Đời sống xã hội

Lộc rừng đầu năm

Lê Văn Chương 09/03/2024 - 10:37

Tiếng của đồng bào Vân Kiều, “bui o” có nghĩa là phấn khởi, vui tươi. Nghe tôi hỏi về những sạp đựng quả bồ kết rừng phơi la liệt trên sàn nhà, dưới sân, ngoài rẫy; hoặc các loại cà gai leo, hạt trẩu vừa được thu hoạch, bà con ở bản Tà Puồng, xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đều vui vẻ cho biết, nhờ lộc trời cho, nên người dân vừa có được nguồn thu, vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng.

91331420pmt10-a2.jpg
Bà con dân bản phơi quả bồ kết để bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Văn Chương

Lào xào tiếng bồ kết

Bản Tà Puồng được điểm tô bằng một chiếc cổng chào rất đẹp, hai bên cắm 2 lá cờ, thân cột vẽ những cây trúc ghép lại với nhau. Già làng Hồ Văn Đăng phấn khởi cho biết: “Cổng này đẹp nhất vùng do Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị xây dựng cho bà con”. Nói rồi già làng đi dọc qua 2 dãy nhà sàn ở Tà Puồng để giới thiệu về cuộc sống của bà con đang đổi thay vì có hướng đi mới.

Ngay dưới chân nhà sàn, mấy tấm lưới được trải ra để phơi bồ kết rừng. Loại bồ kết này khác với bồ kết dưới đồng bằng là trái dày, có mùi thơm lựng, bẻ ra thì chất nhớt nhiều hơn. Bồ kết được thu hoạch cách đây vài tháng, nhưng bà con mang ra phơi lại để chống ẩm và bán cho thương lái. Khi quả bồ kết đã khô quắt lại thì vỏ giòn, hạt bên trong lúc lắc phát ra âm thanh lạch cạch. Vì vậy, cứ đi ngang qua ngôi nhà sàn nào có tiếng xào xào như mưa rừng đổ, tôi đều thấy chủ nhà nở nụ cười, vì đó là âm thanh của lộc rừng đã ban cho người dân.

Bà Hồ Thị Loan kể lại: “Hồi xưa khổ lắm, vậy rồi chính quyền triển khai dự án thu mua các loại quả được hái từ rừng thì bà con bắt đầu có tiền để lo cho gia đình”. Ông Hồ Văn Dần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Việt cho hay: “Bà con có nguồn thu từ nhiều loại quả, lá rừng, trong đó nhiều nhất là lá cây trẩu. Từ năm 2019, bà con được sự hỗ trợ của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV)”.

Cây bồ kết có thể thu hái quanh năm, nhưng cao điểm là vào tháng 3 và tháng 9. Bồ kết mọc ở vùng núi này có quả rất dày, hạt to, vỏ đen láng, vì vậy, rất được các doanh nghiệp ưa chuộng thu mua để sản xuất dầu gội đầu. Em Hồ Văn Trung, học sinh lớp 6 cho biết, từ khi có phong trào thu hái bồ kết, cứ hết giờ đi học, chúng em lại kéo nhau đi hái bồ kết, có nhiều cây mọc ở bìa núi, phải tranh thủ đi nhặt quả rụng, số tiền kiếm được cũng đủ mua sách, vở.

Mua thịt, mua cá nhờ... lá rừng

Già làng Hồ Văn Đăng giới thiệu từng gia đình có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng nhờ bán bồ kết và hạt trẩu. Ông chỉ vào ngôi nhà cũ kỹ và cho biết, nhà kia của ông Hồ Văn Rô, chưa có nhà tốt, nhưng con sẽ xây dựng ngôi nhà sàn đẹp và rộng rãi; gia đình kia là bà Hồ Thị Gieo, cũng thu hái được kha khá các lá cây dược liệu, chùm kết, vừa rồi bà bán được hơn 3 triệu đồng, có tiền mua thịt, cá, các loại đồ dùng. Nhờ có cây dược liệu và đầu mối thu mua nên người dân có sẵn tiền trong gia đình để chi tiêu, lo cho con đi học.

Anh Hồ Văn Chữ cho biết, trước đây, quanh nhà và đường lên nương rẫy có trồng vài chục cây trẩu, nhưng khi có công ty thu mua và bà con bán được hạt, gia đình đã mạnh dạn trồng 2.000 cây trẩu xen với lúa rẫy. Tới mùa thu hoạch, công ty đặt mua giá 8.000 đồng/kg lá. Anh Chữ và vợ hồ hởi đi hái lá suốt ngày. Gặp ai, anh Chữ cũng nói về chuyện không ngờ bán lá, hạt trẩu kiếm được tiền triệu.

Cây trẩu từ loại cây mọc hoang, trở thành nguồn sinh kế, tạo thu nhập cho đồng bào biên giới Quảng Trị. Ảnh: Văn Chương

Hết mùa thu hái lá trẩu, bà con ngồi bên bát rượu và râm ran kể chuyện thu hái hạt, rồi thắc mắc “không biết người ta mua lá, hạt trẩu để làm cái gì?". Đồng bào nghĩ sao thì nói vậy. Vậy là cán bộ thôn và BĐBP giải thích, hơn 100 năm về trước, người Pháp đã lựa chọn vùng đất này để canh tác cây trẩu. Dầu trẩu làm nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp, chế biến sơn, véc ni, mực in, chất làm khô bề mặt, chất bôi trơn, công nghiệp dược phẩm, nhiên liệu sinh học, than hoạt tính, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, hiện, địa phương có gần 3.000ha rừng trẩu, chiếm trên 21% tổng diện tích trồng trẩu của cả nước, chủ yếu tập trung tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Diện tích cây trẩu trên rừng phòng hộ chiếm trên 83%, số còn lại trên đất rừng sản xuất của người dân. Cây trẩu vừa có giá trị phòng hộ, vừa đem lại sinh kế cho đồng bào.

Bui o - phấn khởi!

Nói về công sức trồng cây dược liệu, già làng Hồ Văn Đăng thốt lên: “Mô? Hắn ở xung quanh đây, tự mọc chứ có trồng mô, nhưng họ chuẩn bị trồng, cây nhỏ như cây cột đã có quả, có cây to nhưng không có quả, cây trẩu nó lạ vậy đó”. Câu chuyện của ông thật vui. Vì ông kể chuyện hết sức hồn hậu, nhắc tới những cụ già không còn sức lao động, nhưng giờ này có thể kiếm được ít tiền tiêu vặt nhờ đứng dưới gốc cây bồ kết hay cây trẩu.

Đi khắp bản, nơi nào cũng nghe đồng bào nhắc tới “bui o”, tức là phấn khởi, vui tươi. Ông Hoàng Minh Trí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, hạt trẩu chủ yếu là xuất bán thô sang Trung Quốc, vì vậy, người thu hái, trồng trọt là vất vả nhất, nhưng thu nhập không cao. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ sớm nghiên cứu, chế biến tại thị trường Việt Nam để tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân vùng biên.

Cây trẩu nếu quy hoạch bài bản và đưa vào trồng, mật độ 400-500 cây/ha, đến kỳ thu hoạch có thể hái được khoảng 5 tấn hạt tươi, bán ra và thu về được 30-40 triệu đồng. Hiện nay, bà con đi thu hái tự nhiên, mỗi ngày một người có thể kiếm được khoảng 30kg hạt trẩu tươi (đã bóc vỏ), bán cho thương lái từ 6.000-8.000 đồng/kg tươi, thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Đây là số tiền ngang với tiền công của một nhân công được thuê leo núi để chặt và vác cây keo lai trong một ngày.

Già làng Hồ Văn Đăng cho biết, người dân địa phương còn được đặt hàng sản xuất đàn lồ ô, giá thành 400.000 đồng/chiếc. Muốn có âm thanh hay thì phải chọn cây lồ ô già, nhưng vỏ mỏng. Người làm giỏi thì mỗi tháng cũng bán cho công ty được 3 chiếc đàn lồ ô.

Theo Theo baobienphong
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO