Văn hóa

Mạch nguồn Quan họ Đông Yên

Lan Phương - Việt Tâm 21/12/2023 - 10:11

Nói đến làng Đông Yên, xã Đông Phong, huyện Yên Phong, mọi người dân vùng Bắc Ninh thường nhớ đến câu ca “Thứ nhất là đình Đông Khang/ Thứ nhì Đình Bảng, vẻ vang đình Diềm…” mà ít người để ý đến một mạch nguồn văn hóa Quan họ âm thầm chảy suốt chiều dài lịch sử. Lúc thăng lúc trầm, có khi đứt đoạn

Câu lạc bộ Quan họ làng Đông Yên được thành lập lại từ năm 2007, sau thời gian dài tưởng như văn hóa Quan họ đã mai một. Và từ đó đến nay câu lạc bộ liên tục duy trì hoạt động giữ gìn và bảo tồn văn hóa Quan họ với số lượng thành viên ngày càng tăng. Qua câu chuyện của Nghệ nhân Quan họ - anh hai Nguyễn Văn Lương, chủ nhiệm câu lạc bộ và các thành viên Ngô Trọng Thắng, Nguyễn Thị Mùi, Nguyễn Ngọc Hải… chúng tôi có thể mường tượng dòng chảy của văn hóa Quan họ Đông Yên có từ rất xa xưa.

Năm 1970, làng còn hai cụ chơi Quan họ. Trong bối cảnh chiến tranh, điều kiện kinh tế khó khăn, ở đâu người dân cũng chỉ lo làm ăn kiếm sống, nên lúc đó không ai để tâm học khiến nghề chơi Quan họ đã đứt đoạn một đoạn thời gian dài… Khoảng thời gian từ năm 2000 trở đi, cùng với trào lưu chung của cả vùng Kinh Bắc, nhiều người yêu Quan họ trong làng bắt đầu quay lại học hát Quan họ. Sẵn có mạch nguồn từ trong tiềm ý thức, như mạch giếng làng thấm đẫm từ lời ăn tiếng nói, từ cách cảm, cách nghĩ, lối ứng xử trọng nghĩa trọng tình… nghề chơi Quan họ trở lại với người dân Đông Yên như một lẽ tự nhiên, nhuần nhị mà đằm sâu. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” những người say mê Quan họ các thế hệ, như một lẽ tự nhiên dần dần hội tụ trong ngôi nhà chung - Câu lạc bộ.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa Quan họ tỉnh Bắc Ninh. Chỉ trong thời gian ngắn các liền anh liền chị đã học và hát thuần thục từng đích: 50 bài, 100 bài, rồi 150 bài hát đối đáp Quan họ truyền thống, liên tục trong nhiều năm tham gia Hội thi hát đối đáp Quan họ đầu xuân do tỉnh tổ chức đạt giải cao: 02 giải Nhì, 01 giải Nhất hát đối đáp 50 câu. 01 giải Ba, 01 giải Nhì, 01 giải Nhất hát đối đáp 150 câu, được công nhận làng Quan họ tiêu biểu của huyện. Hai liền anh Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Ngọc Hải được Nhà nước phong Nghệ nhân. Năm 2019, UBND tỉnh tặng Bằng khen làng Quan họ Đông Yên đã có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá Quan họ Bắc Ninh.

398-202312210940001.jpg
CLB Quan họ Đông Yên chuẩn bị vào canh hát mừng thọ thành viên Nguyễn Thị Mùi tuổi 80 đầu xuân 2023.

