Lễ hội Nàng Hai, hay còn gọi là Mẹ Trăng, của người Tày ở Cao Bằng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Lễ hội này được sáng tạo từ chính cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi.
Lễ hội Nàng Hai được tổ chức từ ngày 30 tháng Giêng đến ngày 22/3 âm lịch vào các năm chẵn. Trong đó, ngày 22/3 âm lịch là ngày chính hội với lễ tiễn Nàng Hai về trời. Lễ hội là loại hình diễn xướng dân gian tổng hợp các hình thức múa, hát, nhạc trong không gian văn hóa của bản làng, phục vụ cho nghi lễ cầu phúc, cầu mùa. Lễ hội Nàng Hai xã Tiên Thành được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 6/2017.
Lễ hội Nàng Hai (Nàng Trăng) là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Tày nói chung và người Tày Cao Bằng nói riêng. Theo tín ngưỡng dân gian của người Tày trên cung trăng có Mẹ Trăng và các nàng tiên. Mẹ Trăng cùng các nàng tiên hàng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân chúng. Lễ hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng cho hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống vui hội trần gian, thăm thú ruộng đồng, nhà cửa, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và giúp trần gian trong công việc làm ăn sinh sống, phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sinh sôi nảy nở.
Ngoài ý nghĩa là một lễ hội cầu mùa lớn, nó còn phản ánh tục thờ Mẹ trong tín ngưỡng của người Tày. Người Tày có tục thờ Mẻ Bjoóc (Mẹ Hoa) và các nghi lễ gắn với quá trình sinh nở của người phụ nữ. Thế giới của Mẹ Hoa được thần tượng hóa như một cái cây, ở đó hoa vàng sẽ kết ra con trai, hoa bạc sẽ kết ra con gái...Bắt nguồn từ tư duy nông nghiệp đề cao vai trò người phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp, thần thoại khởi nguyên về nghề nông của người Tày là truyền thuyết Pú lương quân với sự tích vợ chồng khổng lồ Báo Luông (trai to), Sao cải (Gái lớn).
Trong đó, vai trò của bà mẹ Sao cải được đặc biệt nhấn mạnh cùng với sự phát sinh, phát triển của nghề nông qua hàng loạt các địa danh liên quan. Sao Cải là hình tượng người mẹ nông nghiệp có thể ví như mẹ Âu Cơ của người Việt, Ponaga của người Chăm ở Nha Trang...Có lẽ xuất phát từ các quan niệm truyền thống về người Mẹ, kết hợp với quan niệm dân gian coi mặt trăng là chủ thể về thái âm (nữ tính) mà người Tày đã gắn trăng với vai trò của người mẹ lớn cai quản trần gian về nhiều việc, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế trong thần thoại của người Tày, Nàng trăng chính là con gái Vua trời, được cha giao cho trông coi công việc nhà nông ở cõi trần gian.
Đồng bào Tày chọn một bãi đất phẳng, rộng rãi làm nơi mở hội. Trên bãi căng vải dựng rạp gọi là trại mẻ mành. Nơi Nàng Hai ngồi làm lễ đặt ở trung tâm sân có lợp vải hoa và trải chiếu hoa. Trại mẻ mành dựng bằng cọc, trên lợp vải hoa quây thành hình chữ U bao quanh sân hội. Đầu bản và cuối bản dựng cổng chào lớn để đón khách. Các gia đình trong bản chuẩn bị các mâm cỗ mặn gồm các món ăn truyền thống để đón khách đến chơi hội và để thi trong ngày tổ chức lễ hội.
Tham gia Lễ hội là Mẻ Cốc, Cường, Sở và các mụ nàng, mụ nọi, thầy tào và thêm hai thanh niên khỏe mạnh làm khủ tiến có nhiệm vụ đi trước dẹp đường cho đoàn người hành lễ. Cường mặc áo vàng chít khăn vàng, Sở mặc áo đỏ chít khăn đỏ. Mẻ Cốc mặc áo dài chàm; các mụ nàng, mụ nọi mặc áo dài chàm đầu buộc dải lụa đỏ hoặc vàng. Hai khủ tiến mặc quần áo dân tộc, một người thắt khăn vàng, một người thắt khăn đỏ.
Dụng cụ chính gồm quạt giấy để múa, 2 bộ quần áo dài cũ (tượng trưng cho quần áo của người trần gian); 2 cành trúc dài trên ngọn có treo túi vải màu đựng trầu gọi là cỗ tiến; Thuyền gỗ: 7 cái (1 thuyền to và 6 thuyền nhỏ), một số thuyền hoa chuối.
Lễ dâng cúng ở nhà Nàng Hai gồm có 3 mâm xôi màu tím (1 mâm của Mẹ Cốc, 2 mâm của hai Nàng Cường, Sở), 2 bồ đựng thóc giống, cây giống, 2 đĩa bánh quánh to (bánh nàng hai - làm bằng gạo nếp), 2 dậu thúc théc, 1 ngọn mía,1 sào hoa rừng (15 bó).
Lễ cúng thổ công gồm có 1 mâm xôi màu, 1 con gà luộc, 1 chai rượu.
Lễ phá nhà Nàng Hai được tiến hành như sau: Sáng sớm Mẻ Cốc, Cường, Sở và các mụ nàng, mụ nọi, khủ tiến tập trung tại nhà Nàng Hai làm lễ. Sau khi thắp hương, Mẻ Cốc và các mụ nàng, mụ nọi sẽ hát khúc cầu nguyện mời Nàng Hai nhập vào Cường, Sở. Khi Nàng Hai đã nhập xong, hai nàng đứng dậy khoác áo cũ, đi giầy, treo hai túi đựng trầu lên ngực chuẩn bị rời khỏi chiếu ngồi. Mọi người thu dọn hoa và các đồ lễ để đưa ra sân hội (trại mẻ mành). Mẻ Cốc cầm ngọn mía đi đầu tiếp theo đến người cầm bát hương Nàng Hai, khủ tiến đi hai bên, lần lượt đến Cường, Sở và các mụ nàng, mụ nọi, vừa đi vừa hát khúc từ biệt. Đoàn người đi vòng quanh nhà Nàng Hai ba vòng, vừa đi vừa rung đổ nhà, kết thúc lễ phá nhà Nàng Hai.
Sau khi làm lễ phá nhà Nàng Hai, cả đoàn người có khủ tiến dẫn đầu đi ra miếu thổ công tạ lễ. Tại miếu thổ công, thầy tào làm chủ lễ xin âm dương xin phép mở hội và tiễn nàng Hai về trời. Đoàn người đến trước miếu hát khúc tạ ơn và chào thổ công. Sau đó đi ra trại mẻ mành. Sau đó Thầy Tào ra trại mẻ mành làm phép cắm thẻ 4 góc sân hội để trừ tà cho lễ hội.
Tại lán Nàng Hai trong trại mẻ mành Lễ chính tiến hành như sau: Mở đầu lễ hội là các nghi thức lễ mời Nàng Hai. Tiếp theo là nghi lễ “mời sluông”: Tất cả cùng hát khúc mời sluông vật quạt thật mạnh để sluông nhập vào Cường và Sở. Tiếp theo đến phần “Lên đường” cũng hát như nghi thức hàng đêm. Lúc này chia thành hai nhóm, một nhóm ngồi hát còn một nhóm do Mẻ Cốc dẫn đầu gồm khủ tiến, hai nàng Cường, Sở, các mụ nàng, mụ nọi cầm quạt múa sluông chầu đi vòng quanh trại mẻ mành. Sau khi thực hiện xong các điệu múa đoàn người ngồi xuống chiếu trong lán Nàng Hai để hát khúc lượn slương. Dọn đồ tế lễ lên thuyền phần này được thực hiện qua nội dung lời hát. Lễ khao hoa hát mời tất cả các mẹ trăng về dự hội dưới trần gian do Nàng Hai tổ chức. Kết thúc lễ hội hát khúc lễ tạ và hát khúc thu dọn sân hội.
Mẻ Cốc cầm 3 nén hương, 1 nén cắm vào ống hương, 2 nén còn lại dắt lên đầu Cường và Sở. Đoàn người làm lễ lần lượt dứng dậy múa hát bài nhận cỗ. Cường và Sở buộc chiếc áo cũ lên ngang người, các nam nữ thanh niên dọn dẹp đồ lễ và bàn thờ. Lễ gieo hạt: Cường và Sở cầm bồ hạt giống, cây giống vãi tung ra xung quanh sân hội. Mọi người vẫn hát hối thúc. Lễ phá bỏ trại mẻ mành Mẻ cốc cầm ngọn mía dẫn đường Cường và Sở đi vòng quanh nhà Nàng Hai ba vòng vừa đi vừa xô đổ nhà. Sau đó đoàn người đi vòng quanh trại mẻ mành xô đổ toàn bộ. Lễ tiễn Nàng Hai: Tiếp theo đoàn người vừa hát vừa rời sân hội đi ra bờ suối làm lễ thả thuyền tiễn Nàng Hai rời trần gian. Toàn bộ đồ cúng lễ của Nàng Hai được đem ra bờ suối và sắp đặt như sau Bát hương nàng Hai đi trước, tiếp theo Thuyền lớn và dãy thuyền nhỏ, toàn bộ hoa rừng. Thầy tào sẽ hành lễ cắm thẻ yểm tà khí. Đoàn người đến trước nơi đặt lễ hát khúc chia tay. Nàng Hai chia tay với các mụ nàng, mụ nọi, xé quạt chia cho các nàng. Lễ tiễn nàng Hai là cuộc chia tay quyến luyến giữa các nàng Hai với các mẹ Trăng và trần gian qua lời đối đáp dặn dò giữa Nàng Hai và các mụ nàng, mụ nọi, kết thúc bằng lễ thả thuyền, thả hoa.
Cuối cùng là hú gọi hồn Mẻ Cốc và hồn Cường, Sở. Lúc này tất cả mọi người cùng hát, vật quạt thật mạnh để hối thúc hồn Nàng Hai xuất khỏi Cường và Sở. Thầy Tào làm phép thu lại hồn vía cho các Nàng. Lễ hội kết thúc.
Trong lễ hội, ngoài các thủ tục đón tiễn đưa Nàng Hai, những điệu hát du dương làm say đắm người nghe thì phải kể đến những điệu múa của Nàng Hai và các mụ nàng, mụ nọi. Các điệu múa sử dụng trong lễ hội tuy không nhiều nhưng có vai trò nhất định tạo nên không khí cuốn hút của ngày hội.
Với lễ hội Nàng Hai, phần múa quạt và xem thuyền là một nghi lễ chính của lễ hội nhằm diễn tả đoàn người trần gian đưa lễ vật lên mường trời. Quạt được sử dụng làm đạo cụ chính trong khi diễn. Múa quạt do các mụ nàng, mụ nọi làm sluông tiến lễ vừa hát vừa thực hiện. Các điệu múa được sử dụng trong lễ hội đơn giản, mọi người có thể múa được dễ dàng, bao gồm 5 điệu múa: Múa quét, Múa cầu mùa, Múa chèo thuyền, Múa gập một nửa quạt, Múa gập quạt hoàn toàn.
Mỗi điệu múa quạt đều quy định phải đi ba vòng quanh trại mùng mành, bắt đầu đi từ bên trái. Mẻ Cốc đi trước vừa đi vừa hát, khủ tiến cầm ngọn mía đi dẹp đường, tiếp đến là đội quân áo vàng của Cường và sau cùng là đội quân áo đỏ của Sở. Hình thức múa đơn giản nhưng có tính biểu đạt cao khiến nguời ta liên tưởng đến những nàng tiên trên trời với những đôi cánh tiên đã đi vào trong truyện cổ tích.
Lễ hội Nàng Hai phản ánh cuộc sống hiện thực, thế giới quan và nhân sinh quan của đồng bào dân tộc Tày. Lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có tác dụng gắn kết cộng đồng, cổ vũ, động viên bà con bước vào một vụ mùa sản xuất mới. Ngoài nghi lễ xuất nhập hồn và diễn xướng múa tập thể, Lễ hội Nàng Hai gây ấn tượng mạnh bởi các loại hình văn hóa độc đáo như trang phục truyền thống, nghệ thuật trang trí, đẽo thuyền gỗ, làm đồ thủ công, nghệ thuật ẩm thực thể hiện trong mâm lễ… Đến với Lễ hội Nàng Hai, người ta không chỉ được thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa tâm linh, mà còn có dịp hội ngộ với tất cả sự cởi mở, chân tình, tấm lòng mến khách của đồng bào nơi bản làng xa xôi.