Đời sống xã hội

Lời Ru buồn của những bà mẹ trẻ

Thùy Dung 31/10/2023 - 07:17

Tảo hôn đang là vấn nạn nhức nhối ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, mặc dù các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, triển khai và nhân rộng các mô hình nhằm thay đổi hành vi để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng DTTS, song trên thực tế, tình trạng này thảng hoặc vẫn diễn ra và để lại không ít hệ lụy.

Lấy chồng, lấy vợ và làm bố, làm mẹ khi các em chưa trưởng thành ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm sinh lý của người mẹ. Việc phải nuôi con khi chưa đủ sức khỏe, thiếu hiểu biết khiến đứa trẻ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, dễ mắc bệnh. Hầu hết cuộc sống của những cặp "vợ chồng mũi dãi" này lâm vào cảnh khó khăn do chưa có kiến thức và hiểu biết để tự lo cho cuộc sống gia đình.

Mới 16 tuổi, cô bé Lùng (trú tại xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh) nhà nghèo nên học xong lớp 5 em nghỉ học theo ba mẹ lên nương rẫy phụ giúp gia đình. Cái nghèo cứ đeo bám mãi, sau những ngày làm việc vất vả trên nương rẫy thời gian rãnh em lên mạng xã hội trò truyện cùng bạn bè. Qua mạng xã hội em quen được chàng trai Pyeoh (18 tuổi, cùng làng) sau thời gian nhắn tin qua lại cả hai đem lòng yêu nhau và quyết định về ở chung một mà.

anh-1-bai-tao-hon-gia-lai.jpg
Kết hôn từ tuổi 15 cả hai người mẹ “trẻ con” Lùng và Pya đều phải tập làm quen dần với công việc làm vợ, làm mẹ trong gia đình.

Từ một thiếu nữ em trở thành “bà mẹ bỉm sữa” suốt ngày tất bật khi đứa con nhỏ chào đời, đứa trẻ sinh ra cũng không được chăm sóc đủ đầy. Nhìn đứa trẻ trên tay của Lùng còm nhom như suy dinh dưỡng, ngơ ngác đưa mắt nhìn người lạ. Nó cứ rúc đầu vào vú người mẹ tuổi 16 và liên tục khóc.

“Kinh tế trong gia đình đều phụ thuộc vào tiền đi làm thuê, bốc vác của chồng cháu, để có cái ăn hàng ngày cũng khó lắm rồi nên làm gì có tiền mua thêm sữa cho con. Nhiều lúc nhìn các bạn đi học, đi chơi, trong khi cháu lại ở nhà chăm con, cháu cũng thấy hơi tủi thân, nhưng vì đã chọn lựa lấy chồng, sinh con thì phải lo cho cuộc sống, không thể quay trở lại đi học như các bạn được nữa”, Lùng nói với giọng đượm buồn.

Bất chợt đứa trẻ trong lòng khóc thét lên, Lùng khẽ đong đưa con và khe khẽ hát ru con, lời ru như chứa đựng nổi niềm của người mẹ đối với đứa con yêu và chất chứa nổi buồn sâu lắng về cuộc sống đầy gian khó đang chờ phía trước.

Cũng như Lùng, Puih H’Liêng (trú tại huyện Ia Grai, Gia Lai) lấy chồng từ tuổi 13, vào nhà H’Liêng thấy cô gái nhỏ nhắn, mặt còn non choẹt địu một đứa bé, trong ánh mắt chất chứa nhiều nỗi buồn.

Khi bước vào cuộc sống làm vợ ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, H’Liêng cũng chẳng biết làm gì ngoài việc suốt ngày chỉ ở nhà bồng con, chăm con, chờ chồng về. Lập gia đình nhưng hai vợ chồng cùng con nhỏ vẫn sống phụ thuộc vào gia đình. Ở tuổi 15, H’Liêng vẫn đang từng ngày phải tập quen dần với việc mình đã làm mẹ, làm vợ.

Sau một hồi lâu ngần ngại và được trấn an, H’Liêng mới thỏ thẻ: Trong một lần đi chơi H’Liêng đã gặp và phải lòng chàng trai Siu Tái (20 tuổi, cùng làng). Thu hút bởi vẻ bề ngoài chững chạc, cảm mếm nên cả hai làm bạn và sau thời gian tìm hiểu và trò chuyện đến năm 2020, H’Liêng và Siu Tái quyết định về ở cùng nhau sau buổi tiệc nhỏ mời hàng đến chúc mừng.