Kết quả có thể tóm tắt ngắn gọn trong vài câu, nhưng quá trình của một chặng đường là cả một sự gian nan khó nhọc mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Bởi vì khôi phục truyền thống chơi Quan họ không chỉ học làn điệu, thuộc làn điệu mà còn rất nhiều yếu tố cần được tìm hiểu lại, học lại như trang phục, lề lối hát canh, văn hóa ứng xử trong giao tiếp, trong sinh hoạt hàng ngày… đều cần nhuần nhuyễn đặc trưng văn hóa Quan họ. Trải qua hàng chục năm với tinh thần cầu thị, ham học hỏi, với sự chỉ dạy tỉ mỉ nhiệt tình của các lớp nghệ nhân đi trước từ các làng Quan họ cổ trong vùng, cùng với mạch nguồn tiềm thức nội tại, Quan họ làng Đông Yên đã nhanh chóng khôi phục những nét đẹp Quan họ truyền thống.

Trong rất nhiều thầy nghệ nhân truyền dạy cho câu lạc bộ Đông Yên, phải kể đến các nghệ nhân làng Châm Khê (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh), và nghệ nhân làng Diềm (phường Hòa Long). Việc học diễn ra thường xuyên, liên tục như cơm ăn nước uống hàng ngày. Buổi tối các ngày mọi người đều cùng nhau luyện giọng, bẻ câu, khi thì đến nhà các nghệ nhân các làng, khi thì tự học tại làng mình. Trong những buổi làm đồng cũng tranh thủ học. Anh Lương kể: Có những buổi đi cày, lúc nghỉ giữa buổi, đôi liền anh cùng thả cho trâu ăn cỏ, rồi tranh thủ ngồi ngay đầu bờ luyện vài bài rồi lại cày tiếp… Khi đã có nhiều liền anh, liền chị thuần thục 50 câu, 150 câu, 200 câu thì việc học lại được truyền cho thế hệ trẻ.

Hàng chục năm nay Câu lạc bộ đều tổ chức lớp học hát Quan họ cho các cháu thiếu niên vào dịp hè. Nhiều cháu đã say mê hòa nhập vào dòng chảy chung của làng. Có cháu tham gia học liên tục 4 năm liền, hát được khá nhiều làn điệu và có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Quan họ, điển hình như cháu Bích Ngọc. Những năm trước đây, khi chưa được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, mọi thành viên đều tự nguyện đóng góp kinh phí hoạt động. Tiền thưởng từ các giải thưởng thi hát Quan họ mọi người đều góp chung vào quỹ của câu lạc bộ. Mấy năm gần đây, được Nhà nước cấp kinh phí, câu lạc bộ có điều kiện mua sắm các trang thiết bị hiện đại như loa đài, trang phục Quan họ… việc tham gia giao lưu cũng thuận lợi hơn.

Chơi Quan họ dần dần hiểu được tính khiêm nhường và cách ứng xử tinh tế của người quan họ. Khi hát có nhạc đệm bên nữ xưng là em, bên nam xưng là tôi, còn khi hát không nhạc đệm thì cả hai bên đều xưng là em. Lý giải về điều này anh Lương chia sẻ: Cách xưng là em không phải là thể hiện sự kém cỏi mà là thể hiện sự khiêm nhường, tôn trọng bạn hát. Có cụ nghệ nhân bên làng Diềm năm nay đã 102 tuổi, nhưng khi trò chuyện với quan họ khách vẫn xưng hô như vậy…Ngày nay những người con xa quê và khách thập phương về thăm làng Đông Yên có thể gặp những cảnh sinh hoạt văn hóa quan họ ngay trong cuộc sống hàng ngày. Buổi tối có thể tham dự những buổi sinh hoạt luyện hát, truyền dạy quan họ tại đình làng, hoặc nhà văn hóa. Có thể được nghe và tham dự vào các canh hát đậm đà bản sắc Quan họ trong các sự kiện của các gia đình như cưới hỏi, mừng thọ, mừng tân gia…Trong các việc của thôn làng như lễ hội truyền thống ngày 24, 25 tháng Giêng và các hoạt động khác không thể không có hát Quan họ. Những làn điệu, câu ca quan họ truyền thống đã trở lại Đông Yên, đằm thắm và thiết tha, ngân lên và vang xa…

Theo https://baobacninh.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO