Mây trắng bảng lảng, gió thổi nhẹ, vọng về những tiếng ríu rít của chim ca… đó là những cảm nhận đầu tiên sau khi chúng tôi cài số 1 để “con ngựa sắt” bò chừng hơn 5km đường đèo tới “cổng trời” Thông Tâm, bắt đầu cho hành trình khám phá Lũng Luông - xóm người Mông sống trên lưng chừng núi thuộc xã Thượng Nung (Võ Nhai, Thái Nguyên).
“Cơm áo không đùa với khách thơ”
Tai ù dần, người có chút bâng lâng, ái ngại khi nhìn thấy thăm thẳm thung sâu, anh bạn dẫn đường Hoàng Văn Sĩ động viên: Giờ đến Lũng Luông thật quá đơn giản, đâu còn là nỗi “ám ảnh” như trước kia. Chị đến lần đầu nên vậy! Còn những ai đã từng một lần đến Lũng Luông, nếu trở lại chắc hẳn thấy “rất chi là bình thường”. Đường tuy cao và ngoằn nghoèo, nhưng đã được đổ bê tông đến tận trung tâm xóm.
Trong lúc, anh Sĩ đang nói, chúng tôi ưỡn cong lồng ngực để hít hà bầu không khí trong lành, mát dịu, phóng tầm mắt ngắm nhìn sự bao la của đất trời vào Xuân. Cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa mận, hoa đào đang ở độ thắm sắc, tạo nên bức tranh miền sơn cước đẹp đến mê hồn. “Sao lại gọi là cổng trời anh?” - Tôi hỏi.
Anh Sĩ giải thích: “Khi tôi còn nhỏ đã thấy dân bản gọi vậy! Cõ lẽ vì đây là “cánh cổng” nằm giữ lưng chừng trời, phải đi qua đó mới vào được Lũng Luông nên dân bản gọi vậy. Nếu từ Sảng Mộc sang, có thể qua “cổng trời” Định Giỗ”.
Một xóm có tới 2 “cổng trời” càng thêm kích thích sự tò mò, hứng khởi của chúng tôi.
Sau ít phút thư giãn ở “cổng trời” Thông Tâm, “ngựa sắt” lại tiếp tục đưa chúng tôi vượt dốc vào nhà Bí thư Chi bộ Lý Văn Mùa. Anh Mùa còn trên rẫy chưa về nên chúng tôi tranh thủ theo chị Hoàng Thị Pai, người dân ở bản, đi phát rẫy, tra hạt ngô.
Ở độ dốc 80-85%, chị Pai và đứa cháu gái chừng 10 tuổi thoăn thoắt bước xuống nhẹ nhàng và đơn giản, còn chúng tôi phải cúi gập người, hai tay bám chặt vào những cây dại nhích từng bước chậm chạp. Người bạn đồng nghiệp trượt chân, ngã bệt, tôi giật mình bám vội vào bụi cỏ lau, tay rớm máu. “Vật lộn” 15 phút với đoạn dốc khoảng hai chục mét gần như dựng đứng chúng tôi mới xuống được mảnh rẫy đang phát dở.
Ở đó, chúng tôi gặp vợ chồng anh Mã Văn Dê, cũng đang phát rẫy làm nương, thấy người lạ, vợ anh rời sang một góc khuất, tỏ ý không muốn tiếp xúc. Còn anh Dê nở nụ cười thân thiện, nên chúng tôi vào chuyện luôn. Anh Dê cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi trồng khoảng 9kg hạt ngô. Cả gia đình 7 miệng ăn chỉ trông vào đó. Nếu thời tiết thuận lợi thì mới có ngô đổi lấy gạo ăn, còn không chỉ ăn mèn mén, nhưng cố gắng lắm cũng chỉ cầm chừng được đến tháng 11. Ngày giáp hạt là đói lắm, tôi phải vào rừng hái rau, hái măng...
Nhìn gương mặt khắc khổ, chúng tôi hiểu bao lo toan, vất vả, gánh nặng cơm áo đang đè nặng trên đôi vai người đàn ông 45 tuổi, có tới 5 người con. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, 4/5 người con của anh Dê đã phải bỏ học giữa chừng giúp bố mẹ làm nương rẫy để duy trì cuộc sống. Hiện giờ, hướng phát triển kinh tế của gia đình anh Dê vẫn bế tắc, bởi đất sản xuất ít, trình độ thấp, đông con…
Ba nguyên nhân chính kể trên không phải là căn nguyên dẫn tới đói nghèo của riêng gia đình anh Dê, mà có tới 90% số hộ ở Lũng Luông cùng chịu chung “số phận”. Trong cảnh khốn khó chung, anh Dê vẫn còn là người được cho là may mắn bởi chịu khó phát rẫy để tra được 15 sào ngô, có gia đình còn không có đất sản xuất, họ phải xuống núi đi làm thuê làm mướn và vào rừng kiếm rau, chặt măng...
Nhưng giờ rừng ở Lũng Luông cũng cạn dần nguồn sinh kế, đời sống người dân còn khó khăn và làm thế nào để giảm nghèo vẫn là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nghĩ tới đây, lòng tôi bỗng chùng lại, như cảm thấy có lỗi với những phiêu lưu, tận hưởng lúc ban đầu. Đúng là “cơm áo không đùa với khách thơ”. Có đến và gặp những người nghèo mới thấu cảm những bí bó hay kể cả sự “trốn tránh” như chị Vinh vợ anh Dê...
"Giũa chìa khóa” mở tương lai
Biết anh Múa vừa ở rẫy về, chúng tôi liền tới đúng giờ hẹn. Trong căn nhà thiếu ánh sáng, khung cửa sổ nhỏ không đủ cho ánh mặt trời chiếu vào. Tôi phải nhờ anh bật điện mới nhìn rõ mặt nhau và ghi chép.
Tôi bất giác nhớ đến ngôi nhà của Mị trong chuyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Tôi hy vọng, anh Múa - “người thuyền trưởng” của bản Mông Lũng Luông cũng có một sức mạnh tiềm tàng như Mị, đủ sức lãnh đạo xóm ngày càng phát triển, giúp người Mông ở Lũng Luông bớt đói nghèo.
Bởi, tôi có những lý do để tin và hy vọng, đó là anh Múa đã có thể làm bừng sáng gian phòng tối tăm của mình bằng công tắc điện; trong thung núi, anh nuôi gần 20 con lợn và 4 con bò, đầu mảnh vườn đào ao thả cá; vợ chồng anh chăm chỉ cấy 1 mẫu lúa và 5 sào ngô. Và điều quan trọng hơn cả, anh chú ý đầu tư cho các con học hành để có tri thức lập thân lập nghiệp. Hiện, con gái cả của anh đang là giáo viên ở Bắc Giang.
Anh phấn khởi cho biết: Gia đình tôi đã thoát nghèo được 2 năm. Tôi làm cán bộ, nếu không gương mẫu, không chăm chỉ, không mạnh dạn vay vốn đầu tư làm ăn, nói bà con sẽ không tin, không nghe theo. Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất như điện, đường, trường, trạm khang trang, giờ bà con mình phải tự thân vận động, nỗ lực vươn lên thôi. Năm nay, xóm phấn đấu giảm 15 hộ nghèo. Giải pháp là xóm phối hợp với ngành chức năng tạo điều kiện cho bà con vay vốn ưu đãi (hiện nay, dư nợ của xóm là hơn 1 tỷ đồng); tích cực tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất ngô, lúa; chuẩn bị đưa cây mơ vào trồng trên đất dốc (đã có 50 hộ đăng ký tham gia dự án); và điều quan trọng là vận động bà con cho trẻ đi học đúng độ tuổi…
Vâng! Tôi đồng tình quan điểm của anh Múa, kiến thức chính là một trong những chiếc chìa khóa quan trọng nhất để khai mở tương lai tươi sáng… Nghe anh Múa giãi bầy tâm sự, chúng tôi lại có lý do để “thả hồn” ngắm cảnh.
Anh Sĩ liền đưa chúng tôi tiếp tục ngược đèo lên “cổng trời” Định Giỗ, nơi cao nhất ở Lũng Luông, để có thể thu về tầm mắt những ngôi nhà xinh xắn của người Mông nằm cheo leo giữ lưng chừng núi, những mảnh nương rẫy đã phát quang, những cánh rừng đặc dụng vi vu gió ngàn… Cảnh đẹp yên ả, thanh bình.
Chúng tôi dự định, lần sau trở lại Lũng Luông sẽ lên “cổng trời” ngắm bình minh!