“Cháu chỉ nghĩ yêu nhau thì về ở với nhau, có con thì nuôi thôi, cháu không nghĩ cuộc sống sau đó lại khó khăn và nhiều thứ phải lo toan đến như vậy. Cháu cũng muốn đi học như các bạn nhưng vì nhà nghèo quá, có ngày gặp các bạn đi học cháu cũng buồn lắm”, H’Liêng tâm sự

Tương tự như Lùng và Puih H’Liêng, thiếu nữ Pya (ngụ làng Jut 2, xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã phải lòng và yêu chàng trai Rơ Châm Dên (22 tuổi, làng bên) khi vừa bước sang tuổi 15. Được sự đồng ý từ gia đình hai bên, Pya và Rơ Châm Dên về chung sống chung với nhau.

Buổi tiệc “cưới” của “người mẹ trẻ con” hôm ấy chỉ có vỏn vẹn những người trong nhà chứng kiến. Vì chưa đủ tuổi nên cả hai chỉ làm một cái lễ dưới sự chứng kiến của những người trong gia đình và cũng chưa đăng ký kết hôn.

Chia sẻ với chúng tôi, Chị Býi (34 tuổi, mẹ ruột Pya) buồn rầu nói: Trước đây, chị cũng như con gái mình bây giờ, thời điểm ấy, trong làng ai cũng lấy chồng sớm như chị vì nghèo phải nghỉ học sớm nên chị Býi không nhận thức được lấy chồng khi chưa đủ tuổi là sai, cưới nhau rồi sinh con, chăm sóc con khi tuổi chưa đủ lớn nên đói nghèo cứ đeo bám mãi.

anh-3-bai-tao-hon-gia-lai.jpg
Già làng Puih Duch mong muốn chính quyền địa phương xử lý nghiêm khắc một đến hai trường hợp tảo hôn để có tính răn đe và công tác tuyên truyền hiệu đạt hiệu quả hơn.

“Khi nghe Pya về xin cưới chồng, tôi buồn lắm vì không muốn con lấy chồng sớm để khổ như mình bây giờ. Khuyên Pya không được nên tôi cũng đành đồng ý chỉ mong con được hạnh phúc”, Chị Býi ngậm ngùi.

Cuộc sống khó khăn, hầu hết các em phải nghỉ học sớm phụ giúp gia đình nên nhận thức còn hạn chế. Lấy chồng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” những người mẹ trẻ bỏ lại ước mơ và sự khao khát đến trường như các bạn cùng trang lứa để bước vào cuộc sống gia đình, sinh con, chăm sóc con cái khi ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Tảo hôn không chỉ đẩy nhiều cô gái, chàng trai mới tuổi mười lăm, mười sáu… người DTTS tìm đến cái chết mà còn gây ra tình trạng đói nghèo, thất học, bệnh tật, lạc hậu bám riết lấy những cặp vợ chồng “trẻ con”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sinh sản cũng như nhiều hệ lụy khác.

Khi được hỏi, hầu hết các em chẳng hiểu gì về chuyện vợ chồng, mới quen nhau rồi đến với nhau. Tại các thôn, làng nhiều trẻ em đang ở độ tuổi đi học lấy nhau khi chưa đủ tuổi trưởng thành. Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng “trẻ con” không thể lo được cho cuộc sống của mình chỉ vì tuổi đời còn quá trẻ từ đó dễ phát sinh mâu thuẫn trong gia đình, có hiều trường hợp dẫn đến tan vỡ hanh phúc gia đình…, do độ tuổi này các em chưa kịp trang bị cả về sức khỏe lẫn tâm lý.

Già làng Puih Duch (làng Jut 2, xã Ia Der) cho biết: "Trong những lần đi họp ở huyện và xã chúng tôi cũng được các cấp lãnh đạo và chính quyền phổ biến tuyên truyền về tình trạng tảo hôn. Nhưng một trong những nguyên nhân chưa chấm dứt tình trạng tảo hôn là do các cấp chính quyền chưa xử lý nghiêm khắc. Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành. Phải xử lý thật nghiêm khắc một đến hai trường hợp thì khi đó mới có tính răn đe và công tác tuyên truyền mới có hiệu quả".

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO