Mất rừng, cũng đồng nghĩa với việc con người mất đi bàn tay che chở của đại ngàn trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Ý thức được điều đó, từ hàng trăm năm nay, đồng bào người Pu Péo ở vùng biên Phố Là (Đồng Văn, Hà Giang) và người Hà Nhì ở Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) vẫn luôn khắc ghi lời thề giữ rừng, xem đó như là tín ngưỡng truyền đời của dân tộc mình.
Xem rừng như máu thịt
“Người Pu Péo còn thì rừng Chúng Chải còn. Rừng Chúng Chải còn thì dân tộc Pu Péo còn”. Từ hàng trăm năm nay, lời thề ấy vẫn luôn tồn tại và vang vọng trong tâm thức của mỗi đồng bào Pu Péo ở Phố Là. Họ luôn coi những cánh rừng nguyên sinh là báu vật, đời nọ tiếp đời kia truyền nhau bảo vệ như một sứ mệnh thiêng liêng của mỗi người.
Già làng Củng Diu Suyền (thôn Củng Chá, xã Phố Là, huyện Đồng Văn) kể lại rằng: Trước đây, tổ tiên người Pu Péo cùng cụ tổ các dân tộc Hán, Mông, Clao đã thề với nhau ở ngôi miếu trước cửa rừng rằng, sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng. Chính vì lời thề ấy mà người Pu Péo ngay từ thủa nhỏ đã được truyền cho ý thức thờ thần rừng. Đến khi giã từ cõi sống, họ cũng nằm lại trong rừng. Rừng thiêng là một phần vừa tâm linh, vừa thực tế trong đời sống đồng bào.
Đến nay, người Pu Péo đã trải qua ngót 13 đời định cư trên đất Việt (khoảng trên dưới 300 năm). 13 đời người trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, 13 đời người thay nhau bảo vệ để có được cánh rừng thiêng ngút ngàn như ngày hôm nay. Và, tín ngưỡng đó đã tạo nên một nền tảng mang tính văn hóa của cộng đồng...
Cũng chính vì coi trọng rừng, xem rừng như máu thịt nên người Pu Péo có hẳn một lễ cúng thần rừng vào ngày mồng 6/6 âm lịch hàng năm. Bởi họ cho rằng, đây là ngày sạch sẽ nhất trong năm, trời đất linh thiêng. Tại cửa rừng, đồ lễ được bày biện trên những cái nong hoặc lá chuối rừng, bàn thờ được dựng bằng cây trúc màu xanh, cao gần hai mét, quay mặt về phía đỉnh núi cao. Lễ cúng được tiến hành qua bốn bước là dâng những lễ vật còn sống. Sau đó, các lễ vật được đem đi làm thịt tiếp tục dâng cúng phần thịt sống đó. Rồi chúng được nấu chín và đem trở lại đàn cúng một lần nữa.
Bước cuối cùng, thầy cúng sẽ mời hương hồn của tổ tiên người Pu Péo về chứng kiến lễ cúng thần rừng và cùng ghi nhận những lời cầu nguyện của tộc người Pu Péo. Rồi già làng và dân bản tới chỗ cây tổ cao và to nhất khu rừng để thắp hương và báo cáo với thần Rừng là buổi lễ cúng thần Rừng đã hoàn tất. Sau đó, thầy cúng xin thần Rừng một ít cây non để bà con dân tộc Pu Péo trồng vào những khoảng đồi còn trống.
Lễ cúng này nhằm mục đích cầu mong sự bình yên, sinh trưởng cho vạn vật. Lễ cúng không chỉ mang lại giá trị sâu sắc về tinh thần mà còn khẳng định vai trò, vị trí của cộng đồng gắn với thiên nhiên, là một hoạt động bảo vệ rừng hết sức hữu hiệu ở vùng cao núi đá.
Rừng thiêng Chúng Chải đã và đang chứng kiến những thay đổi của cộng đồng người Pu Péo. Những công trình dân sinh như đường xá, hồ chứa nước được Nhà nước đầu tư đồng bộ đã giúp các dân tộc thiểu số nơi đây bớt đi những tháng ngày khô hạn, thiếu nước sinh hoạt. Giờ, lớp thanh niên Pu Péo đã biết bảo nhau trồng rừng, nhận chăm sóc những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng vành đai biên giới để khai thác kinh tế rừng hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, toàn bộ các thôn, xóm của xã đều có rừng. Có thể thấy rằng, mặc dù cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà việc giữ rừng bị sao nhãng. Những cánh rừng thiêng vẫn ngút ngàn xanh và trường tồn dài lâu như lời thề giữ rừng của bà con các dân tộc trên biên giới. Đó là một nét văn hoá tâm linh hết sức đang trân trọng của những chủ nhân một vùng đất nơi địa đầu đất nước.
Phá rừng, khai trừ ra khỏi dòng họ
Nhìn trên bản đồ, Sín Thầu chỉ là một cái chấm tròn nhỏ bé, nhưng trên thực tế đó lại là nơi có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trên tuyến biên giới tây bắc Việt Nam. Sín Thầu có diện tích tự nhiên 16.571,64 ha, với 34,868 km đường biên, tiếp giáp với hai quốc gia Lào và Trung Quốc. Ở đây, cũng là vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé.
Suốt dọc dài con đường từ trung tâm xã lên đỉnh Khoang Len San, nơi có cột mốc 3 cạnh A Pa Chải, người ta có thể bắt gặp những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đó là chưa kể đến gần 140ha rừng thông, keo ở bản Tá Miếu đang dần trổ màu xanh mơm mởn. Tinh thần trồng và giữ rừng của người Hà Nhì đã và đang biến Sín Thầu thành vùng đất quyến rũ lạ kỳ.
Khi xuyên qua “Thập tầng đại sơn A Pa Chải”, tôi chợt liên tưởng đến những cánh rừng ở những miền đất khác, từ dọc dài biên giới phía Bắc rồi men theo dãy Trường Sơn kéo mãi vào đến Tây Nguyên, hút lên tận Bờ Y. Ở những nơi đó, nhiều cánh rừng bị tàn phá với tốc độ kinh hoàng, đâu đâu cũng xuất hiện những ngọn núi, quả đồi trơ khấc, trật lất toàn đất lẫn đá bạc phếch, tàn tro lem luốc. Tiếng chim rừng gọi bầy chỉ còn trong quá khứ. Tất cả là bởi sự vô tình của chính những người đã được sinh ra trong sự chở che, bao bọc của đại ngàn. Còn ở Sín Thầu thì khác hẳn. Rừng mướt mát, xanh mơn, cây nào cây nấy đều cành lá la đà, nghều ngào, mềm mụp phủ đầy rêu.
Để có được những trảng rừng đẹp như trong cổ tích ấy, người dân Sín Thầu đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để giữ gìn. Từ thuở hồng hoang, khi những người Hà Nhì đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, họ đã xem rừng là hơi thở, là cuộc sống, là máu thịt của mình.
Và suy nghĩ ấy, niềm tin ấy, tinh thần giữ rừng ấy đã được truyền lại cho lớp lớp con cháu người Hà Nhì đến tận bây giờ, nó tựa như một dòng chảy văn hóa len lỏi qua những nếp nhà thô mộc trên vùng đất Sín Thầu này, từ đời này sang đời khác. Trưởng bản Tá Miếu Lỳ Lá Na còn kể rằng, thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rừng nơi đây chả khác gì “thiên la địa võng” che chở cho dân quân, bộ đội. Hòa bình lập lại, rừng lại sản sinh ra những thứ nuôi dưỡng con người.
Chính vì xem trọng, “tôn thờ” rừng như thế nên người Hà Nhì quyết giữ rừng bằng mọi giá, dù máu đã đổ không ít trên mảnh đất này. Ông Lỳ Lá Na ở bản Tá Miếu kể rằng: Mùa khô năm 2010, rừng Sín Thầu bị cháy. Khắp bản trên, bản dưới, đồng bào kêu gọi nhau ra sức chiến đấu với giặc lửa để cứu rừng. Sau khi ngọn lửa hoàn toàn bị dập tắt, bà con mới phát hiện ra xác của Su Sè Hừ, nhà ở bản Tả Khố Khừ, bị cháy xém bên gốc cây cổ thụ. Hừ nằm lại rừng, vĩnh viễn ở tuổi 20. Để ghi nhớ tinh thần anh dũng của người con đất Sín Thầu, Nhà nước đã công nhận Su Sè Hừ là Liệt sỹ.
Kể từ đó, mỗi người dân Sín Thầu càng nêu cao tinh thần trách nhiệm giữ rừng, bởi đối với họ, mỗi nhành cây, chiếc lá đều thấm mồ hôi và máu xương của con em họ. Hàng ngày, họ vào rừng chăm sóc, trông nom từng cây, đề cao tinh thần cảnh giác khi có người lạ xâm nhập vào địa bàn, ngăn chặn mưu đồ chặt phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép. Chính vì thế mà người Hà Nhì ở xã Sín Thầu đã ngăn chặn được làn sóng di cư tràn lan, ồ ạt.
Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác trong dân, cung cấp số điện thoại của cơ quan chức năng để khi người dân phát hiện đối tượng có dấu hiêu khả nghi thì kịp thời thông báo.
Đặc biệt, ngoài việc truyền lửa cho con cháu việc giữ rừng, các già làng, trưởng bản và các bậc lão niên ở Sín Thầu có rất nhiều cách để hạn chế tình trạng ma túy xâm nhập cộng đồng. Bởi theo các cụ thì khi đã bập vào “hàng trắng, cơm đen”, con người ta khó tránh khỏi việc làm điều sai quấy để có tiền, kể cả việc phải vào rừng làm lâm tặc.
Chính vì thế nhiều dòng họ ở đây đều có quy định: Nếu ai phá rừng hoặc nghiện hút mà không cai được thì sẽ bị khai trừ ra khỏi họ. Dòng họ Pờ là dòng họ đầu tiên thực hiện việc này, sau đó các dòng họ khác cũng lần lượt học theo.
Nhờ vậy, tình hình an ninh, chính trị trong nhiều năm qua trên địa bàn Sín Thầu luôn được giữ vững. Nhiều năm nay, xã đã không còn cảnh những con nghiện vật vờ, dân bản không lo mất trộm… Nguyên Chánh án TAND huyện Mường Nhé Pờ Goo Loòng cũng đã từng xác tín rằng: Có thời điểm mà suốt 3 năm liền, Sín Thầu không có một trường hợp vi phạm pháp luật nào phải đưa ra xét xử. Và cũng vì lẽ đó mà lâu nay mảnh đất nằm tít hút cực Tây của Tổ quốc này được xem như là chốn bình yên nhất trên toàn cõi Việt Nam, còn bài học về tinh thần giữ rừng mà người Hà Nhì cùng với “những người anh em” Pu Péo của mình đã và đang viết lên sẽ còn sáng mãi với thời gian.