Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê đê ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) chứa đựng giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt trong đồng bào dân tộc Ê đê.
Một mùa xuân mới đang về trên quê hương Đắk Nông. Đồng bào dân tộc Ê đê xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút hân hoan tổ chức lễ kết nghĩa anh em. Chia sẻ cảm xúc khi tham gia buổi lễ diễn ra vào tối 22/12, chị H’Ngọc Êban đến từ buôn Nui cảm thấy rất vui và hào hứng trước buổi lễ hôm nay. Mọi công tác được chuẩn bị rất chu đáo.
Buôn Nui hình thành năm 1965, viết theo tiếng Ê đê là buôn Hnui, được lấy tên theo dòng suối Ea Hnui (nghĩa là “Nguồn nước muộn”). Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, đồng bào Ê đê đã chọn nơi đây để an cư. Sau này, buôn Nui tách thành 4 buôn gồm buôn Nui, Buôr, Trum và Ea Pô. Tuy có sự chia cắt về địa giới hành chính nhưng tình cảm đồng bào Ê đê của 4 buôn vẫn luôn bền chặt.
Lễ kết nghĩa anh em là một giá trị văn hóa đặc sắc thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt giữa các cộng đồng dân tộc Ê đê. Theo truyền thống, trước khi muốn làm lễ kết nghĩa, già làng buôn chủ nhà sẽ họp bà con và già làng của các buôn kết nghĩa để bàn bạc và thống nhất. Sau đó phân công nhiệm vụ để chuẩn bị cho lễ kết nghĩa. Lễ kết nghĩa diễn ra trong 2 ngày, ngày đầu bao gồm công tác chuẩn bị cho ngày lễ chính diễn ra hôm sau.
Lễ kết nghĩa cũng là tài sản hết sức có ý nghĩa trong đời sống văn hóa tinh thần, tạo sự gắn kết trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Với những nghi thức gần gũi với cuộc sống, thiên nhiên, buổi lễ tạo thành dòng chảy tinh thần giúp gắn kết con người với thiên nhiên. Lễ kết nghĩa diễn ra với các nghi thức gồm lễ đón bạn, lễ kết nghĩa, trao vòng sức khỏe, uống rượu cần, đốt lửa ăn mừng và giao lưu văn hóa dân gian.
Ở lễ đón bạn, trong vai trò là buôn chủ nhà, già làng buôn Buôr cùng bà con ăn mặc đẹp, trang trọng đứng trước cổng để đón khách. Đội chiêng ngồi đánh bên trong sân làm lễ. Trong lúc đó, ở ngoài cổng, già làng và bà con của 3 buôn gồm buôn Nui, buôn Trum và buôn Ea Pô, mang theo các lễ vật như rượu cần, chăn thổ cẩm, gà và các lễ vật nông sản khác tới để làm quà. Khi tới giờ lễ, tiếng chiêng vang lên, buôn chủ nhà vừa múa mừng khách vừa đón nhận những gùi quà của khách. Già làng của 4 buôn tiến về nơi làm lễ. Bà con đứng theo hình chữ U cùng các đội chiêng ngồi đánh chiêng.
Sau khi đã sắp xếp tất cả lễ vật, già làng buôn chủ nhà thực hiện lễ kết nghĩa. Theo truyền thống, già làng buôn chủ nhà lấy con gà ra cắt tiết và bôi lên tất cả vật dụng. Trong khi già làng 4 buôn đặt tay lên nhau, già làng buôn chủ nhà nói: “Thưa các già làng và bà con, hôm nay bà con 4 buôn gồm buôn Buôr, buôn Nui, buôn Trum và buôn Ea Pô của chúng ta làm lễ kết nghĩa anh em. Kể từ nay cho đến hết cuộc đời, mãi mãi là anh em một nhà, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau. Từ nay về sau, bà con 4 buôn chúng ta trở thành anh em một nhà, phải thương yêu, bảo ban nhau làm ăn, có việc gì khó phải giúp nhau, không được chia rẽ, có vui cùng hưởng, có họa cùng lo, cùng nhau làm ăn tiến bộ và xây dựng buôn làng ấm no, không tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh buôn làng để bà con sống trong bình an”.
Thực hiện xong nghi lễ kết nghĩa, già làng chủ lễ mời các già làng trao vòng đồng sức khỏe cho nhau và trao cho bà con. Người Ê đê quan niệm, vòng đồng tượng trưng cho sự gắn kết bền vững. Trao vòng xong đến nghi thức mời rượu. Già làng buôn chủ nhà sẽ thử rượu trước và sau đó mời khách và bà con.
Kết thúc nghi thức mời rượu, 4 già làng và các đại biểu thực hiện nghi thức thắp lửa. Ngọn lửa biểu trưng cho ngọn lửa chung của tình đoàn kết, gắn bó của 4 buôn. Đội múa và bà con cùng theo chân các già làng, tạo thành vòng tròn quanh các ché rượu cần và đống lửa cùng vui ca hát nhảy múa.
Lễ kết nghĩa anh em của người Ê đê ở Tâm Thắng chứa đựng nhiều tín ngưỡng, quan niệm sống, tư duy thẩm mỹ, nét văn hóa đặc trưng truyền thống riêng biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của bà con dân tộc Ê đê.
Bà Lê Thị Trúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL tỉnh Đắk Nông cho biết, lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê đê mang giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống giữa các cộng đồng đồng bào dân tộc Ê đê nhằm xây dựng buôn làng ngày càng no ấm, giàu đẹp. Lễ kết nghĩa được thực hiện trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và được bảo đảm duy trì đến đời con, đời cháu.
Thông qua việc tổ chức lễ hội này cũng nhằm phát huy vai trò già làng, những nghệ nhân am hiểu về văn hóa và cộng đồng tham gia lễ hội, truyền dạy cho con cháu giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Song song với đó, lễ kết nghĩa còn phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trong cộng đồng, đồng thời quảng bá các di sản văn hóa trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, phục vụ du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch của tỉnh.