Lễ hội Đền Bạch Mã – Một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa

02/11/2021 07:30

(DTTG) Hằng năm, cứ đến ngày 27/3 (tức 12/2 Âm lịch), Lễ khai hội Đền Bạch Mã được diễn ra ở số 76, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa.

Đền bạch mã xưa. (Ảnh: Internet)
Đền Bạch Mã xưa. (Ảnh: Internet)

Đền Bạch Mã trấn giữ phía đông thành Thăng Long, thờ thần Long Đỗ, người đã có công giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Đại La. Theo truyền thuyết và thần phả, vào năm 1010, Vua Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long và muốn mở rộng thành Đại La. Vua cho đắp thành nhưng hễ đắp lên lại bị sụp đổ, liền cho người đi hỏi dân chúng trong vùng mới biết ở đất này có hiển linh từ trước. Vua bèn sai biện lễ cầu đảo.

Đêm ấy, vua nằm mộng gặp thần Long Đỗ tới chúc mừng và dặn nhà vua rằng cứ theo dấu vó ngựa mà đắp thành, tất sẽ thành công. Sau đó, vua nhìn thấy một con ngựa trắng phi thẳng vào đền rồi biến mất. Sáng hôm sau, nhà vua thấy có dấu chân ngựa in trên mặt đất thành đường vòng tròn, bèn sai người cứ theo đó mà xây thành, đắp lũy. Thành sau khi xây xong rất chắc chắn, vững chãi. Biết ơn thần, nhà vua cho tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần là “Thăng Long Thành hoàng Đại vương”.

Hằng năm, Lễ hội đền Bạch Mã diễn ra trong hai ngày, từ ngày 12 đến 13 tháng Hai âm lịch hàng năm để tưởng nhớ đến công ơn của thần Long Đỗ.

Đền Bạch Mã ngày nay tại số 76 - 78, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Internet)
Đền Bạch Mã ngày nay tại số 76 - 78, phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Internet)
Bàn thờ bên trong đền Bạch Mã. (Ảnh: Internet)
Bàn thờ bên trong đền Bạch Mã. (Ảnh: Internet)

Ngày 12/02: (Chính hội)

Từ sáng sớm, đội rước kiệu khởi hành từ đền Mã Mây đi qua các tuyến phố lớn để về đền Bạch Mã. Đi đầu là đội múa rồng, sư tử; tiếp đến là đội cờ, trống chiêng, sinh tiền, đánh bồng, bát âm; đội kiệu lễ vật và đội kiệu bát cống đền Bạch Mã với đầy đủ tàn, tán, lọng; đội tế nam quan; dâng hương nữ. Trong đoàn rước còn có mục đồng và mô hình trâu với kích thước bằng trâu thật để làm lễ tiến Xuân Ngưu.

Đặc biệt, trong đoàn rước còn mô phỏng Lễ tiến Xuân Ngưu - dâng Trâu mùa Xuân - một nghi thức quan trọng của Lễ hội đền Bạch Mã từ xa xưa, với hình ảnh mục đồng, mô hình trâu có kích thước bằng trâu thật, quan tri phủ và hai quan tri huyện thành Thăng Long, cùng các lính hầu.

Tiếp đó là 5 kiệu lễ vật gồm hương đăng, thanh bông hoa quả; kiệu long đình, kiệu võng và sau cùng là khối quần chúng gồm các cụ bô lão, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh thiếu niên, học sinh, đại diện cho các tầng lớp nhân dân quận Hoàn Kiếm.

Tượng bạch mã trong đền. (Ảnh: Internet)
Tượng Bạch Mã trong đền. (Ảnh: Internet)
Các nghi thức tại lễ hội đền Bạch Mã. (Ảnh: Internet)
Các nghi thức tại lễ hội đền Bạch Mã. (Ảnh: Internet)

Ngày 13/02: Buổi sáng, các cụ ông trong trang phục truyền thống của đội tế nam đền Bạch mã làm lễ tế Thánh. Buổi chiều, các đội tế nam và dâng hương nữ của các làng lân cận vào lễ Thánh. Kết thúc là lễ tế giã hội của đội tế nam đền Bạch Mã.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các chương trình vui chơi, giải trí; biểu diễn nghệ thuật dân tộc như: chầu văn, ca trù, chèo, quan họ; trình diễn võ thuật phục vụ nhân dân tại sân khấu ngoài trời và trong phương đình đền Bạch Mã.

Theo Quyết định số 235VH/QĐ ngày 12/12/1986 , Đền Bạch Mã đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Gắn biển Công trình 1000 năm Thăng Long cho Đền Bạch Mã. (Ảnh: Internet)
Gắn biển Công trình 1000 năm Thăng Long cho Đền Bạch Mã. (Ảnh: Internet)

Năm 2010, công trình tu bổ tôn tạo di tích Đền Bạch Mã được khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ giữ gìn cho con cháu mai sau một di sản văn hóa quý báu của cha ông mà góp phần tạo thêm nhịp cầu nối không gian lễ hội trên địa bàn thành phố nói riêng và trong cả nước nói chung.

Lễ hội đền Bạch Mã là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức hàng năm là dịp để cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ ôn lại truyền thống đánh giặc ngoại xâm của cha ông, tưởng nhớ và tôn vinh vị tướng Phan Đà đã hy sinh vì đất nước; đồng thời thể hiện cách ứng xử, nếp sống, phong tục tập quán của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO