quy tụ được nhiều dòng văn hóa, tín ngưỡng như ở miền Tây Nam Bộ. Từ dòng văn hóa Óc Eo cho đến dòng văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn, và dòng văn hóa Xam-rông-xen có nguồn gốc từ Cam - Pu - Chia. Tất cả các dòng văn hóa đó đã và đang dệt thêm gấm hoa cho bức tranh văn hoá rực rỡ, đa sắc màu của dân tộc Việt Nam.

Và, sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến đồng bằng sông Cửu Long mà không nhắc đến cải lương và đờn ca tài tử. Bởi, đây được xem là cái nôi của ca cổ Việt Nam với đỉnh cao là bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Chỉ cần tiếng đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu (tứ tuyệt) được tấu lên thì từ bà bán vé số, ông xe ôm đến anh công chức cổ cồn đều có thể ngân “Từ là từ phu tướng/Bảo kiếm sắc phong lên đàng/Vào ra luống trông tin chàng/Ôi tim vàng quặn đau í a” da diết mùi mẫn như ai, như thể họ sinh ra chỉ để ca.

Ca cổ, nó như một dòng văn hóa tuôn chảy, len lỏi qua những nếp nhà thậm thô mộc của vùng sông nước cuối trời Tây Nam Bộ, để đời đời con cháu duy trì cho đến tận bây giờ. Nói như lời của người già ở Bạc Liêu thì xưa kia miền Tây đất rộng người thưa, khắp nơi bời bời lau lách, biết lấy gì bầu bạn? Vậy thì phải ca thôi, ca để quên đi nỗi buồn giữa bịt bùng bóng đêm bủa vây giữa mênh mông trời nước.

anh-bai-mekong-5.jpg
Tác giả ngược sông Tiền

3.Không chỉ miệt mài đắp bồi phù sa cho xứ sở, dâng hiến nước ngọt cho những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những khu vườn trải dài xanh ngút mắt, trĩu ngọt hoa trái ở phía hạ lưu, Mekong còn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển kinh tế trọng điểm của cả nước.

Hơn thế nữa, nó còn là đòn bẩy để thúc đẩy miền Tây mỗi ngày thêm năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước. Đặc biệt là góp phần vào việc bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc.

Sử cũ còn ghi, trong thời gian đóng quân trấn giữ vùng biên cương Tân Châu – nơi con sông Tiền, một nhánh của Mekong, chảy vào đất Việt - Chưởng cơ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã cho nạo vét kênh mương, nối nhánh với sông Tiền, vừa giúp thông luồng cho thủy quân di chuyển, vừa lấy nước cho dân khai khẩn ruộng đất, để lại nhiều thành quả khai canh khai cơ rõ nét.

Từ việc xây dựng nền tảng kinh tế, xã hội vững chắc, Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục sứ mệnh hoàn thành cương giới quốc gia Đại Việt ở cả vùng miền Tây Nam bộ, trong đó có An Giang. Thế mới biết, trên mỗi vùng biên thùy nước Việt, từng tấc đất đều in dấu chân của cha ông đi mở cõi. Và thấy thật thấm thía, khi nghe ai đó nói rằng, cứ lần theo những bước chân ấy, xâu chuỗi những câu chuyện như còn đang rì rầm trong mạch nguồn lịch sử thì sẽ thấy được tổ tiên ta thông tuệ thế nào.

Và, quả đúng như nhà thơ Bế Kiến Quốc đã từng nói: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng/Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông/Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát trắng mênh mông/Thì cũng sông Trà, sông Hương, Sông Cửu Long uốn chín đầu rồng…”. Trên dòng Mekong huyền thoại ấy, đã có rất nhiều anh hùng dân tộc, nhiều danh tướng của lịch sử cách mạng được sinh ra, như Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định, Nguyễn Hữu Huân, hay Phan Ngọc Hiển... Thật khó để có thể liệt kê hết những người con ưu tú của miền Tây, lớn lên từ mặn mòi phù sa của đời sông kiếp nước Mekong để rồi tận hiến tài lực của mình cho đất nước, chỉ biết rằng, ở vùng đất này “hào kiệt đời nào cũng có”, từ nghìn xưa đã thế.

Giờ, khi ngược về phía biên giới Châu Đốc, Tân Châu, dù có đi trên sông Tiền hay sông Hậu, người ta đều thấy xóm làng trù mật với nhiều tòa nhà chọc trời kiêu hãnh đứng khuấy mây, vượt thoát hẳn lên tràm đước. Còn trên mênh mang nước, từng đám lục bình tím ngắt bồng bềnh trôi về hạ lưu, đâu đó tiếng gà trống gáy ban trưa, tất cả gợi cảm giác thanh bình vô hạn độ. Để có một miền biên viễn an yên như thế, thật khó để nhắc nhớ hết công lao của cha ông trong quá trình khai phóng biên cương đầy nhọc nhằn một thủa. Và, càng khó để đong đếm được những gì mà dòng Mekong dâng hiến cho khắp dải đất phương Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO