Để cồng chiêng giữ những âm thanh đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, một số nghệ nhân ở huyện Sa Thầy đã dành thời gian đi khắp làng chỉnh các bộ chiêng bị lạc âm. Khi chỉnh được chiếc chiêng, níu giữ lại “hồn” chiêng thanh thoát, ngân vang là một niềm vui vì thỏa lòng đam mê với cồng chiêng của các nghệ nhân.
Già làng A Đeng (80 tuổi, dân tộc Xơ Đăng - nhánh Hà Lăng, ở thôn Gia Xiêng, xã Rờ Kơi) là một trong những nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi. Không chỉ biết diễn tấu cồng chiêng mà dưới bàn tay khéo léo của mình, những bộ chiêng bị lạc âm, tịt âm đều được ông chỉnh sửa và mang lại âm thanh trong trẻo. Ở đâu có chiêng bị “bệnh”, ông đều được mời đến “chữa trị”. Đặc biệt, mỗi khi có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn do địa phương tổ chức, ông luôn được mời đến để xem qua từng chiếc chiêng. Tính đến nay, ông đã chỉnh được hơn 20 bộ cồng chiêng tập thể, cá nhân của trong và ngoài xã.
Nghệ nhân A Đeng cho biết: “Muốn chỉnh được một bộ chiêng, ngoài đôi tai thẩm âm tốt đòi hỏi người chỉnh chiêng phải có năng khiếu, khéo léo, chịu khó và tỉ mỉ. Thời gian chỉnh chiêng lâu hay nhanh phụ thuộc vào khả năng thẩm âm của người chỉnh chiêng; có những chiếc chiêng chỉnh rất nhanh chỉ mất khoảng hơn một tiếng, nhưng đối với bộ chiêng cổ nếu bị lạc âm, phải kéo dài nhiều ngày và cần sự hỗ trợ từ 2 - 3 nghệ nhân khác”.
Theo nghệ nhân A Đeng, chiêng để lâu ngày không đánh, hoặc đánh quá nhiều, âm thanh sẽ bị phô, đánh không ai nghe được thì cần phải chỉnh lại cho chuẩn xác. Để chỉnh sửa chiêng khỏi bị lạc âm, trước hết phải dò coi nó như thế nào, mỏng dày ra sao.
“Muốn chỉnh cho âm thanh cồng chiêng cao lên phải dùng búa sắt hoặc dùi gỗ đánh vào mặt trong của chiêng theo một vòng tròn cho âm cao dần lên, còn muốn chỉnh âm thấp xuống thì đánh vào mặt ngoài của chiêng. Trong quá trình làm, nếu mặt chiêng có hơi bị cong hoặc méo, dùng búa sắt gõ nhẹ, đều ở vị trí thành chiêng”- nghệ nhân A Đeng chia sẻ.
Lý thuyết thì đơn giản vậy, nhưng thực tế nghề chỉnh chiêng không phải ai cũng làm được. Người chỉnh chiêng xưa đã ít, nay càng hiếm hơn bởi nghề này đòi hỏi nghệ nhân phải có bàn tay “trời phú”, đôi tai thẩm âm thật chuẩn cùng kinh nghiệm trải qua bao năm tháng chơi chiêng mới có được.
Như nghệ nhân A Hyếu (dân tộc Gia Rai, ở làng O, xã Ya Xiêr), năm nay đã qua 75 mùa rẫy, cách chỉnh chiêng của ông đúc kết được là do tự học hỏi, tự bản thân mày mò, nghiên cứu chứ chẳng qua trường lớp đào tạo nào. Trong ký ức của nghệ nhân A Hyếu, ngày xưa trong làng có rất nhiều lễ hội, lễ cúng và đều cần đến tiếng chiêng vang lên để mời các thần linh về dự. Âm thanh cồng chiêng là sợi dây kết nối giữa con người và các thần linh, ông bà tổ tiên. Trước khi đem bộ chiêng vào tham dự lễ cúng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ cúng bến nước người chỉnh chiêng đều phải xem qua từng chiếc chiêng. Bởi chiêng để lâu ngày không đánh hoặc đánh quá nhiều thì âm thanh vang lên sẽ không còn hay, nên phải chỉnh lại.
“Các vật dụng dùng cho việc chỉnh chiêng cũng rất đơn giản, chủ yếu là chiếc búa nhỏ được làm bằng sắt, một chiếc đe, chiếc dùi gỗ và một số đồ nghề để cạo mặt chiêng… Không phải tất cả những ai đánh chiêng giỏi đều biết đến việc chỉnh chiêng, phải am hiểu về cồng chiêng và thật sự đam mê, chịu khó học hỏi thì việc chỉnh chiêng cũng trở nên dễ dàng hơn” - nghệ nhân A Hyếu cho hay.
Những năm qua, nghệ nhân A Hyếu đã chỉnh hơn 15 bộ chiêng bị lạc âm cho các hộ trên địa bàn xã Ya Xiêr cũng như bà con trong vùng lân cận. Với ông, mỗi khi chỉnh được chiếc chiêng, níu giữ lại hồn chiêng thanh thoát, ngân vang là một niềm vui vì đã thỏa lòng đam mê với cồng chiêng.
Hiện, nghệ nhân A Hyếu là người “truyền lửa” nghề chỉnh chiêng cho 2 người cháu trai của mình. Với mong muốn sau này thế hệ trẻ sẽ góp phần bảo tồn âm thanh đặc trưng để cồng chiêng ngân vang mãi với thời gian. Sau hơn 2 năm truyền dạy, những người cháu của ông đã nắm bắt và thực hành được kỹ thuật gò và căn chỉnh cao độ cồng chiêng cũng như phương pháp nhận diện hình hài các loại thang âm khác nhau trong cồng chiêng.
Theo ông Trần Văn Tiên, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sa Thầy cho biết: “Trong số hàng trăm người biết đánh cồng chiêng ở huyện thì những người có khả năng chỉnh chiêng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện huyện có gần 10 nghệ nhân thông thạo kỹ thuật chỉnh chiêng. Chỉnh chiêng là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi công sức, tâm huyết và tài năng thật sự của nghệ nhân. Thời gian tới, Phòng sẽ rà soát và lập danh sách những nghệ nhân biết chỉnh chiêng để cho tham gia các buổi tập huấn, lớp truyền dạy kỹ thuật chỉnh chiêng. Từ đó, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, gìn giữ nét đẹp riêng của âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên”.